Mang cả xe công nông chở cà phê hái trộm

Các chủ vườn cà phê ở Tây Nguyên phải chi phí lớn cho việc bảo vệ vườn cây, bởi nếu không là cả vụ mùa đi tong vì nạn hái trộm.

Trộm không được thì… cướp
Ông Trương Văn Thủy, một công chức ở phường Tân Lợi, TP Buôn Ma Thuột có 5 ha rẫy cà phê ở tận xã Cư Né, H.Krông Búk (Đắk Lắk), cách nhà gần 70 cây số. Ông bảo, trong 10 năm làm cà phê, cái lo nhất không phải là tiền đầu tư, chăm sóc, mà là công sức bảo vệ an toàn cho vườn cây.

Nhà xa, ông thuê con cháu ngoài quê vào trông nom vườn quanh năm, đến mùa thu hoạch thì thuê thêm nhân công vãng lai. Ấy thế mà vẫn mất trộm đủ đường. Vườn rộng, những kẻ hái trộm chơi trò “cút bắt”, canh giữ đầu rẫy thì họ xuất hiện cuối rẫy.

Cứ thế, mỗi vụ thu hoạch, ông Thủy mất vài tạ quả tươi là bình thường. Ông kể, năm kia, do tin tưởng người hái thuê, ông cũng bị chính họ khuân đi vài tạ cà phê đang phơi trong trang trại. Vì vậy, vào mỗi vụ thu hoạch, ông Thủy xin nghỉ làm cả tháng, về “nằm vùng” canh chừng cà phê. Hết vụ, do thiếu ngủ, nhìn ông hốc hác như người ốm dậy…

Theo TS Lê Ngọc Báu, Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên, từ nạn mất trộm cà phê kinh niên dẫn đến tình trạng hái xanh đã gây ra hậu quả đáng báo động cho các vườn cà phê. Đó là kéo vụ mùa đến sớm, thu ngắn chu kỳ sinh trưởng của cây cà phê. Hái xanh khiến cây ra hoa sớm, thậm chí trong mùa mưa, ảnh hưởng đến sản lượng và chất lượng quả; chưa kể hái xanh khiến cà phê dễ bị tổn thương, sâu bệnh, dẫn đến chi phí chăm sóc vườn cây tăng lên.

Nạn hái trộm còn là nỗi ám ảnh của nhiều người dân vùng chuyên canh cà phê lớn ở Đắk Lắk như Buôn Hồ, Cư M’gar, Krông Pắk, Cư Kuin… Ông Lê Văn Hùng ở thôn Tân Quảng, xã Ea Kênh, H.Krông Pắk, bỗng dưng “nổi tiếng” trên truyền hình địa phương khi vườn cà phê của ông bị kẻ trộm tàn sát trong vụ thu hoạch 2008-2009.

Một buổi sáng đi thăm vườn, ông Hùng khóc ròng khi chứng kiến cảnh hai sào cà phê đang vào vụ bói (vụ thu hoạch đầu tiên) bị trộm nhẫn tâm dùng dao rựa chặt trụi cành nhánh, tập trung một chỗ để… tuốt trái. Ông bức xúc: “Đài truyền hình tỉnh về quay cảnh tang thương của vườn cây, tôi còn tốn thêm tiền thuê thợ chụp ảnh, đưa lên công an xã làm vật chứng. Vậy mà đến nay không ai cho biết đã điều tra được thủ phạm hay chưa”. Năm ngoái, ông Hùng buộc phải nhổ bỏ mấy trăm cây cà phê bị chặt cành để trồng mới lại.

Ông Y Blai Niê, Trưởng công an xã Ea Kênh, cho biết trộm cắp cà phê diễn ra khá phổ biến theo kiểu người dân của xã này sang địa bàn xã bên cạnh “hành nghề”. Hầu hết các vụ trộm cà phê trên rẫy chỉ bị xử phạt hành chính, tịch thu tang vật, trả lại chủ vườn. Chỉ có vụ phạt tù một đối tượng tên Nghiệp ở xã Ea Yông, sang trộm cà phê ở buôn Đrao, xã Ea Kênh cách đây hơn một năm. Khi bị chủ nhà vườn phát hiện, bắt giữ tang vật 180 kg cà phê, Nghiệp bỏ chạy, về nhà huy động thêm người quay lại dùng hung khí đe dọa, cướp số cà phê vừa hái trộm.

