Trở lại Ea Bar, vùng đất hiếm hoi của miền núi phía tây Phú Yên còn sót lại cây cà phê sau những thăng trầm, khắc nghiệt của thiên nhiên và biến động của thị trường. Qua rồi mùa giông bão, hoa cà phê lại nở trắng những triền đồi và nhiều ngôi nhà mới đã, đang được xây dựng khang trang.
Trở lại 24 năm trước, Y Rức-cậu bé người dân tộc Ê Ðê ở Buôn Thứ, huyện Sông Hinh vừa đi, vừa cầm dao phạt cây rừng dẫn lối cho đoàn cán bộ Công ty cà phê Phú Khánh đến vùng đất hoang dại, bạt ngàn cỏ tranh hơn 7.500 ha ở độ cao 450 m so với mặt nước biển.
Nhớ ngày đi mở đất
Như người lính ra trận, những người đi xây dựng nông trường mang theo mệnh lệnh là làm thế nào để sáu năm sau trên vùng dự án cây cà phê phải cắm rễ được 1.000 ha theo ký kết Hiệp định hợp tác với Ba Lan về việc trồng cây cà phê.
Vừa khai hoang xong, cây cà phê còn nằm trong bọc ươm, nhưng nông trường phải lo cái ăn, cái mặc cho hơn 400 công nhân, quả là vất vả. Hồi ấy, cứ đều đặn, cuối tuần tôi ra thị trấn Hai Riêng và quá giang mấy chiếc IFA của nông trường để lên đó chụp ảnh. Tại đây, công nhân được biên chế theo từng đội, thủ phủ mỗi đội là lán trại mái tranh vách đất. Dù thiếu thốn đủ thứ nhưng ai cũng để dành tiền để chụp ảnh gửi về quê. Rồi tình yêu đôi lứa nở rộ nơi vùng đất mới. Anh Ðặng Văn Trung, Phó Giám đốc nông trường nói vui là đám cưới ở đây được đưa vào “ghi-nét” vì chỉ trong hai năm 1991, 1992 có đến gần 200 đám cưới.
Tiệc cưới của công nhân cũng tiết kiệm, không mâm cao cỗ đầy nhưng có hai thứ không thể thiếu là chụp ảnh và ca hát. Ðám cưới đầu tiên được tổ chức ở nông trường là giữa đôi trai tài gái sắc là Phan Thanh Quyền (giờ là Trưởng phòng Văn hóa Thông tin huyện Sông Hinh) và chị Trần Thị Kim Phượng. Quyền và Phượng hát khá hay là hạt nhân văn nghệ của nông trường. Quyền bảo rằng những ngày đầu đến đây mình đã ghi nhật ký và sau này nếu con mình làm nhà báo sẽ viết lại những kỷ niệm thời trai trẻ của bố nó ở đây!
Ðâu ngờ, sau đó vợ anh sinh bé Phương đúng ngày 21-6. Như một lẽ sinh tồn, một năm sau mùa cưới, hàng trăm đứa trẻ lại ra đời. Lần đầu tiên trên vùng đất này người ta được nghe tiếng trẻ con khóc. Tiếng khóc của trẻ như báo hiệu sự sống đang sinh sôi nảy nở. Và tôi lại được đưa ống kính máy ảnh để chụp những đứa trẻ đang được bế trên tay bố mẹ chúng bên gốc cây cà phê. Những tấm ảnh ấy đã theo đường thư về những miền quê xa lắc…
“Tự bơi qua sông…”
Sau bốn năm nỗ lực, 400 ha cà phê đã phủ xanh trên những triền đồi, trong đó 24 ha trồng những ngày đầu tiên đã đơm hoa. Lúc này cũng là thời điểm nông trường đứng trước muôn vàn khó khăn. Năm 1990, tình hình quốc tế thay đổi dẫn đến Hiệp định hợp tác với Ba Lan không còn. Vốn Trung ương hạn chế, vốn địa phương không có vì Phú Yên cũng vừa tách ra từ Phú Khánh, cái khó của tỉnh còn lớn hơn nông trường. Giám đốc Lê Văn Trung lặn lội đi từ tỉnh đến Trung ương tìm vốn để cứu nông trường, và rồi cũng chỉ nhận được mấy câu động viên “các anh phải tự bơi qua sông”.
