Giatieu.com xin chia sẻ ý kiến của TS. Nguyễn Đăng Nghĩa, một chuyên gia giàu kinh nghiệm với hàng chục năm lăn lộn, trăn trở trong lĩnh vực Đất – Phân bón. Đây cũng là tiếng nói đầy tâm huyết của một nhà chuyên môn với mong muốn ngành Nông nghiệp nước ta sớm có một cuộc “cách mạng”để cho nông dân Việt Nam bớt buồn và bớt khổ.
Nỗi buồn của nông dân Việt Nam với vấn nạn “Phân bón, thuốc BVTV giả và kém chất lượng” sẽ còn là nỗi khổ của nông dân Việt Nam nếu không sớm có một cuộc “Cách mạng” về chính sách và phương pháp quản lý một cách khoa học, hiệu quả. Cuộc “cách mạng” này không chỉ đem lại lợi nhuận cho nông dân mà còn có tác dụng, hiệu quả rất lớn cho môi trường ở nông thôn và uy tín cho nông sản Việt Nam (phục vụ cho xuất khẩu và nội tiêu). Hiện tại ngành nông nghiệp Việt Nam mỗi năm tiêu tốn từ 10 – 12 triệu tấn phân hóa học vơi sự tồn tại hiện hữu của hơn 1.400 chủng loại phân có trong danh mục của Bộ NN&PTNT (không một quốc gia nào trên thế giới có được con số như vậy). Danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng đến năm 2013 cũng đã lên tới 1.643 hoạt chất, nếu tính đến năm 2018 thì còn nhiều hơn nũa, trong khi các nước trong khu vực chỉ có khoảng từ 400 – 600 loại hoạt chất như Thái Lan, Malaysia… hay Trung Quốc 630 loại. Vậy thì làm sao mà quản lý cho xuể, mặt khác vẫn luôn tồn tại nhiều tiêu cực và những lợi ích nhóm thì thử hỏi rằng: nông dân VN làm sao mà tránh khỏi không mua phải phân bón, thuốc BVTV giả và vô cùng kém chất lượng ?
Ngày 09/03//2018 vừa qua, Bộ NN&PTNT tổ chức Hội nghị Phát triển Phân hữu cơ tại Việt Nam. Mục đích chính của Hội nghị là để chuẩn bị cho sự chuyển đổi từ hình thức canh tác cây trồng quá lạm dụng, phụ thuộc vào phân hóa học sang hình thức canh tác Nông nghiệp Hữu cơ (NNHC). Đây cũng là một hướng chuyển đổi tất yếu mà nông nghiệp Việt Nam phài sớm hành động.
Những khó khăn, tồn tại khá lớn cho bước chuyển đổi này là:
+ Việt Nam là một trong những nước sản xuất nông nghiệp hàng đầu thế giới. Tuy nhiên, điều đáng buồn là những sản phẩm nông nghiệp đạt tiêu chuẩn cao hầu như chưa có mặt trên thị trường thế giới. Mặt khác, phương thức canh tác của nông dân từ trước đến nay là lạm dụng nhiều phân hóa học, thuốc BVTV, biến môi trường và đất canh tác ngày càng xấu đi, áp lực sâu bệnh ngày càng trầm trọng. Cuộc cách mạng xanh khởi đầu từ hơn 4 thập kỷ qua đã tạo ra một bước đột phá về năng suất và sản lượng trong nông nghiệp, nhưng đồng thời cũng dẫn đến sự gia tăng nhanh mức độ ô nhiễm môi trường do việc sử dụng ngày càng nhiều phân hoá học, thuốc trừ sâu, thuốc phòng trừ bệnh hại cây trồng, các nhóm thuốc trừ cỏ dại.
Hầu hết đất Việt Nam hiện tại có phản ứng chua (pH < 6,0); Nghèo các dinh dưỡng đa lượng, trung lượng đặc biệt các chất dễ tiêu; Nhiều vùng đất bị thoái hóa, giảm sức sản xuất; Xuất hiện nhiều yếu tố dinh dưỡng hạn chế năng suất cây trồng; Cân bằng dinh dưỡng không ổn định và chuyển dịch theo hướng mất cân bằng dinh dưỡng trong đất gây nhiều bất lợi cho sự phát triển của cây trồng; Phát triển nhiều dịch hại trong đất và trên cây trồng theo hướng xấu. Như vậy, rất khó có thể tìm được một diện tích đất trồng trọt có đủ tiêu chuẩn sạch dể thỏa mãn được các yêu cầu và Qui chuẩn của Ifoam, USDA và các tổ chức hữu cơ khác.
