Với hệ thống đại lý thu mua cà phê hình thành một cách tự phát, phương thức kinh doanh, kỹ thuật bán hàng chưa hợp lý của các doanh nghiệp xuất khẩu cà phê Việt Nam… hệ quả không dừng lại ở việc xuất cà phê ở mức giá thấp, người nông dân chịu thiệt mà khi thị trường biến động mạnh sẽ kéo theo sự đổ vỡ của cả dây chuyền.
Xuất khẩu bằng mọi giá
Theo Hiệp hội Cà phê- Ca cao Việt Nam (VICOFA), trước và sau Tết Nguyên đán Canh Dần, giá cà phê trên thị trường thế giới ở mức thấp chưa từng có. Giá cà phê thế giới giảm ở mức kỷ lục, hiện chỉ còn ở mức 1.226 USD/tấn, giảm 113 USD/tấn so với những ngày đầu tháng 2/2010. Giá cà phê trong nước cũng giảm mạnh từ ở mức gần 24.000 đồng/kg hồi đầu tháng 2 thì nay chỉ còn 22.000 đồng/kg. Đây là mức giá thấp nhất kể từ đầu năm 2009 đến nay.
Theo Hiệp hội Cà phê – Ca cao Việt Nam (VICOFA), nhiều nguyên nhân khiến giá cà phê biến động, nhưng chủ yếu bị tác động do đầu cơ chi phối. Hiện nay, tại 2 sàn giao dịch nông sản lớn là LIFE (London) và Chicago (Hoa Kỳ), các doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu cà phê bán hàng theo 2 phương thức:
– Thứ nhất, chốt giá tại thời điểm ký hợp đồng.
– Thứ hai, ký hợp đồng giao hàng trong thời gian dài, nhưng không chốt giá. Giá thành sẽ dựa trên giá giao dịch trên thị trường song có tính thêm mức trừ lùi. Với loại hợp đồng này, nhà nhập khẩu sẽ ứng trước cho doanh nghiệp 70% giá trị hàng hóa. Bỏ qua những cảnh báo rủi ro khi ký hợp đồng bán hàng giao xa, hầu hết doanh nghiệp xuất khẩu cà phê của Việt Nam đều bán hàng theo phương thức này.
Cà phê là mặt hàng nông sản xuất khẩu quan trọng, nhưng vẫn còn nhiều bất ổn. Việt Nam xuất khẩu cà phê về lượng đứng thứ hai trên thế giới, nhưng về chất lượng chỉ đứng thứ tư. Hiện mới chỉ có cà phê Robusta của Việt Nam được thế giới công nhận đạt tiêu chuẩn xuất khẩu (VN 4193-2005), nhưng nhiều doanh nghiệp chưa áp dụng kỹ thuật trồng, thu hoạch, chế biến theo tiêu chuẩn này. Hiện có tới 80% bà con nông dân vẫn giữ thói quen tuốt tất cả cà phê non, xanh một lần/vụ. Nếu áp dụng tiêu chuẩn VN 4193, thu hoạch 2-3 lần/vụ, cà phê Việt Nam có thể tăng thu nhập thêm 100 triệu USD/năm.
Trong 10 năm trở lại đây, thị trường cà phê thế giới đã tăng lên gấp đôi, lợi nhuận của những công ty chiếm lĩnh thị trường bán lẻ lên tới mức khổng lồ. Trong một cốc cà phê, người trồng cà phê chỉ được chia lợi nhuận 8%, thậm chí ngày càng ít hơn. Nắm bắt được tâm lý các doanh nghiệp cà phê Việt Nam luôn tìm mọi cách để xuất khẩu, các nhà nhập khẩu đã đồng ý nhập cà phê Việt Nam với giá thấp, thậm chí cả khi chất lượng không đáp ứng các tiêu chuẩn xuất khẩu. Không quan tâm tới việc nâng cao chất lượng, đồng nghĩa với việc doanh nghiệp và người trồng cà phê Việt Nam không được hưởng phần giá trị cao nhất. Chất lượng không ổn định, chưa bán theo tiêu chuẩn xuất khẩu thế giới… cà phê Việt Nam luôn bị ép cấp, ép giá, giá trị không cao.
Khó, ló thời cơ
Nhiều nước trồng cà phê dự báo, năm 2010, sản lượng cà phê thế giới có thể đạt tới 145 triệu bao. Tuy nhiên, do thời tiết xấu tại các nước sản xuất quan trọng là Braxin, Cololmbia và Việt Nam, ảnh hưởng không tốt đến sản lượng. Nhiệt độ tăng dần lên hơn nửa độ trong vòng 25 năm qua khiến các quốc gia trồng cà phê phải tìm những vùng đất cao hơn để giảm bớt sức nóng, nhiều đồn điền cà phê buộc phải bỏ trống.
Sản lượng cà phê của Colombia (nước sản xuất và xuất khẩu cà phê lớn thứ 3 thế giới sau Brazil và Việt Nam) rơi xuống mức thấp nhất trong 33 năm, bởi mưa lớn và giảm sử dụng thuốc trừ sâu. Tại Mexico, nhiệt độ mùa đông thấp hơn mọi năm cũng khiến sản lượng của quốc gia này sụt giảm, còn sản lượng của Colombia tiếp tục ở mức thấp. Theo Hiệp Hội Cà phê Quốc gia Guatemala, thu hoạch cà phê năm nay của các nước châu Mỹ Latinh sẽ giảm 28% trong 3 tháng đầu năm.
Theo Tổ chức Cà phê Quốc tế (ICO), sản lượng cà phê của Braxin niên vụ 2010-2011 sẽ đạt 46-47 triệu bao, trong khi sản lượng của Colombia sẽ ở mức 9 triệu bao. Trong dự báo mới nhất, ICO cho rằng, tiêu thụ cà phê toàn cầu có thể đạt 134 triệu bao loại 60 kg trong năm 2010, tăng 2 triệu bao so với 2009. Nhu cầu cà phê tăng mạnh trong khi nguồn cung sụt giảm tại các nước sản xuất chủ lực sẽ giúp giá đứng ở mức cao.
Theo kế hoạch, ngành cà phê Việt Nam phấn đấu tăng trưởng bình quân 4,9%/năm, mỗi năm xuất khẩu được 900.000- 1,1 triệu tấn cà phê với mức giá khoảng 2.000 USD/tấn. Nguồn cung thế giới đang rất eo hẹp sẽ là cơ hội tốt để ngành cà phê Việt Nam gia tăng giá trị trên một đơn vị sản phẩm xuất khẩu.
VICOFA đã đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành liên quan triển khai các phương thức hỗ trợ, thu mua cà phê tạm trữ để giữ giá, cho DN xuất khẩu vay vốn thu mua… Nhưng theo Chủ tịch Hiệp hội Cà phê-Ca cao Việt Nam- ông Lương Văn Tự: “Các doanh nghiệp kinh doanh, xuất khẩu cà phê của Việt Nam cần theo sát diễn biến thị trường, xu hướng dao động của giá cà phê, chủ động tiếp cận thông tin để cung ứng hàng một cách đều đặn, tránh việc thấy giá lên không bán, giá xuống bán vội sẽ làm tình hình xấu hơn”.
Trong dài hạn, “cà phê Việt Nam không nên mở rộng diện tích trồng, nhưng cần tăng năng xuất, cải tiến khâu chế biến, áp dụng tiêu chuẩn VN 4193-2005 để nâng cao chất lượng cà phê, đặc biệt là việc chấn chỉnh phương thức kinh doanh, xuất khẩu”, ông Tự tham vấn.
Theo Công Thương