Thời gian qua, giá cà phê trên thị trường liên tục rớt giá khiến cho nông dân và các doanh nghiệp kinh doanh cà phê gặp rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên ông Đỗ Hà Nam – Phó Chủ tịch Hiệp hội Cà phê ca cao Việt Nam (Vifoca), Giám đốc Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Intimex Hochiminh, cho biết: Nông dân không nên chặt bỏ diện tích cà phê trong thời điểm hiện nay; nên bình tĩnh và hợp tác trong việc bán hàng với đối tác nước ngoài.
Ông Đỗ Hà Nam – Giám đốc Intimex HCM, phó chủ tịch Vicofa
Ông Đỗ Hà Nam cho biết: Thông thường, giá cà phê lên hay xuống phụ thuộc vào quy luật cung cầu. Nguồn cung lớn thì giá sẽ hạ và nguồn cung ít thì giá tăng. Tuy nhiên, năm nay có một nghịch lý là sản lượng cà phê giảm 20 – 30% nhưng giá bán trên thị trường lại liên tục rớt giá. Cà phê của Việt Nam chủ yếu được giao dịch tại sàn cà phê Luân Đôn theo phương thức bán trừ lùi. Do đó, giá cà phê của nước ta phụ thuộc nhiều vào thị trường kỳ hạn này. Nguyên nhân khiến cho giá cà phê xuống thấp là do các nhà đầu cơ đã kìm giá xuống.
– Không chỉ cà phê mà thời gian gần đây, các mặt hàng nông sản khác như gạo, hạt tiêu, dưa hấu… cũng nằm trong tình trạng rớt giá. Vậy theo ông, thực trạng trên cho thấy có nguyên nhân nào từ vấn đề quy hoạch cây trồng hay không?
Ông Đỗ Hà Nam: Có. Khi mà giá sản phẩm tăng thì nông dân thường mở rộng diện tích, dẫn đến nguồn cung nhiều. Điều đó tác động trở lại giá thị trường, gây áp lực làm giảm giá bán. Hơn nữa, tuy có mở rộng diện tích nhưng nông dân Việt Nam thường không bán sản phẩm chất lượng cao mà chủ yếu là cà phê xô (có cả ba cỡ hạt: to, vừa và nhỏ) do đó rất dễ bị ép giá.
Có ý kiến cho rằng, các nhà hoạch định chính sách đứng ngoài cuộc là không đúng. Thực chất do đặc thù cơ chế ngành nông nghiệp của Việt Nam là người nông dân được làm chủ trên mảnh ruộng của mình. Họ có quyền trồng cây gì trên mảnh đất canh tác đó. Thời điểm này, ở một số địa phương cũng đã xuất hiện tình trạng người nông dân chặt bỏ diện tích cây cà phê. Tuy nhiên, ý kiến trên cũng muốn nhấn mạnh rằng: Các nhà hoạch định chính sách nên cảnh báo cho người dân về tác hại của việc đầu tư trồng quá nhiều một loại cây nào đó. Các cơ quan chính sách Nhà nước, ngành nông nghiệp, chính quyền địa phương và phía doanh nghiệp cần cung cấp thông tin tốt hơn về quy hoạch cây trồng và thị trường để cho nông dân nắm bắt được. Từ đó nâng cao nhận thức và có hướng đi đúng đắn hơn.
Hiện tại thì diện tích trồng cà phê nước ta vào khoảng 500.000ha. Về lâu dài, nên giữ ổn định diện tích này chứ không nên tiếp tục đầu tư mở rộng ồ ạt nữa. Đồng thời tập trung phát triển diện tích cà phê sạch, đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng.
– Theo ông, việc rớt giá đã kéo theo những hệ lụy gì cho người trồng cà phê hiện nay. Với tư cách là Phó Chủ tịch Hiệp hội Cà phê ca cao, ông có lời khuyên gì để đảm bảo lợi ích cho người nông dân trước diễn biến của thị trường?
Ông Đỗ Hà Nam: Hiện nay, người trồng cà phê đang trong mùa phải bơm nước tưới. Do vậy họ sử dụng khá nhiều xăng dầu, điện trong khi đó, giá xăng dầu và điện đều tăng khiến cho người nông dân gặp quá nhiều khó khăn. Còn về phía doanh nghiệp thì cũng phải tăng chi phí vận tải và gặp nhiều khó khăn về vốn.
Do đó, trong hoàn cảnh hiện nay thì các doanh nghiệp không nên bán hàng theo phương thức trừ lùi mà nên bán Outline, giao hàng thì nhận hết tiền, thuận mua vừa bán để giảm thiểu rủi ro sức ép về giá của thị trường; không nên bán kỳ hạn dài, giao hàng quá xa; không nên bán ra ồ ạt sẽ phải chịu ép giá. Các doanh nghiệp cũng nên bình tĩnh cùng nhau hợp tác hành động. Về phía người nông dân thì nên bình tĩnh trong việc bán cà phê. Đặc biệt, không nên chặt bỏ diện tích cà phê, dẫn đến mất tính ổn định trong những năm tới.
Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ vốn giúp doanh nghiệp tạm trữ cà phê, ổn định tâm lý cho người dân. Cùng với đó, nhanh chóng hoàn chỉnh hệ thống bảo hiểm nông nghiệp để hạn chế rủi ro cho người nông dân. Đặc biệt, một giải pháp thiết thực hiện nay theo tôi là cần có sự tiếp xúc, hợp tác với các nước cùng sản xuất cà phê, các hiệp hội cà phê của các nước để cùng thống nhất trong hành động. Như vậy sẽ làm cho thị trường ổn định hơn giảm thiểu sự ép giá từ phía nhà đầu cơ.
