Tổng hợp thị trường cà phê tuần 27 (02/07 – 07/07/2018)

Nhu cầu hàng thực vẫn còn cao đã duy trì cấu trúc giá đảo trên sàn London kéo dài.

Biểu đồ giá cà phê Robusta London T9/2018 tuần 27 (02/07 – 07/07/2018)

Chốt phiên cuối tuần lễ thứ 27, trên sàn ICE Europe – London, giá cà phê Robusta đảo chiều tăng trở lại. Kỳ hạn giao ngay tháng 9 tăng 23 USD, lên 1.662 USD/tấn và kỳ hạn giao tháng 11 tăng 21 USD, lên 1.655 USD/tấn, các mức tăng rất đáng kể. Khối lượng giao dịch khá cao trên mức trung bình.  Cấu trúc giá đảo được nới rộng khoảng cách.

Tương tự, trên sàn ICE US – New York, giá cà phê Arabica cùng cùng xu hướng tăng trở lại. Kỳ hạn giao ngay tháng 9 tăng 4,95 cent, lên 114,1 cent/lb và kỳ hạn giao tháng 12 cũng tăng 4,95 cent, lên 117,55 cent/lb, các mức tăng rất mạnh. Khối lượng giao dịch cũng rất cao trên mức trung bình.

Giá cà phê nhân xô tại các tỉnh Tây nguyên cuối tuần tăng 400 – 500 đồng/kg, lên dao động trong khung 34.500 – 35.200 đồng/kg.

Giá cà phê Robusta xuất khẩu loại 2, 5% đen vỡ, đứng ở mức 1.575 USD/tấn, FOB – HCM, với chênh lệch trừ lùi 70 – 80 USD theo giá kỳ hạn tháng 11 tại London.

Tính chung cả tuần, giá cà phê Robusta kỳ hạn tháng 9 giảm 28 USD, tức giảm 1,66%, giá cà phê nhân xô trong nước giảm 500 đồng/kg, tức giảm 1,41%, trong khi giá cà phê Arabica kỳ hạn tháng 9 chỉ giảm 1 cent/lb, tức giảm 0,87%, mức giảm ít nhất.

Giá cà phê những phiên đầu tuần biến động theo xu hướng có phần tiêu cực nhẹ do USD vững trong rổ tiền tệ mạnh trong khi đồng Reais tiếp tục suy yếu mặc dù ngân hàng trung ương Brasil vừa phải bơm tiền để duy trì tỷ giá quanh mức 3,7 Reais ăn 1 USD.

Áp lực vụ mùa mới kết hợp với đồng Reais yếu đã thúc đẩy người Brasil duy trì sức bán ra khá đáng kể kéo dài trong suốt cả tuần, đặc biệt khi đồng Reais suy giảm trở lại vào cuối tuần.

Đáng lưu ý là giá cà phê kỳ hạn cũng đã có một phiên lao dốc theo hầu hết các thị trường hàng hóa, chứng khoán vào ngày Mỹ áp dụng mức thuế quan bổ sung trị giá 34 tỷ USD lên hàng hóa nhập từ Trung Quốc và sự đáp trả tương ứng của Bắc Kinh để thổi bùng ngọn lửa Trade War, mặc dù cà phê là mặt hàng ít liên quan. Các nhà quan sát đã nhận xét có vẻ như thị trường đã phản ứng thái quá…

Giá cà phê lao dốc còn do dòng vốn của đầu cơ tháo chạy khỏi các thị trường khác đổ vào trong khi vẫn có đầu cơ rút vốn đi tìm nơi trú ẩn làm giá giảm sâu thêm như một sự hoảng loạn. Thông điệp đưa ra lúc này là “Dù sao, mọi chuyện vẫn còn ở phía trước nên cần có sự bình tĩnh để ứng phó thích hợp”.

Chốt phiên cuối tuần, giá cà phê hồi phục trên cả hai thị trường. Điều đáng ngạc nhiên là giá cà phê Arabica tại sàn New York không chỉ lấy lại những gì đã mất ở phiên hoảng loạn trước đó mà còn nhiều hơn nữa, như để chứng minh rằng các thị trường cà phê kỳ hạn đang bị chi phối của các bên đầu cơ nhiều hơn là của bản thân ngành hàng cà phê.

Cũng xin nhắc lại, dự báo mới nhất của bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) về sản lượng cà phê toàn cầu năm nay sẽ khoảng 171,2 triệu bao và tiêu thụ toàn cầu khoảng 163,2 triệu bao và do đó, toàn cầu sẽ thặng dư xấp xỉ 8 triệu bao. USDA cũng dự báo năm nay sản lượng Brasil sẽ khoảng 60,2 triệu bao và Việt Nam sẽ khoảng 29,9 triệu bao. Trong khi Rabobank vừa “nhắc nhở” khách hàng của mình dù sao cũng chỉ là dự báo mà không lấy gì làm chắc chắn.

Tồn kho cà phê Robusta được sàn London chứng nhận và theo dõi cấp phát, tính đến thứ Hai ngày 02/7, đã giảm thêm 1.120 tấn, tức giảm 1,72% so với tuần thương mại trước đó, xuống đăng ký ở mức 64.090 tấn (tương đương 1.068.167 bao, bao 60kg).  Số tồn kho này tương đương mức tiêu thụ của toàn châu Âu trong vòng 1 tuần lễ.

Theo nhiều nhà phân tích kỹ thuật, khả năng cả hai thị trường đã chạm đáy và đảo chiều tăng trở lại, tuy nhiên cần phải theo dõi những phiên giao dịch đầu tuần tới mới xác định xu hướng được rõ ràng hơn.

Anh Văn (giacaphe.com)

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Tin đã đăng