Giá cả hai sàn đều dao động rất thận trọng trước ngày Fed họp và công bố lãi suất cũng như chính sách tiền tệ của Mỹ trong những tháng còn lại của năm 2018.
Đóng cửa phiên ngày thứ Ba, giá kỳ hạn tháng 7 sàn Robusta giảm 6$ chốt tại mức 1.729 USD/tấn, lượng giao dịch sàn này ở mức trung bình. Kỳ hạn tháng 9 sàn Arabica tăng nhẹ 0,3 cent chốt tại mức 119,5 cents/lb, lượng giao dịch cũng ở mức trung bình.
Theo các thương nhân, lúc này các giao dịch chỉ là cầm chừng vì mọi giới còn đang muốn chờ kết quả cuộc họp Fed vào rạng sáng ngày mai (giờ Việt Nam), cũng theo các thương nhân thì việc Fed tăng thêm 0,25 % lãi suất gần như không còn gây bất ngờ nào với mọi giới đầu tư. Nhưng cuộc họp sau khi công bố lãi suất sẽ rất quan trọng vì nó sẽ quyết định “những ngày còn lại của năm 2018” sẽ như thế nào và khả năng có ảnh hưởng nhất định lên cuộc họp ECB ngay sau đó (ngày 14/6). Các giới đầu tư sẽ điều chuyển dòng tiền của mình đi đâu thì đều phải chờ kết quả của 2 ngày quan trọng này.
Theo số liệu Cecafé, Brazil đã xuất khẩu 1,7 triệu bao cà phê trong tháng 5, đạt kim ngạch 258,6 triệu USD, giảm 34,7% về khối lượng so với cùng kỳ năm ngoái do ảnh hưởng đình công. Viện Địa lý và Thống kê Brazil (IBGE) dự báo sản lượng cà phê Brazil niên vụ 2018/19 sẽ đạt 57,1 triệu bao, tăng 3,2% so với ước tính tháng trước.
Chi tiết báo cáo cam kết thương nhân mới nhất từ thị trường cà phê Arabica tại New York cho biết bộ phận các quỹ quản lý tiền tệ đã giảm 15,75% vị thế bán ròng trong tuần giao dịch tính đến ngày 05/6/2018, đăng ký tổng vị thế bán ròng 38.009 lô. Trong khi đó, bộ phận các quỹ chỉ số đã tăng 1,01% vị thế mua ròng, đăng ký tổng vị thế mua ròng 34.906 lô. Trong cùng kỳ, bộ phận đầu cơ phi thương mại đã giảm 17,38% vị thế bán ròng, đăng ký tổng vị thế bán ròng 37.372 lô.
Liên đoàn Cà phê châu Âu (ECF) báo cáo tồn kho cà phê tại các kho cảng ở Bỉ, Đức, Pháp và Ý tăng 345.567 bao tức tăng 3,19% trong tháng 4, đăng ký tồn kho ECF ở mức 11.194.633 bao. Tuy nhiên, tồn kho này không bao gồm tồn kho không báo cáo của tồn kho rang xay, tồn kho trung chuyển và tồn kho trữ tại các nhà kho không báo cáo khắp Tây Âu và Đông Âu, với sức tiêu thụ xấp xỉ 1,05 triệu bao/tuần, từ đó có thể tăng thêm 2,5 triệu bao cho tổng tồn kho cà phê được báo cáo, tương đương 13 tuần hoạt động rang xay, một con số khá an toàn cho các thị trường tiêu thụ cà phê. Tồn kho cà phê Arabica chứng nhận đạt chuẩn sàn ICE Futures US tại New York tăng 5.057 bao vào ngày 11/6/2018, đăng ký tồn kho ở mức 2.038.150 bao.
Theo các phân tích, sự dè dặt của các nhà giao dịch trước khi Fed công bố lãi suất là có thể hiểu được. Đáng lưu ý trên kỳ hạn tháng 7 ở biểu đồ kỹ thuật tuần đường Bolinger Band đang co lại báo hiệu xu hướng giá đang ở cuối chu kỳ giảm và có thể có biến động tăng giảm lớn liền kề. Lúc này cản tâm lý đang quanh khu 1746 – 1751 và nếu giá có dao động trên vùng này và có thể vượt 1760 – 1770 thì khả năng cao thị trường sẽ tăng và thử thách lại cản 1835. Nếu như vùng 1706 – 1711 không giữ được thì giá sẽ kiểm tra lại vùng giá thấp 1660 – 1680 trước khi có hướng đi mới.
Trong khi đó, kỳ hạn tháng 9 sàn Arabica cũng không có thêm các tin cơ bản mới từ Brazil và mọi giới cũng đang trong trạng thái chờ tin Fed. Khung dao động 117,5 – 120,3 lúc này vẫn là dao động chính và chỉ cần giá pha biên nào của khung này thì sẽ dẫn dắt chiều hướng giá theo phía đó.
Phạm Vỹ (giacaphe.com)