– Vừa qua để bình ổn thị trường, Vifoca có đề xuất thu mua tạm trữ 200.000 tấn cà phê cho nông dân. Giải pháp này đã mang lại hiệu quả như thế nào đối với thị trường cà phê hiện nay?
Ông Đỗ Hà Nam: Việc giữ cà phê lại là một liệu pháp can thiệp vào thị trường, tác động đến tâm lý của cả người sản xuất, người bán lẫn người mua hàng. Khi tạm trữ thành công sẽ tạo được tâm lý tốt trên thị trường. Nông dân và các doanh nghiệp không còn bán ra ồ ạt, giảm sức ép trên thị trường kỳ hạn và ngăn chặn đà rớt giá hiện nay. Tôi nghĩ trong thời gian qua, Việt Nam đang có cách làm rất tốt. Sau khi có thông tin về gói hỗ trợ 200.000 tấn cà phê thì giá bán trên thị trường đã chững lại, không còn suy giảm nhiều như thời gian trước. Nếu làm tốt việc hỗ trợ này, chắc chắn thời gian tới, thị trường cà phê sẽ ổn định hơn, người nông dân sẽ được hưởng lợi.
Thắng Văn – Kinh tế & Dô thị
trong bài có nhắc tới cụm từ bán outline, vậy bác nào có thể cho Hoàng tui biết bán Outline là bán cái gì và bán như thế nào không?
Ban Hòang đưa lên một đọan văn chừng vài chục từ mới hiểu ý và sau đó mới hiểu được “Bán outline” (sale=bán), chữ bán này có nghĩa gì “bán, mua”, hay là “một nữa=hafl ” nửa tây nửa ta khó hiễu lắm.
Nhu Diep
Hic tôi cũng tra hoài mà ko ra cái thuật ngữ này, cả dân kinh tế lẫn xã hội.
Nhưng theo ý ông Nam là giao dịch Outline là giao hàng phải thanh toán hết tiền ???.
Nhưng trước khi giao vẫn phải ký hợp đồng và ký quỹ 1 tỷ lệ nhất định chứ :(
Ban Hòang,Tui Thay doan nay roi :
“… các doanh nghiệp không nên bán hàng theo phương thức trừ lùi mà nên bán Outline, giao hàng thì nhận hết tiền, thuận mua vừa bán để giảm …”
Để uông cafe và “ngâm cứu” rồi trả lời bạn sau.
Thân chào
Theo như mình biết thì có một hình thức bán gọi là bán Outright, có thể biên tập viên type sai.
bán outright là hình thức bán giao ngay, bán trực tiếp.
thấy kì kì nên muốn hỏi xem sao
Không biết cái người tính giá mua cà phê là 23.000đ/kg mà người nông dân có lãi 30% có phải là bằng mua không mà tính giỏi thế nhỉ. Thôi tớ về tớ chặt cà phê để trồng cà pháo đây. Cà pháo hiện giờ gần 10.000đ/kg đấy các bác ạ.
bán outline, out là lối ra, line là đường, tạm dịch là bán bên ngoài, mà bán bên ngoài thì phải tiền trao cháo múc thôi,
theo tôi thì hiện nay giá 22500 đồng 1 kg thì người làm cà phê nên trồng cây khác có lợi hơn nhiều
theo tôi thì hiện nay giá 22500 đồng 1 kg thì người làm cà phê nên trồng cây khác có lợi hơn nhiều, các bác trồng cà phê lâu năm xem có ý kiến gì ko
theo toi gia ca phe phai 30000 mot ki thi moi goi la co loi
theo tôi giá cà phê hôm nay giống như cơn lũ vậy,sau cơn lũ cây cối xơ xác tan hoang hết nhưng sau đó đất đai sẽ màu mỡ hơn thôi.Quan trọng người canh tác cà phê có biết tận dụng cơ hội sau lũ không thôi.nông nghiệp việt nam tất cả điều như vậy thôi ,đừng bi quan nữa nhé( tổng kết thu nhập bình quân 10 năm cây cà phê chỉ hơn cây lúa tí thôi ,khi được giá bà con cần điều tiết chi tiêu cho phù hợp nhé)
Tôi đã rất kỳ vọng khi Chính phủ có chủ trương mua tạm trữ cà phê. Nhưng nếu tạm trữ với giá 23.000đ/kg thì nông dân cần gì phải đợi Chính phủ có chủ trương mới bán được giá đó, hiện tại giá cà phê vẫn đang ở mức 23.000đ/kg. Và thế là bao nhiêu tiền của của Nhà nước mà đúng hơn cũng là tiền của nông dân lại rơi vào túi các doanh nghiệp, các ông to bà lớn. Chẳng qua nông dân chúng ta chỉ là phương tiện để các ông lớn ăn tiền mà thôi. Thật xót xa.
trong bài viết có nói đến vai trò của hiệp hội cà phê và của nhà nước trong việc liên kết các nước sản xuất cà phê , tạo thế chủ động nguồn cung nhằm làm cho giá thị trường phản ánh đúng giá trị của sản phẩm cà phê . vấn đề này tôi thấy nói nhiều lắm nhưng không ai đứng ra làm . tôi nghĩ biết mà không làm thì nó còn tai hại hơn là không biết không làm -gây ảnh hưởng xấu đến lòng tin của nông dân vào vai trò của nhà nước và hiệp hội .