Giá cà phê điều chỉnh giảm (03/05/2018)

Giá cà phê đảo chiều trên cả hai thị trường kỳ hạn trước triển vọng Fed chưa thay đổi lãi suất USD trong phiên họp chính sách sắp tới, trong khi đồng Euro suy yếu thêm trong rổ tiền tệ mạnh và Nhân Dân tệ cũng được chỉnh giảm.

Biểu đồ giá cà phê Robusta London T7/2018 ngày 02/05/2018

Kết thúc phiên giao dịch, trên sàn ICE Europe – London, giá cà phê Robusta đảo chiều giảm. Kỳ hạn giao ngay tháng 7 giảm 8 USD, xuống 1.807 USD/tấn và kỳ hạn giao tháng 9 cũng giảm 8 USD, còn 1.789 USD/tấn, các mức giảm nhẹ. Khối lượng giao dịch tăng khá cao trên mức trung bình. Cấu trúc giá đảo ổn định khoảng cách.

Tương tự, trên sàn ICE US – New York, giá cà phê Arabica cũng cùng xu hướng. Kỳ hạn giao ngay tháng 7 giảm 1,05 cent, xuống 123,75 cent/lb và kỳ hạn giao tháng 9 giảm 0,95 cent, còn 126,05 cent/lb, các mức giảm nhẹ. Khối lượng giao dịch duy trì khá cao trên mức trung bình.

Giá cà phê nhân xô tại các tỉnh Tây nguyên giảm 200 đồng, xuống dao động trong khung 36.900 – 37.300 đồng/kg.

Giá cà phê Robusta xuất khẩu loại 2, 5% đen vỡ, đứng ở mức 1.682 USD/tấn, FOB – HCM, với chênh lệch trừ lùi 120 – 125 USD theo giá kỳ hạn tháng 7 tại London.

Giá cà phê Arabica điều chỉnh giảm, kết thúc chuỗi tăng 4 phiên liên tiếp rất đáng quý đã đưa giá thoát khỏi vùng giá thấp 4 năm gần đây. Theo các nhà quan sát, sức tăng trên sàn New York vẫn còn khi đầu cơ tiếp tục chuyển vốn vào thị trường hàng hóa nông sản vốn nhiều sôi động này.

Tương tự, giá cà phê Robusta tại sàn London cũng điều chỉnh giảm sau một loạt lệnh mua tự động là điều thường thấy. Nguyên nhân suy yếu của thị trường này còn được cho là do tác động tăng trưởng kinh tế của khu vực Eurozone ở mức thấp thấp nhất trong gần 2 năm qua, trong khi vấn đề Brexit ngày càng nảy sinh nhiều phức tạp mới cần giải quyết.

Bộ Thương mại Brasil báo cáo xuất khẩu cà phê trong tháng 4 đạt tổng cộng 1.949.025 bao, tăng 20.136 bao, tức tăng 1,04% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, dự kiến xuất khẩu cà phê sẽ vẫn ở mức tương đối thấp trong vài tháng tới và cho đến khi thu hoạch vụ mùa mới bắt đầu gia tăng khối lượng, điều này sẽ cho thấy lượng xuất khẩu hàng tháng từ tháng Tám trở đi sẽ gia tăng đáng kể.

Báo cáo thương mại tháng 3 của Tổ chức Cà phê Quốc tế (ICO) cho thấy xuất khẩu cà phê toàn cầu trong tháng này chỉ đạt 10,81 triệu bao, giảm 10 triệu bao so với cùng kỳ năm trước. Điều đáng lưu ý là xuất khẩu cà phê Robusta tăng lên hơn 2/3 cà phê Arabica thay vì chỉ chiếm khoảng 1/3 tổng lượng xuất khẩu như thường thấy.

Báo cáo tồn kho cà phê Robusta được Sàn London chứng nhận, tính đến thứ Hai ngày 30/04 đã giảm thêm 940 tấn, tức giảm 1,21% so với tuần thương mại trước đó xuống đăng ký ở 76.960 tấn (tương đương 1.282.667 bao, bao 60 kg). Nguyên nhân sụt giảm là do giới thương nhân không mặn mà khi đưa hàng về sàn để đấu thầu với giá thấp.

Thị trường nội địa Việt Nam tiếp tục trầm lắng do hai bên mua bán vẫn chưa gặp được nhau, khi giá chênh lệch (trừ lùi) chào mua của nhà xuất khẩu đưa ra ngày càng gia tăng theo đà tăng giá tại sàn, trong khi nông dân vẫn duy trì sự kháng giá.

Anh Văn (giacaphe.com)

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

  1. Tran hòa

    Có tăng mạnh mẽ hay giảm nhẹ gì thì các công ty đại lý hưởng lợi hết chứ nông dân chỉ có lỗ thôi. Lên 59$ thì + 700 nói sợ giảm mua đón đầu, giảm 9$ thì tiếp tục -300, giờ lên 25$ thì +400, tính ra giảm thì gần gấp đôi mà tăng thì chỉ hơn một nửa. Thời buổi công nghệ 4.0 ai chơi kì vậy, như vậy nông dân không chịu bán là đúng rồi…

  2. minh hiêu

    Có bác nào có thể lý giải tại sao các công ty các đại lý lại ép giá như vậy làm giá xô thấp hơn hẳn giá của sàn ko?

  3. Tran hòa

    Tui không nói giá trong nước thấp hơn hay cao hơn giá sàn. Tất nhiên họ phải có chi phí nhất định, thù lao, nhưng giá họ đưa ra trong nước rất vô lý, thật ức chế không thể chấp nhận được.

  4. nhàn đắc

    Đúng vậy tại sao lại trừ lùi bất hợp lý vậy, mấy năm trước cũng thế mấy công ty ép dân thật quá đáng không thể chấp nhận được.

Tin đã đăng