Giá hạt tiêu tăng trở lại nhưng vẫn còn nhiều khó khăn

Ngày 28/03, giá tiêu đen xô tại Bà Rịa – Vũng Tàu lên giao dịch ở mức 56.000 đồng/kg, tăng 2.000 đồng/kg so với một tuần trước đó, trong khi giá tiêu đen xô tại Đắk Lắk – Đắk Nông cũng dao động trong khoảng 54.000 – 55.000 đồng/kg.

Dự kiến đà tăng có thể tạm thời chững lại trong những ngày cuối tuần.

Biểu đồ so sánh xuất khẩu hạt tiêu hàng tháng của Brasil 3 năm qua (Nguồn: IPC).

Việc bộ Thương Mại Ấn Độ áp dụng mức giá nhập khẩu tối thiểu (MIP) cho hạt tiêu nhập khẩu từ các nước bên ngoài Hiệp định Thương mại tự do khu vực Nam Á (South Asia Free Trade Agreement, viết tắt là SAFTA) đã gặp sự phản đối của hầu hết các nhà Kinh doanh Gia vị Ấn Độ và các chuyên gia kinh tế.

Họ cho rằng điều này sẽ khiến giá tiêu của Ấn Độ mất tính cạnh tranh trên toàn cầu do các nước nhập khẩu hạt tiêu sẽ tìm kiếm nguồn hàng từ các nước sản xuất có giá rẻ hơn như Việt Nam, Indonesia… và gần đây nhất là Brasil, nhà sản xuất hạt tiêu ở Nam Mỹ đang gia tăng khối lượng xuất khẩu lên tới 91%, từ 31.100 tấn xuất khẩu năm 2016 lên 59.500 tấn xuất khẩu năm 2017, với mức giá chào bán được cho là thấp nhất trên thị trường hồ tiêu thế giới hiện nay.

Được biết, Brasil đã xin rút ra khỏi Tổ chức Hồ tiêu Quốc tế (IPC) và bản thân họ không tham gia bất kỳ một liên minh nào để giữ giá cả ổn định. Lợi thế của họ là đất đai sản xuất mênh mông và rất màu mỡ nên chi phí đầu tư cho cây hồ tiêu là cực thấp. Việt Nam, Ấn Độ và một số nước trồng tiêu không thể so sánh với họ được. Theo một Thương nhân Kinh doanh Gia vị nổi tiếng trên thế giới cho biết, họ mới là đối thủ cạnh tranh trực tiếp với hạt tiêu Việt Nam trong tương lai gần.

Giới thương nhân kinh doanh gia vị Ấn Độ cũng cho rằng khách hàng mua tiêu trên thế giới thường bỏ hạt tiêu vào chung trong giỏ hàng gia vị. Việc hạt tiêu Ấn Độ mất tính cạnh tranh không chỉ làm họ thiệt đơn mà còn thiệt kép nên việc áp dụng MIP là “lợi bất cập hại”. Khách hàng không mua tiêu cũng đồng nghĩa là sẽ không mua các loại gia vị khác nữa. Tuy vậy, đây là vấn đề vẫn đang còn nhiều tranh cãi.

Hôm thứ Ba ngày 27/03, giá tiêu trên sàn NCDEX – Kochi tăng liên tiếp phiên thứ ba. Kỳ hạn giao tháng Tư tăng thêm 345 Rupi, lên mức 40.545 Rupi/tạ và giao tháng Năm cũng tăng 345 Rupi lên mức 40.770 Rupi/tạ (tương đương 6.257 USD/tấn và 6.292 USD/tấn).

Trong khi đó, giá tiêu giao ngay cũng tăng thêm 200 Rupi lên 38.500 Rupi/tạ (tương đương 5.942 USD/tấn) cho loại tiêu xô và 40.500 Rupi/tạ (tương đương 6.250 USD/tấn) cho loại tiêu chọn, tăng 115 USD/tấn so với tuần trước.

Tại thị trường trong nước, giá tiêu xô trong vòng một tuần qua đã tăng thêm 2.000 đồng/kg do tác động của giá tiêu thế giới. Đáng lưu ý là tuy nông dân đang vào thu hoạch rộ nhưng lượng hàng nhà vườn bán ra để trang trải các chi phí cũng giảm mạnh khi được cho là đã chạm đáy hôm thứ Tư ngày 21/03.

Tuy nhiên, áp lực của nguồn cung vụ hồ tiêu mới vẫn đang còn. Nếu nhà nông đồng loạt mạnh tay bán ra thì không thể tránh khỏi việc giá tiêu sẽ giảm trở lại. Dự kiến, nếu giá quay đầu giảm thì e rằng lần này giá sẽ xuống ở mức sâu hơn.

* Theo báo cáo của ngành NN&PTNT Việt Nam, khối lượng tiêu xuất khẩu tháng 3/2018 ước đạt 24 nghìn tấn, với giá trị đạt 88 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu tiêu 3 tháng đầu năm 2018 ước đạt 54 nghìn tấn và 203 triệu USD, tăng 5,5% về khối lượng nhưng giảm 37,3% về giá trị so với cùng kỳ năm 2017.

Giá tiêu xuất khẩu bình quân 2 tháng đầu năm 2018 đạt 3.822 USD/tấn, giảm 44,7% so với cùng kỳ năm 2017.

* Tỷ giá : 1 USD = 64,7975 Rupi.

Anh Văn

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Tin đã đăng