Các thành viên của Fed đã bỏ phiếu nhất trí sẽ không tăng lãi suất USD cho tới cuối năm.
Trên sàn ICE Europe – London, giá cà phê Robusta kéo dài chuỗi giảm lên phiên thứ năm. Kỳ hạn giao ngay tháng 11 giảm thêm 15 USD, xuống 1.887 USD/tấn và kỳ hạn giao tháng 1/2018 giảm thêm 40 USD, còn 1.838 USD/tấn, các mức giảm khá mạnh. Khối lượng giao dịch khá cao trên mức trung bình. Cấu trúc giá đảo nới rộng khoảng cách trở lại.
Tương tự, trên sàn ICE US – New York, giá cà phê Arabica tiếp tục sụt giảm phiên thứ ba liên tiếp. Kỳ hạn giao ngay tháng 12 giảm thêm 2,15 cent, xuống 122,95 cent/lb và kỳ hạn giao tháng 3/2018 cũng giảm thêm 2,15 cent, xuống 126,45 cent/lb, các mức giảm rất đáng kể. Khối lượng giao dịch “khủng”.
Giá cà phê nhân xô tại các tỉnh Tây nguyên giảm thêm 700 – 800 đồng/kg, xuống dao động ở mức 40.300 – 40.900 đồng/kg.
Giá cà phê Robusta xuất khẩu loại 2, 5 % đen vỡ, xuống ở 1.758 USD/tấn, FOB – HCM, với chênh lệch trừ lùi ở mức 75 – 80 USD theo giá kỳ hạn tháng 1/2018 tại London.
Cho rằng lạm phát vẫn còn dưới ngưỡng 2% nên FOMC khẳng định sẽ chưa tăng lãi suất USD mà tăng cường kỳ vọng vào phiên họp cuối tháng 12. Đồng thời hé lộ khả năng Thống đốc Fed Jerome Powell sẽ là người được tổng thống Mỹ lựa chọn vầo chức chủ tịch Fed khi nói mọi người sẽ “cực kỳ ấn tượng với người này”, dẫn theo Blomberg.
“Cổ phiếu của Mỹ chủ yếu tăng và USD giảm nhẹ sau thông báo của Fed, trong khi lợi tức trái phiếu kho bạc tăng cao hơn với khoản nợ 10 năm tăng thêm khoảng hai điểm cơ bản lên 2,37 phần trăm”.
Có lẽ điều này đã làm cho đầu cơ “quá mức” trên sàn cà phê kỳ hạn thất vọng nên ồ ạt chuyển vốn với lượng giao dịch “khủng” và dòng vốn đổ vào thị trường chứng khoán tăng vọt.
Tuy nhiên, các nhà quan sát cho rằng sức bán khá mạnh của người Brasil trước kỳ nghỉ Lễ Các Đẳng Linh Hồn của Thiên Chúa Giáo ngày hôm nay và có khả năng kỳ nghỉ kéo dài tới hết tuần trong khi nhiều vùng trồng cà phê chính đã có mưa tốt góp phần làm giá giảm sâu. Có vẻ như sàn London không trụ nổi nên đã lao theo.
Các thị trường cà phê hầu như đã tỏ ra quá nhạy cảm trước các biến động, nhất là về mặt chính sách. Song chỉ vài phiên sau là “đâu lại vào đấy”, một doanh nhân cà phê khu vực Đông Nam Á tại Singapore đã nhận xét như vậy.
Cơ quan Thương mại Indonesia báo cáo xuất khẩu tháng 10 giảm tới 71% so với cùng kỳ năm trước và cũng giảm khá khiêm tốn so với tháng 9, trong khi tháng này vốn đã giảm tới 28,38% so với tháng trước đó. Các nhà xuất khẩu Indonesia hiện cũng đang cạnh tranh gay gắt với các nhà công nghiệp trong nước do nông dân kháng giá khi giá tham chiếu quốc tế đã xuống thấp, buộc họ phải cộng thêm 40 – 60 USD cho Lampung loại 4, 80 hạt lỗi, mới có được hàng.
Liên tiếp những cơn mưa bão và áp thấp nhiệt đới kéo dài khiến vụ thu hoạch cà phê Robusta mới ở Việt Nam diễn ra chậm chạp trong khi giá kỳ hạn tiếp tục suy yếu, các giao dịch nội địa hầu như không đáng kể.
Cà phê quả tươi được trao đổi với giá 8.200 – 8.500 đồng/kg nhưng cũng không nhiều. Các lò sấy hoạt động gia công cho người trồng là chủ yếu.
Anh Văn (giacaphe.com)