+ Sản lượng phân hữu cơ sản xuất tại Việt Nam còn quá nhỏ so với yêu cầu của sản xuất thực tiễn. Chưa nói đến đáp ứng cho nhu cầu của NNHC mà chỉ mới đề cập đến việc bón phân cân đối giữa Vô cơ và Hữu cơ đã cho thấy: Cứ bón 1 kg phân vô cơ thì cần bón 3 kg phân hữu cơ. Tương ứng với mỗi năm nếu ngành trồng trọt sử dụng gần 12 triệu tấn phân hóa học các loại thì phải cần đến 36 triệu tấn phân Hữu cơ các loại. Hiện tại chúng ta mới đáp ứng được gần 3 triệu tấn phân hữu cơ các loại (theo số liệu về sản lượng phân hữu cơ của các Doanh nghiệp SX Phân Hữu cơ của Việt Nam tính đến tháng 6/2017). Như vậy, nếu đáp ứng được nhu cầu phân hữu cơ cho NNHC tại Việt Nam thì cần phải có chiến và sách lược cho tiến độ sản xuất và cung ứng đầy đủ các chủng loại và sản lượng phân hữu cơ.
+ Một tồn tại (Nút thắt) cũng cần phải sớm khắc phục. Đó là nhận thức và ý thức của một số lượng khá lớn người tiêu dùng, người sản xuất, người quản lý ngành, doanh nghiệp và cơ quan truyền thông cũng còn hạn chế và chưa hiểu thấu đáo giá trị và hiệu quả, ích lợi của NNHC tại Việt Nam.
+Hiện tại thì Việt Nam chưa ban hành Nghị định, cơ chế, chính sách, hành lang pháp lý của Chính phủ về NNHC. Chưa có một tổ chức có tính pháp lý để hướng dẫn Qui trình canh tác NNHC, công nhận, xác nhận cho nông sản hữu cơ, xúc tiến thương mại cho thị trường trong và ngoài nước. Mặt khác, chi phí cho việc công nhận nông sản hữu cơ của các Tổ chức Hữu cơ Quốc tế (IFOAM, USDA…) còn quá cao và nông dân thì khó tiếp cận.
Như vậy, để NNHC của Việt Nam phát triển thì chúng ta phải biết tận dụng tối đa và có hiệu quả những cơ hội khách quan, chủ quan đang có. Phải biết khai thác hết tiềm năng hiện hữu và tiềm ẩn để phục vụ tốt cho phát triển NNHC. Một vấn đề hết sức quan trọng và rất cần sự quan tâm, chú ý của Lãnh đạo các cấp, các ngành từ TW tới Địa phương, đó là cần khắc phục những tồn tại đã có, đang có và sẽ có làm cản trở sự phát triển của NNHC.
Với vốn kiến thức và 40 năm trải nghiệm thực tế trong lĩnh vực khoa học đất. phân bón và dinh dưỡng cây trồng, tôi – TS. Nguyễn Đăng Nghĩa xin đề nghị ông Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường hãy chỉ đạo thuộc cấp và các bộ phận chức năng sớm ban hành bộ Qui chuẩn, Tiêu chuẩn Quốc gia các Chủng loại Phân bón. Từ đó bãi bỏ các hình thức khảo nghiệm (các hình thức này đã xảy ra rất nhiều tiêu cực và lợi ích nhóm, không thực sự đóng góp cho công tác quản lý). Khi đã làm tốt bộ Qui chuẩn, Tiêu chuẩn Quốc gia về phân bón cùng với một cuộc “cải tổ” công tác quản lý khoa học, tích cực, trách nhiệm thì tôi hoàn toàn tin và hy vọng nông dân Việt Nam sẽ ít phải lo lắng về quốc nạn phân bón và thuốc BVTV giả. Môi trường và nông sản Việt Nam sẽ được cải thiện theo chiều tích cực.
Một lần nữa, xin khẩn thiết đề nghị ông Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường sớm hành động.
Tiến sĩ Nguyễn Đăng Nghĩa