Sức mua chưa mạnh nhưng cũng giúp sàn London giữ được đà tăng trong khi sàn New York vẫn còn nguyên sức ép vụ mùa mới của các nhà sản xuất Nam Mỹ.
Kết thúc phiên giao dịch, giá cà phê Robusta trên sàn ICE Europe – London tiếp tục gia tăng. Kỳ hạn giao ngay tháng 7 tăng thêm 11 USD, lên 1.717 USD/tấn và kỳ hạn giao tháng 9 tăng thêm 6 USD, lên 1.701 USD/tấn, các mức tăng nhẹ. Khối lượng giao dịch duy trì khá cao trên mức trung bình. Cấu trúc giá đảo nới rộng thêm khoảng cách.
Trái lại, giá cà phê Arabica trên sàn ICE US – New York trở lại xu hướng giảm. Kỳ hạn giao ngay tháng 7 giảm thêm 1,05 cent, xuống 112,6 cent/lb và kỳ hạn giao tháng 9 giảm thêm 0,4 cent, còn 116,25 cent/lb và kỳ hạn giao tháng 12 cũng giảm thêm 0,4 cent, còn 119,7 cent/lb, các mức giảm nhẹ. Khối lượng giao dịch giảm xuống ở mức trung bình.
Giá cà phê nhân xô tại các tỉnh Tây nguyên tăng thêm 200 – 300 đồng/kg, lên dao động trong khung 35.100 – 36.000 đồng/kg.
Giá cà phê Robusta xuất khẩu loại 2, 5% đen vỡ, đứng ở mức 1.596 USD/tấn, FOB – HCM, với chênh lệch trừ lùi ở mức 100 – 105 USD theo giá kỳ hạn tháng 9 tại London.
Giá cà phê thế giới suy yếu kéo dài do vẫn còn nguyên sức ép vụ mùa mới của các nước Nam Mỹ, nhất là từ nhà sản xuất hàng đầu Brasil hiện đang thu hoạch vụ mới trong khi láng giềng Colombia cũng đang thu hoạch vụ Mitaca với dự báo sản lượng xấp xỉ 2 triệu bao.
Cooxupé, hợp tác xã cà phê lớn nhất thế giới của Brasil cho biết họ chỉ mới thu hoạch khoảng 15,7% sản lượng của thành viên, thấp hơn một chút so với cùng thời điểm năm trước. Dự kiến tổng sản lượng năm nay của Cooxupé sẽ trong khoảng 42 – 45 triệu bao cả hai loại cà phê Arabica lẫn Robusta.
Xu hướng giá cà phê Robusta so với giá Arabica có phần nổi trội hơn do hàng tồn kho vụ cũ của Việt Nam không còn nhiều, trong khi hàng vụ mới đang thu hoạch của Indonesia vẫn ưu tiên mua cho ngành công nghiệp nội địa với mức giá khá cạnh tranh. Cà phê Lampung loại 4 hiện đang giao dịch với giá chênh lệch cộng 60 – 80 USD/tấn theo giá kỳ hạn London. Các thương nhân kinh doanh cà phê Đông Nam Á tỏ ra không vội mua trong lúc này, họ cũng đang thăm dò xu hướng mới khi Indonesia thu hoạch vụ mua xong ở Sumatra và nhất là Brasil ra hàng Conilon Robusta vụ mới trong tháng 7 tới để xác định xu hướng rõ ràng hơn.
Thị trường cà phê Tây nguyên tuy có xao động đôi chút khi giá cà phê tăng trở lại nhưng không ghi nhận được giao dịch nào đáng kể.
Anh Văn (giacaphe.com)