Giá cà phê trên cả hai sàn kỳ hạn nhất thời bật tăng trở lại do hiệu chỉnh kỹ thuật hơn là mở ra xu hướng mới.
Kết thúc phiên giao dịch, trên sàn ICE Europe – London, giá cà phê Robusta đảo chiều tăng. Kỳ hạn giao ngay tháng 3 tăng 42 USD, lên mức 1.769 USD/tấn và kỳ hạn giao tháng 5 tăng 31 USD lên mức 1.754 USD/tấn, các mức tăng khá mạnh. Khối lượng giao dịch khá cao trên mức trung bình.
Tương tự, trên sàn ICE US – New York, giá cà phê Arabica cũng cùng xu hướng. Kỳ hạn giao ngay tháng 3 tăng 2,65 cent, lên 123,1 cent/lb và kỳ hạn giao tháng 5 tăng 2,6 cent, lên 125,55 cent/lb, các mức tăng cũng khá mạnh. Khối lượng giao dịch rất cao trên mức trung bình.
Giá cà phê nhân xô tại các tỉnh Tây nguyên tăng 700 – 800 đồng, lên dao động trong khung 36.800 – 37.500 đồng/kg.
Giá cà phê Robusta xuất khẩu loại 2, 5 % đen vỡ, đứng ở mức 1.684 USD/tấn, FOB – HCM, với chênh lệch trừ lùi 80 – 85 USD theo giá kỳ hạn tháng 3 tại London.
Báo cáo của Hiệp hội Cà phê hạt Mỹ (GCA) cho thấy tồn kho tháng 12 đã giảm 1,57% xuống ở mức 6.631.501 bao, là tháng giảm nhiều nhất trong chuỗi 5 tháng sụt giảm liên tiếp. Tuy nhiên, nếu tính cả số cà phê đang nằm rải rác tại kho tư nhân và đang được vận chuyển quá cảnh thì con số tổng tồn kho này vẫn đáp ứng đủ cho nhu cầu rang xay khu vực Bắc Mỹ trong vòng hơn 13 tuần, một con số dự trữ khá an toàn.
Trong khi đó, báo cáo tồn kho của Liên đoàn Cà phê Châu Âu (ECF) cho thấy tồn kho tháng 11 tại các kho cảng khắp Châu Âu đã giảm 5,32% xuống còn 10.326.683 bao. Nếu tính gộp cả số cà phê đang nằm rải rác chưa được báo cáo và số đang vận chuyển quá cảnh khắp Đông – Tây Âu thì tổng tồn kho này sẽ đảm bảo cho nhu cầu rang xay ở thị trường tiêu thụ lớn nhất thế giới khoảng hơn 12 tuần, một con số tương đối.
Điều đáng lưu ý là những báo cáo tồn kho tại các thị trường tiêu thụ chính vẫn chưa bị tác động của sản lượng vụ mùa mới đang được thu hoạch tại nhiều quốc gia sản xuất chính như Việt Nam, Colombia, khu vực Trung Mỹ… do vẫn còn quá sớm nên không có gì để cho thị trường phải quá lo lắng. Tuy nhiên, dữ liệu xuất khẩu sụt giảm liên tiếp trong mấy tháng qua từ Brasil và khả năng sụt giảm có thể kéo dài tới tháng 5 là lời nhắc nhở “gấu đầu cơ” trên các thị trường cà phê kỳ hạn cần thận trọng hơn.
Hội Đồng Cà phê Quốc Gia Brasil (CNC) vừa bày tỏ sự không đồng tình với dự báo của Nhóm các nhà xuất khẩu cà phê (Cecafe) hôm qua khi cho rằng dự báo chưa có cơ sở thực tế và không loại trừ khả năng các vùng trồng cà phê ở miền Nam Brasil vẫn còn bị khô hạn đe dọa. (Xin xem lại bản tin hôm qua 17/01)
Giá cà phê Robusta London tăng vọt trở lại là điều các nông dân và thương nhân tại thị trường nội địa Việt Nam kỳ vọng, giúp họ giải quyết một khối lượng hàng nhất định để đáp ứng nhu cầu tài chính cho kỳ Tết Nguyên Đán Mậu Tuất sắp tới. Tuy nhiên, theo giới quan sát và các nhà phân tích kỹ thuật nhận định giá tăng lúc này chỉ là nhất thời và mang ý nghĩa hiệu chỉnh do USDX đảo chiều hơn là mở ra xu hướng mới.
Anh Văn (giacaphe.com)
Xuống rồi thì phải lên, lên rồi xuống là chuyện hoàn toàn bình thường có gì lạ đâu
Giá cà phê lên là điều dĩ nhiên. Lâm Đồng sang niên vụ 2018 sẽ mất mùa. Vì cà phê hiện nay đã bị 3 trận mưa trái mùa nên hoa trổ không đồng đều. 100% diện tịch chỉ thu được khoảng 1/3 sản lượng.
Niên vụ 2018-2019 thời tiết diễn biến thất thường. Bước qua mùa khô mà vẫn mưa nhiều ảnh hưởng xấu tới cây cà phê của bà con, vì đa số bà con sau khi thu hoạch thì mới cắt tỉa cành, rồi mới tưới cho ra hoa mà thời tiết mưa sớm làm hoa bung bông hàng loạt, khiến bà con chưa kịp bón phân mùa khô cho cây hấp thu, phục hồi sau thu hoạch. Điều này ảnh hưởng sấu tới cây cà phê, khiến cho sang niên vụ mới sẽ bị mất mùa. Năm nào được mùa thì mất giá, mất mùa thì được giá. Biết phải làm sao?
Giá cafe không ổn định thì nông dân sẽ chuyển đổi cây trồng để đảm bảo cuộc sống. Nếu theo cây công nghiệp mà không ổn định thỉ sẽ đỗ nợ…