Trong khi nhà đầu tư trên sàn vẫn mạnh tay bán ròng thì nông dân các nước sản xuất vẫn tiếp tục sự kháng giá.
Kết thúc phiên giao dịch, trên sàn ICE Europe – London, giá cà phê Robusta điều chỉnh giảm. Kỳ hạn giao ngay tháng 5 giảm 5 USD, xuống 1.730 USD/tấn và kỳ hạn giao tháng 7 cũng giảm 5 USD, còn 1.767 USD/tấn, các mức giảm nhẹ. Khối lượng giao dịch giảm xuống ở mức trung bình. Cấu trúc giá đảo ở các kỳ hạn giao sau gia tăng khoảng cách.
Tương tự, trên sàn ICE US – New York, giá cà phê Arabica cũng cùng xu hướng giảm. Kỳ hạn giao ngay tháng 7 giảm 0,9 cent, xuống 116,25 cent/lb và kỳ hạn giao tháng 9 cũng giảm 0,9 cent, còn 118,4 cent/lb, các mức giảm nhẹ. Khối lượng giao dịch duy trì rất cao trên mức trung bình.
Giá cà phê nhân xô tại các tỉnh Tây nguyên giảm 100 đồng, xuống dao động trong khung 36.500 – 37.100 đồng/kg.
Giá cà phê Robusta xuất khẩu loại 2, 5% đen vỡ, đứng ở mức 1.657 USD/tấn, FOB – HCM, với chênh lệch trừ lùi 105 – 110 USD theo giá kỳ hạn tháng 7 tại London.
Sau khi đã hoàn tất việc thực hiện hợp đồng quyền chọn trên cả hai sàn giao dịch cà phê kỳ hạn quốc tế, giá cà phê suy giảm trở lại trước áp lực vụ mùa mới của Brasil vẫn còn nguyên. Trong khi đó, đồng Reais sụp đổ trở lại tới 0,8% so với USD cũng góp phần làm cho giá cà phê suy thoái.
Theo các thương nhân nhân quốc tế, thị trường cà phê hiện nay là một “cuộc chơi” mà sự giằng co đang diễn ra giữa hai phía. Một bên là giới đầu cơ đang bán ròng “không nương tay” khi nắm bắt thị trường cà phê toàn cầu sẽ đứng trước sự dư thừa sau nhiều năm liên tiếp thiếu hụt. Phía bên kia là người nông dân các nước sản xuất đang phải “gồng mình” kháng giá khi giá tham chiếu trên các sàn giao dịch cà phê kỳ hạn quốc tế đã xuống quá thấp. Giá cà phê New York trong tuần này đã chạm vào mức thấp trong vòng 25 năm và hiện đang giao dịch ở mức thấp 2 năm.
Giá cà phê Robusta tại thị trường Việt Nam được chào với giá chênh lệch (Differential) lên tới 110 – 115 USD so với giá kỳ hạn London, chính là điều ngăn cản thương mại cà phê hàng thực và do đó, giới thương nhân xuất khẩu suy đoán lượng hàng xuống tàu trong tháng Tư này có thể giảm tương đối khá so với tháng trước. Trong khi đó, giá cà phê Robusta Indonesia cũng giảm mức cộng xuống quanh 40 USD/tấn cho cà phê Lampung loại 4 nhưng khối lượng hàng giao cũng còn hạn chế.
Sucden Financial, nhà môi giới đầu tư nổi tiếng ở Vương quốc Anh vừa đưa ra dự báo điều chỉnh tăng sản lượng vụ mùa Brasil năm nay từ 58 triệu bao lên 60 – 62 triệu bao, nguyên nhân được cho là vụ mùa Conilon Robusta sẽ bội thu với sản lượng hơn 17 triệu bao. Đồng thời Sucden Financial cũng dự kiến sản lượng Robusta Việt Nam không thay đổi ở 28,1 triệu bao và Robusta Indonesia với mức 11,5 triệu bao, và do đó, cung cầu toàn cầu tạm thời vẫn ổn định với con số 158 triệu bao.
Dữ liệu báo cáo sơ bộ của Hải Quan Việt Nam cho biết xuất khẩu cà phê 15 ngày đầu tháng 4/2018 đạt 80.930 tấn (tương đương 1.398.833 bao, bao 60 kg). Rõ ràng con số này không quá chênh lệch so với dự kiến của thị trường.
Dự kiến giá cà phê Robusta vẫn còn giao động trong phạm vi tiêu cực cho tới ngày thông báo giao hàng đầu tiên của kỳ hạn tháng 5 trên sàn London.
Anh Văn (giacaphe.com)