Sáng ngày 13 tháng 4 năm 2006, Trung tâm Tư vấn Chính sách Nông nghiệp tổ chức Hội thảo “Kết quả nghiên cứu điều tra thực địa và Dự báo, giám sát cung ngành hàng cà phê Việt Nam”.
Theo TH.S Trần Thị Quỳnh Chi- Chủ trì đề tài, hiện nay các nguồn số liệu về cây trồng của Việt Nam, đặc biệt là cà phê còn nhiều bất cập do độ chênh lệch lớn, không thống nhất về phương pháp, do đó cần có một phương pháp ước lượng, giám sát và dự báo chính xác, liên tục, trên diện rộng về diện tích và sản lượng cây trồng nông nghiệp, và phù hợp với điều kiện canh tác và tự nhiên của Việt Nam.
Tới tham dự hội thảo có Vụ trưởng Vụ Kế hoạch, MARD, Viện trưởng Viện Chính sách Chiến lược PTNNNT, đại diện Tổng Cục Thống kê, đại diện cán bộ nghiên cứu của Đại học Nông nghiệp I, và các chuyên gia nghiên cứu nước ngoài.
Trong khuôn khổ tài trợ của dự án MISPA, nhóm nghiên cứu đã quy tụ được đầy đủ chuyên gia nghiên cứu kinh tế, chuyên gia GIS (Hệ thống thông tin địa lý) và viễn thám, cán bộ phụ trách điều tra thực địa và đặc biệt là có sự tham gia tư vấn của Công ty AIRECTS, một tổ chức phi chính phủ của Pháp tư vấn về ứng dụng công nghệ địa không gian cho nông nghiệp và môi trường.
Phương pháp nghiên cứu được sử dụng là phương pháp AFS (Area frame sampling) cùng với việc dùng ảnh vệ tinh và GIS. Phương pháp này được áp dụng từ những năm 40 của thế kỷ 20 ở Pháp, Mỹ. Hiện nay, phương pháp AFS đã được áp dụng rộng rãi ở nhiều nước ở các châu lục. Ở Châu Âu có Pháp, Phần Lan, Italy, Rumani và Bungari, ở Châu Mỹ có Braxin, Áchentina, và ở Châu Á, Trung Quốc đã sử dụng công nghệ này.
[ Xem thêm: Nâng cao sức cạnh tranh cho cà phê Việt Nam ]
Từ năm 1998, Trung Quốc đã thực hiện hệ thống giám sát diện tích và năng suất 7 loại cây trồng trên 9 tỉnh. Các dữ liệu đầu vào mà Trung Quốc sử dụng là bản đồ nông nghiệp tỷ lệ 1:100000, ảnh vệ tinh landsat; sau đó tiến hành điều tra thực địa, đo diện tích bằng máy GPS và máy quay camera trên mỗi mảnh diện tích 4×4 km và thu được số liệu về diện tích cây trồng tính cho từng tỉnh và từng huyện.
Ưu điểm của phương pháp này là phù hợp với điều kiện và tình trạng canh tác nông nghiệp, đa vụ, manh mún, trồng nhiều loại cây khác nhau, có độ chính xác cao và có khả năng cung cấp số liệu hàng năm về diện tích, sản lượng và cơ cấu cây trồng. Tuy nhiên phương pháp này đòi hỏi rất nhiều loại bản đồ đất, nước, sinh thái, khí tượng để phân tầng.
Trên cơ sở nghiên cứu trường hợp các nước, nhóm nghiên cứu đã xây dựng phương pháp AFS áp dụng ở Việt Nam (Mô tả chi tiết trong tài liệu đính kèm). Kết quả nghiên cứu cho thẩy trong giai đoạn 2001-2005, diện tích trồng cà phê giảm trung bình mỗi năm 3%, trong khi năng suất cà phê giảm trung bình 12%/năm và là nhân tố chính làm tác động đến việc giảm sản lượng cà phê. Bên cạnh đó có sự chênh lệch lớn về diện tích và năng suất cà phê giữa các nguồn số liệu chính thức của Việt Nam (Tổng cục Thống Kê, Bộ NNPTNT) và số liệu điều tra của Viện.
Phương pháp này có tính khả thi cao do cách tính có cơ sở khoa học, cho thông tin có độ chính xác cao, chi phí mua ảnh vệ tinh thấp và cứ 5 năm mới phải mua ảnh một lần, chi phí điều tra thực địa chỉ cao trong năm đầu tiên khi tiến hành điều tra.
Trong thời gian tới, nhóm điều tra sẽ tiếp tục áp dụng, có cải tiến công nghệ GIS để cung cấp thông tin hiệu quả và tiết kiệm chi phí, cho hai tỉnh Đăk Nông và Lâm Đồng và viết quy trình chi tiết áp dụng phương pháp chuyển giao cho cán bộ nghiên cứu trong Viện.
Theo TT Tư Vấn chính sách