Cà phê Việt Nam cần có thương hiệu

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia trong ngành cà phê thì Việt Nam tuy là nước đứng thứ 2 trên thế giới về xuất khẩu cà phê nhưng thực tế thương hiệu cà phê Việt Nam còn rất mờ nhạt

Ông Đoàn Thiệu Nhạn, một chuyên gia của ngành cà phê – ca cao Việt Nam cho rằng, việc phát triển thương hiệu cà phê của nước ta đến nay vẫn chưa tương xứng với diện tích, sản lượng, thậm chí việc quảng bá thương hiệu cà phê Việt Nam dường như cũng chưa được chú ý tới.

Mãi cho đến những năm gần đây, một số doanh nghiệp, trong đó có Vina cà phê, Nestlé cà phê, cà phê Trung Nguyên… mới bắt đầu quảng bá thương hiệu một cách tích cực trên thị trường thế giới.

Ông Nguyễn Trần Quang, cán bộ nghiên cứu thị trường của Công ty cà phê Trung Nguyên cho rằng, việc xây dựng thương hiệu cho cà phê Việt Nam là rất cần thiết và đây cũng là một cuộc cạnh tranh hết sức gay gắt.

Nguyên nhân thương hiệu cà phê Việt Nam còn yếu, chưa phát triển được, có một phần không nhỏ là do kỹ thuật chế biến và phương pháp đánh giá chất lượng còn kém.

Tuy là nước đứng thứ 2 về xuất khẩu cà phê trên thế giới nhưng giá trị xuất khẩu của cà phê Việt Nam lại thấp. Xu hướng chung của thị trường là muốn có loại cà phê có các đặc trưng chất lượng gốc ổn định, thuận tiện cho việc rang xay và phối trộn sản phẩm.

Bên cạnh đó, vấn đề an toàn của cà phê cũng rất quan trọng, đây thật sự là điều cần phải chú ý của cà phê Việt Nam khi muốn tạo dựng thương hiệu. Ngoài ra, vấn đề sản xuất cà phê đặc biệt (loại cà phê có thể nhận biết rõ ràng, minh bạch về nguồn gốc và các quá trình sản xuất, chế biến) hiện đang được thị trường thế giới rất quan tâm. Đây cũng là cơ hội để doanh nghiệp xây dựng thương hiệu cho cà phê Việt Nam.

Mặt khác, theo các nhà chuyên môn, vai trò của chỉ dẫn địa lý cũng hết sức quan trọng cho việc xây dựng thương hiệu cà phê. Theo điều tra của các nhà kinh doanh trong và ngoài nước, thì những hàng hóa có chỉ dẫn địa lý luôn có giá trị cao hơn những sản phẩm cùng loại không có chỉ dẫn địa lý.

Một số hàng hóa có chỉ dẫn địa lý ở Việt Nam như: nước mắm Phú Quốc, chè Shan tuyết Mộc Châu, gạo tám Hải Hậu v.v… thực tế luôn có sức cạnh tranh tốt hơn hẳn so với các mặt hàng cùng loại.

Trong cuộc hội thảo về xây dựng và phát triển thương hiệu cà phê Việt Nam tại Buôn Mê Thuột, nhà sử học Dương Trung Quốc cũng tỏ ra bức xúc: “Phải làm sao đó mà mỗi khi nhắc đến cà phê Việt Nam là mọi người nghĩ ngay đến cà phê Buôn Mê Thuột!”. Muốn vậy, trước hết phải có sự tham gia về mặt tổ chức của nhà nước.

Theo VnMedia

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Tin đã đăng