Năm sau, 1991 ảnh hưởng bụi núi lửa Phi-li-pin, 400 ha cà phê bị úa vàng và rụng lá; năm 1992 dịch mọt lan rộng vườn cây và năm 1993 đỉnh cao của những trận bão lụt thế kỷ… tất cả đã làm cho cây cà phê không kết trái. Làm gì để bảo vệ hơn sáu tỷ đồng của Nhà nước đã đầu tư và thành quả đã đánh đổi bằng mồ hôi, kể cả tính mạng suốt mấy năm qua? Làm gì để nuôi sống 450 cán bộ công nhân viên đã một năm trời không lương và gần 500 nhân khẩu ăn theo? Không ít công nhân đã rời bỏ vùng đất hứa của cây cà phê để ra đi tìm việc khác.
Ðể cứu lấy nông trường, Ban Giám đốc đã đi đến quyết định mà xưa nay chẳng ai dám làm là bán cà phê non! Cùng lúc đó, lãnh đạo đã chủ trương bố trí lại lực lượng lao động, đồng thời tiến hành việc giao đất, vườn cây cho người lao động để nâng cao năng lực tự chủ tức là lấy hộ gia đình công nhân làm đơn vị sản xuất thay cho hình thức khoán tiền lương đến sản phẩm cuối cùng như đã thực hiện trước đó. Trước mắt nông trường phát động phong trào trồng lúa nước ven suối, trồng đậu, mè, nuôi gà, lợn, bò… Cuối cùng, phương châm “trồng lúa, trồng đậu, trồng mè… để trồng cây cà phê” mà lãnh đạo nông trường đề ra đã thành công, nhờ đó người lao động đã vượt qua khó khăn, hàng trăm công nhân trụ lại với nông trường.
Và bắt đầu từ cuối năm 1993 đến 1995, nhờ 600 triệu đồng từ nguồn vốn Chương trình 120, 327/CT mà các hộ nông trường viên có điều kiện tiếp tục khắc phục khó khăn, ổn định sản xuất. Nông trường cũng đã tranh thủ các nguồn, vay nửa tỷ đồng để xây dựng đường tràn, giếng nước, trường học, trồng mới 150 ha rừng và bảo vệ 200 ha rừng đầu nguồn… để phục vụ dân sinh, bảo vệ môi trường sinh thái trong vùng bền vững.
Với cơ chế giao đất, giao vườn cây, công nhân làm chủ lô cà phê của mình nên dốc sức đầu tư, chăm sóc. Từ năm 1994 rồi sang vụ 1995-1996 cây cà phê cho năng suất cao lại được giá; toàn nông trường đạt gần 300 tấn nhân với giá trị sản lượng ước tính hơn 5 tỷ đồng; nhiều diện tích đạt 12 tạ nhân/ha.
Làm giàu từ cây cà phê
Mất khá nhiều thời gian tôi mới đến được Trạm 2, trước đây là đội 6 và tìm được nơi trú ngụ của ông già Trung (tên gọi thân mật của công nhân ở đây). Từ khi thành lập (1986) đến mãi sau này, hai “thủ lĩnh” nông trường tên trùng nhau nhưng tuổi tác cách biệt nên cán bộ công nhân gọi là Trung cha (tức Giám đốc Lê Văn Trung), Trung con (Phó Giám đốc Ðặng Văn Trung, giờ là Giám đốc). “Trung cha” giờ đã 52 tuổi Ðảng, 75 tuổi đời nhưng vẫn còn tháo vát.
