Nhà đầu tư chưa hết mối lo lãi suất USD lại tiếp đến lãi suất đồng Euro đã làm giá cà phê tuần này chao đảo.
Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần, trên sàn ICE Europe – London, giá cà phê Robusta đảo chiều tăng trở lại. Kỳ hạn giao ngay tháng 5 tăng 20 USD lên ở mức 1.780 USD/tấn và kỳ hạn giao tháng 7 tăng 15 USD lên 1.800 USD/tấn, các mức tăng đáng kể. Khối lượng giao dịch vẫn ở dưới mức trung bình.
Trái lại, trên sàn ICE US – New York, giá cà phê Arabica giảm lien tiếp phiên thứ ba. Kỳ hạn giao ngay tháng 5 giảm thêm 0,15 cent, xuống 120,15 cent/lb và kỳ hạn giao tháng 7 giảm thêm 0,2 cent, còn 122,4 cent/lb, các mức giảm nhẹ. Khối lượng giao dịch duy trì trên mức trung bình.
Giá cà phê nhân xô tại các tỉnh Tây nguyên tăng 400 đồng, lên dao động trong khung 37.000 – 37.600 đồng/kg. Giá cà phê Robusta xuất khẩu loại 2, 5% đen vỡ, đứng ở mức 1.675 USD/tấn, FOB – HCM, với chênh lệch trừ lùi dãn ra 95 – 105 USD theo giá kỳ hạn tháng 5 tại London.
Tính chung cả tuần, giá cà phê Robusta kỳ hạn giao tháng 5 tăng 29 USD/tấn và giá cà phê nhân xô trong nước tăng 600 đồng, trong khi giá cà phê Arabica kỳ hạn tháng 5 giảm 2,05 cent/lb.
Xu thế tiêu cực kéo dài của giá cà phê Arabica trên sàn New York và sự hồi phục trong ngắn hạn của giá cà phê Robusta trên sàn London dường như đã được các nhà giao dịch thị trường xác định khá rõ. Tuy nhiên, việc giá rớt đột ngột hôm thứ Năm nằm ngoài mọi suy đoán của nhà quan sát và phân tích kỹ thuật. Đành rằng đầu cơ bán ròng trên sàn New York đã quá nhiều nhưng với Rabobank báo cáo điều chỉnh giảm sản lượng cà phê của Brasil và các báo cáo xuất khẩu sụt giảm liên tiếp trong vài tháng qua của các nhà sản xuất Arabica chủ chốt vẫn chưa giúp giá New York hồi phục thì rõ ràng đầu cơ đã ra tay bán quá mức.
Thực sự sẽ là mối lo rất lớn nếu có yếu tố bất ngờ nào xảy ra trong ngắn hạn mà không gì hơn lúc này là biến động của các thị trường tài chính lớn với việc đưa ra chính sách mới. Đặc biệt, sau thời gian kinh tế toàn cầu suy thoái hồi năm 2008 khiến nhiều nền kinh tế lớn phải tung ra những gói QE nên sẽ kết thúc khi kinh tế đã tăng trưởng trở lại là tất yếu.
Trái lại, tiêu thụ cà phê Robusta toàn cầu có sự tăng trưởng đáng kể ở các nền kinh tế mới nổi. Đặc biệt là Trung Quốc, với sự tăng trưởng vượt bậc khi tầng lớp trẻ chuyển dần sang uống cà phê thay cho truyền thống uống trà xanh.
Thị trường cà phê nội địa Việt Nam đã có phần sôi động trở lại khi giá tăng phiên cuối tuần tại London đã kích thích nhiều nhà đầu cơ nhỏ lẻ bán cà phê ra để chuyển sang mua hạt tiêu vụ mới.
Tồn kho cà phê Robusta được sàn London chứng nhận và deo dõi cấp phát, tính đến thứ Hai ngày 05/03 đã giảm thêm 2.380 tấn, tức giảm 2,68 % so với tuần thương mại trước đó, xuống đăng ký ở 86.580 tấn (tương đương 1.443.000 bao, bao 60 kg).
Sự sụt giảm liên tiếp tồn kho của sàn London đã góp phần ngăn chặn đầu cơ theo chân New York tiếp tục bán ròng cho dù tác động từ các chính sách tiền tệ vào lúc này là không hề nhỏ. Bên cạnh đó là dự báo của giới thương mại về xuất khẩu tháng Ba của Việt Nam sẽ trong khoảng 2,5 – 2,8 triệu bao, trong khi dự kiến nông dân và đầu cơ nội địa còn nắm gần 50% sản lượng vụ mùa vừa qua.
Trong tuần còn có báo cáo của Liên đoàn Cà phê châu Âu (ECF) cho biết dự trữ tại các kho cảng và kho tư nhân cũng như đang quá cảnh khắp châu Âu hiện trong khoảng gần 12 triệu bao, đủ đáp ứng cho nhu cầu của thị trường tiêu thụ hàng đầu thế giới trong hơn 11 tuần rưỡi.
Anh Văn (giacaphe.com)