Tổng hợp thị trường cà phê tuần 19 (07/05 – 12/05/2018)

Giá cà phê kỳ hạn thế giới suy yếu trở lại khi Mỹ tuyên bố rút khỏi thỏa thuận 5+1 về vấn đề vũ khí hạt nhân Iran làm cho thị trường dầu thô tăng vọt cuốn theo dòng vốn đầu cơ trên các thị trường hàng hóa.

Biểu đồ giá cà phê Robusta London T7/2018 tuần 19 (07/05 – 12/05/2018)

Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần 19, trên sàn ICE Europe – London, giá cà phê Robusta điều chỉnh tăng. Kỳ hạn giao ngay tháng 7 tăng 15 USD, tức tăng 0,86% lên mức 1.758 USD/tấn và kỳ hạn giao tháng 9 tăng 9 USD, tức tăng 0,52% lên mức 1.745 USD/tấn, các mức tăng nhẹ. Khối lượng giao dịch dưới mức trung bình. Cấu trúc giá đảo được nới rộng thêm khoảng cách.

Trái lại, trên sàn ICE US – New York, giá cà phê Arabica điều chỉnh giảm. Kỳ hạn giao ngay tháng 7 giảm 0,15 cent, tức giảm 0,13 % xuống 119,4 cent/lb và kỳ hạn giao tháng 9 cũng giảm 0,15 cent, tức giảm 0,12% còn 121,7 cent/lb, các mức giảm rất nhẹ. Khối lượng giao dịch ở mức trung bình.

Giá cà phê nhân xô tại các tỉnh Tây nguyên tăng 200 – 300 đồng, lên dao động trong khung 35.500 – 36.000 đồng/kg.

Giá cà phê Robusta xuất khẩu loại 2, 5% đen vỡ, đứng ở mức 1.578 USD/tấn, FOB – HCM, với chênh lệch trừ lùi ở mức 170 – 180 USD theo giá kỳ hạn tháng 7 tại London.

Tính chung cả tuần, giá cà phê Robusta kỳ hạn giao tháng 7 giảm 55 USD/tấn, trong khi giá cà phê nhân xô trong nước giảm 1.200 đồng/kg và giá cà phê Arabica kỳ hạn giao tháng 7 giảm 3,2 cent/lb.

Giá cà phê thế giới đang ở giai đoạn bất lợi do Brasil bắt đầu bước vào thu hoạch vụ mùa năm 2018 với sản lượng dự kiến ở mức “kỷ lục”, trong khi đồng Reais giảm sâu trong rổ tiền tệ mạnh cũng góp phần thúc đẩy họ mạnh tay bán cà phê nhiều hơn nữa.

Tồn kho cà phê Robusta được Sàn London chứng nhận, tính đến thứ Hai ngày 07/05 đã tăng 180 tấn, tức tăng 0,23% so với tuần thương mại trước đó lên đăng ký ở 77.14 tấn (tương đương 1.285.667 bao, bao 60 kg).

Brasil đã bắt tay vào thu hoạch Conilon Robusta vụ mới năm nay đã giúp giá cà phê loại này tại thị trường nội địa giảm nhiệt sau 2 năm liên tiếp mất mùa vì khô hạn, thậm chí có lúc ngành công nghiệp đã tính chuyện nhập khẩu cà phê Robusta từ Việt Nam để bù đắp nhu cầu trong nước.

Trong khi đó, nhà sản xuất Indonesia đang vào thu hoạch rộ cà phê Robusta vụ mới với dự kiến 10 – 12 triệu bao và đang ưu tiên mua cho ngành công nghiệp trong nước. Indonesia cũng là quốc gia đang đẩy mạnh ngành công nghiệp cà phê giá trị gia tăng trên thị trường tiêu dùng và hiện là nhà sản xuất cà phê hòa tan lớn thứ hai thế giới chỉ xếp sau Brasil.

Theo dữ liệu báo cáo của ngành Hải Quan Việt Nam, xuất khẩu cà phê tháng 4 đạt 155.689 tấn (tương đương 2.594.817 bao, bao 60 kg), đưa khối lượng xuất khẩu 7 tháng đầu niên vụ cà phê hiện tại 2017/2018 lên 1.023.963 tấn. Dự kiến lượng cà phê tồn kho hiện còn khoảng hơn 7 triệu bao đang chờ xuất trong 5 tháng cuối niên vụ trước khi bước vào niên vụ mới 2018/2019, một con số ở mức trung bình thấp.

Giá cà phê nhân xô tại thị trường nội địa Việt Nam hiện phải gánh thêm một khoản phí được cho là khá phi lý khi Sàn ICE – Europe vừa thu thêm phí FOT (giao hàng lên xe tải/tàu lửa – free on truck/train) với khoảng 40 – 50 USD/tấn cho hàng giao tại châu Âu.

Anh Văn (giacaphe.com)

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Tin đã đăng