Giá đóng cửa trong một phiên giao dịch buồn tẻ trên sàn Robusta và sôi động hơn chút xíu trên sàn Arabica.
Theo các thương nhân thì có lẽ phiên qua là phiên giao dịch buồn tẻ nhất nếu tính từ 2 tuần trở lại đây trên sàn Robusta, lượng giao dịch tổng cộng chỉ khoảng 5.500 lô mà chủ yếu là từ Việt Nam, hoàn toàn vắng bóng các quỹ đầu cơ. Trong khi đó sàn Arabica ngày hôm qua cũng không rõ ràng chiều hướng và gần như bị các giới giao dịch “bỏ quên” trong phiên chiều. Khi cuộc họp Nafta Bắc Mỹ và thông tin kinh tế Mỹ được báo chí loan báo thì chứng khoán Mỹ tăng sôi động và giá trên sàn Arabica giảm trở lại. Theo Marex Spectron (Anh Quốc) thì kể từ 20 tháng 10 trở lại đây sàn Robusta đã giảm xấp xỉ 200 USD do các quỹ tăng lượng bán ròng và nhà môi giới này còn cho biết thêm Việt Nam sắp tới còn tăng lượng bán khi họ đã thu hoạch được khoảng 25% mùa vụ và với thời tiết hiện nay đang ủng hộ việc thu hái thì khả năng giá sẽ còn tiếp tục xấu.
Chốt phiên ngày thứ 5, kỳ hạn tháng 1 sàn Robusta giảm 2$ chốt tại mức 1.845 USD/tấn trong khi đó kỳ hạn tháng 3 sàn Arabica tăng nhẹ 0,05 cent chốt tại mức 130,15 cents/lb.
Các nhà phân tích lớn của thế giới đều cho rằng sau khi có tin Mỹ Latinh xuất khẩu giảm do sản lượng khu vực này bị giảm đi thì kỳ vọng của tất cả các giới đều tin rằng giá Arabica sẽ tăng do Brazil lúc này ít quan tâm đến việc bán ra, tuy nhiên điều kiện cần là giá kỳ hạn tháng 3 phải vượt trên mức 132,9 thì thị trường mới cơ bản tính đến hướng tăng giá.
Hiệp hội Cà phê Xanh (GCA) của Mỹ công bố tồn kho cà phê tại các kho cảng của Mỹ giảm 154.706 bao tức giảm 2,15% trong tháng 10, đăng ký tồn kho GCA ở mức 7.035.013 bao. Đáng chú ý là đây là tháng thứ ba trong năm nay tồn kho GCA sụt giảm. Tuy nhiên, mức tồn kho này không bao gồm tồn kho trung chuyển hay tồn kho rang xay với sức tiêu thụ hàng tuần tại Mỹ và Canada khoảng 560.000 bao/tuần, từ đó có thể dẫn đến tổng tồn kho cà phê khu vực Bắc Mỹ tương đương hơn 14 tuần hoạt động rang xay, một số liệu khá an toàn. Giới chuyên môn đánh giá khả năng tồn kho GCA có thể tiếp tục đà giảm trong tháng 11 và thậm chí tháng 12.Tuy nhiên đến tháng 01/2018 kỳ vọng khối lượng cà phê tăng từ khu vực Trung Mỹ, Colombia, Việt Nam, Uganda và Ấn Độ và dù triển vọng nguồn cung cà phê Arabica khiêm tốn từ Brazil cho đến tháng 7/2018 thì có thể sẽ không có tình trạng giảm mạnh về tồn kho thị trường tiêu thụ trong năm tới. Tồn kho cà phê Arabica chứng nhận đạt chuẩn sàn ICE Futures US tại New York giảm 1.530 bao vào ngày 15/11/2017, đăng ký tồn kho ở mức 1.908.812 bao.
Các nhà phân tích kỹ thuật lúc này đánh giá mức 1851 của kỳ hạn tháng 1 sàn Robusta là mức khá quan trọng, nếu thị trường không vượt trên cản này thì giá sẽ dễ bị sửa giảm kỹ thuật về lại khu thấp 1800. Theo kỹ thuật giá dao động hẹp trong 1 tuần trở lại đây báo hiệu sắp có đợt tăng/giảm lớn gần kề và với tình hình mùa vụ Việt Nam như hiện nay thì dự báo giảm có vẻ được nhiều người đồng thuận. Biên độ dự trù phiên cuối tuần vẫn nằm trong khung 1800 – 1830 – 1851 – 1875 và khả năng vẫn là các dao động hẹp.
Trong khi đó sàn Arabica kỳ hạn tháng 3 vẫn đang tiếp tục là các dao động nằm trong khung 127,5 – 132 và dù lượng bán ròng trên New York là rất lớn nhưng các kỹ thuật vẫn cho rằng đó chưa phải là con số cuối cùng và nếu giá muốn tăng thì mức 132,85 của tháng 3 phải được phá qua và lúc này điều này có vẻ quá khó.
Phạm Vỹ (giacaphe.com)
Giá có thể lên được không mọi người? Em thấy hoang mang quá
Khó lên trên 40