Ông Y Blai cũng cho biết, mới đây trong vụ thu hoạch cuối năm 2009, xã đã bắt hai vụ hái trộm cà phê, thủ phạm là những thanh thiếu niên hư hỏng ở xã Ea Knuếc, thu giữ hơn 2 tạ cà phê. Có một nhóm 3 anh em ruột đi hái trộm ban đêm, sáng ra còn táo tợn đánh cả xe công nông đến chở cà phê thì bị bắt tại trận…

Nhân nhượng vì sợ trả thù
Ea Kênh nằm giữa vùng cà phê trù mật nhất của cao nguyên Phước An, xung quanh bao bọc bởi vườn cây của các doanh nghiệp cà phê lớn như Thắng Lợi, Phước An, Tháng Mười… Điều đáng nói là cà phê của các công ty do được tổ chức tốt lực lượng bảo vệ tập trung nên tình trạng mất cắp rất ít; trong khi các vườn cà phê của người dân xen kẽ thì khó canh giữ hơn vì thiếu nhân lực.

Ông Nguyễn Văn Sinh, Phó giám đốc Sở NN-PTNT Đắk Lắk, nhìn nhận: Tình trạng mất trộm cà phê khá phổ biến ở khu vực hộ nông dân, chủ trang trại do sản xuất nhỏ lẻ, chia cắt ở các địa bàn, khó liên kết bảo vệ. Tỉnh Đắk Lắk hiện có hơn 150.000 hộ nông dân sản xuất cà phê; trong 113 HTX nông nghiệp của cả tỉnh, chưa có HTX nào chuyên về cà phê. Qua thực hiện thí điểm nhóm hộ ở các xã Hòa Tiến, Ea Kuang (H. Krông Pắk), liên minh sản xuất cà phê ở xã Cư Êbur (Buôn Ma Thuột), có thể thấy mô hình nhóm hộ, tổ hợp tác, hoặc HTX sẽ giúp các chủ trang trại, hộ nông dân cùng tổ chức bảo vệ vườn cây của mình tốt hơn, hạn chế tình trạng hái cà phê xanh, nhằm nâng cao chất lượng cà phê và tìm đầu ra tiêu thụ với giá cao cho sản phẩm của nông dân.

Lê Văn Đức – một người bà con của ông Lê Văn Hùng ở xã Ea Kênh – cho biết: Mỗi năm thu hoạch một vụ cà phê nhưng ông chỉ rời vườn rẫy khoảng hai tháng, sau khi cà phê đậu trái; thời gian còn lại phải đeo bám chặt.

Khoảng tháng 5, tháng 6, khi nhân trái cà phê bắt đầu cứng, gia đình đã chi phí cho nhân công nằm dầm trong chòi rẫy giữa mùa mưa để canh giữ cho đến kết thúc vụ thu hoạch. Khi trái cà phê trên cây còn xanh thì đã bắt đầu có trộm. Một gia đình lo “cà phê tặc” tấn công, vội hái sớm thì một số nhà vườn khác cũng “noi theo” dù cà phê chưa chín.

Có chủ vườn, vì giá thuê nhân công cao hoặc thiếu người canh giữ đã cho hái một lần, kể cả trái xanh non. “Chống trộm hiệu quả nhất có lẽ là hái xanh. Xanh nhà hơn già đồng mà!”, ông Đức bảo.

Ông Hùng kể thêm nỗi khổ của các chủ trang trại cà phê: “Sau mùa thu hoạch, đến kỳ tưới nước, cà phê bung hoa, nhiều người vào mót hạt cà phê rơi rụng. Nghĩ thương họ là người nghèo túng nên cho vào vườn cây, nhưng như thế thì làm hoa cà phê rụng nhiều, gây hại đến việc đậu quả vụ mùa sau.

Chúng tôi chỉ nhỏ nhẹ nhắc họ đi lại cẩn thận; nếu xua đuổi thì có khi hậu quả gây hại vườn cây còn lớn hơn do họ trả thù”. Chính vì sợ hại cho vườn cây mà nhiều chủ rẫy phải “nhân nhượng” như thế, kể cả khi bắt được rồi tự thả những kẻ trộm vặt vài chục ký cà phê.

Ông Hùng bảo, việc bị chặt gần 200 cây cà phê, 300 cây sầu riêng trồng xen trong 4 ha rẫy và hàng loạt cây muồng chắn gió đã “dạy” ông phải có cách ứng xử “mềm” hơn trong việc bảo vệ vườn cây của mình…

Theo TNO

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

  1. Mót cà phê

    Nhân chuyện này mới nói vụ án đi mót cà phê bị chó cắn chết có phần lỗi lớn của người bị hại. Mót cà phê hay ăn cắp cà phê? Chủ vườn không cho mót, làm hàng rào, làm  biển báo, rồi nhắc nhở trực tiếp rồi mà vẫn ương bướng xông vào. Không phải chủ xua chó cắn thì cũng bị chó cắn lần khác thôi.

Tin đã đăng