Mặc dù cậu con trai là giảng viên Ðại học Ðà Nẵng đang làm nghiên cứu sinh Tiến sĩ tại Pháp, nhà cửa ổn định ở Ðà Nẵng, ông còn có cơ ngơi ở Sơn Thành (huyện Tây Hòa) nhưng ông và vợ vẫn ở lại với nông trường trong ngôi nhà xinh xắn giữa vườn cà phê do chính ông trồng. 25 năm trước ông đã cùng đồng đội đến đây đồng cam cộng khổ vì sự nghiệp phát triển cây cà phê của tỉnh. Ông đã từng dìu dắt nông trường vượt qua ải gian nan bằng bản lĩnh đột phá, dám làm dám chịu trách nhiệm của một “thủ lĩnh”.
Ông tâm sự về lý do vì sao nghỉ hưu 15 năm rồi mà vẫn còn ở lại: “Tôi là người mở đất, tôi đã gọi họ đến với vùng đất này, rồi giai đoạn khó khăn tưởng chừng không thể vượt qua tôi đã động viên họ ở lại với nông trường, họ đã cùng tôi đồng cam cộng khổ nên tôi không thể rời xa họ khi sức khỏe chưa đến nỗi nào. Tôi yêu cây cà phê chè do chính tôi khởi xướng, ở đây môi trường yên tĩnh…”. Ðúng vậy, với cương vị Giám đốc ông đã từng đưa vào trồng thử nghiệm một ha cà phê chè (Arabica) thay cho cà phê vối (Robusta) từ năm 1990, kết quả cho năng suất, giá trị sản phẩm cao.
Và dự án cây cà phê chè thay cho cà phê vối được triển khai với quy mô toàn nông trường từ kết quả thực nghiệm này. Suốt cả hai giờ đồng hồ ông cứ say sưa nói, say sưa tính toán rạch ròi về giá trị của cây cà phê chè như thể sự đam mê ăn sâu vào máu thịt; đến nỗi bà vợ ông phải nhắc “sao ông quên mời cháu uống nước!”.
Những cây cà phê Ea Bar ngày nào vẫn cắm rễ trên vùng đất đỏ ba-zan màu mỡ này. Sự tồn tại và phát triển của Nông trường cà phê Ea Bar (nay là Công ty cà phê Ea Bá) đã giúp đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây biết trồng cây cà phê và góp phần xây dựng Ea Bar trở thành vùng đất giàu có, văn minh. Cây cà phê chè trên đất Ea Bar cho năng suất gấp ba lần cây cà phê vối. Năng suất bình quân hiện nay là 14 tấn nhân/ha và theo hệ số chế biến của công ty thì bảy tấn tươi cho một tấn nhân.
Với giá bình quân 3.000 USD/tấn nhân thì mỗi ha cà phê chè cho thu nhập 50 triệu đồng. Bình quân một gia đình công nhân của công ty hiện đang làm chủ hai ha. Như vậy với 1.000 ha cây cà phê chè hiện có đã tạo ra giá trị 50 tỷ đồng mỗi năm. Bên cạnh cây cà phê, công ty còn 321 ha cao-su được ba năm tuổi, 60 ha lúa nước bảo đảm được tình hình lương thực trong vùng.
Ðã gần 25 năm trôi qua, nhưng hàng trăm công nhân tuổi mười chín, đôi mươi tôi được gặp giờ vẫn còn ở lại nơi này. Họ đã, đang cống hiến trọn tuổi thanh xuân của mình vì cây cà phê và ngày càng làm giàu bằng chính sức lực của mình. Có lẽ trong họ “tình yêu đất lạ hóa quê hương”.
Và những năm tháng đã qua đối với họ không thể nào quên, và sẽ mãi tự hỏi lòng mình như lời bài hát của nhạc sĩ Xuân An viết tặng nông trường “em có hiểu vì sao cây cà phê trái ngọt mà trong rọt chứa đầy bao hương vị đắng cay”…
Theo Nhân Dân