Nâng cao sức cạnh tranh cho cà phê Việt Nam (ngày 11/6/2004)

Nước ta có diện tích trồng cà phê lên tới gần 600.000 ha, sản lượng trung bình hàng năm là 750.000 tấn. Sản lượng cà phê xuất khẩu hàng năm đạt khoảng 11 triệu bao, chiếm 13% lượng cà phê xuất khẩu của thế giới, đứng thứ 2 sau Braxin. Kim ngạch xuất khẩu hàng năm 500 -600 triệu USD. Cây cà phê đã trở thành cây công nghiệp chủ lực có giá trị kinh tế cao ở Việt Nam .

Tuy nhiên, theo TS Hoàng Thanh Tiệm (Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên) thì mặc dù có những kết quả khả quan trên song ngành cà phê nước ta vẫn chưa có sức cạnh tranh cao ở thị trường thế giới do chi phí sản xuất cao và chất lượng sản phẩm thấp. Một trong những nguyên nhân chính đó là do việc sử dụng giống không đảm bảo chất lượng. Hầu hết các diện tích cà phê vối được trồng bằng hạt, trong đó có trên 80% là người dân tự sản xuất lấy hạt giống  nên vườn cây cho năng suất thấp, tỷ lệ nhiễm bệnh cao, kích thích quả không đồng đều, chín không tập trung gây khó khăn cho việc thu hái, chế biến. Kết  quả điều tra mà Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên tiến hành gần đây cho thấy có tới 60% số cây bị nhiễm bệnh gỉ sắt, từ 30-40% số cây cho năng suất rất thấp, quả bŠ không đủ tiêu chuẩn xuất khẩu. Ngoài yếu tố giống một số các biện pháp kỹ thuật canh tác, đặc biệt là việc sử dụng phân bón khoáng, thuốc bảo vệ thực vật, tưới nước chưa được thực hiện hợp lý không những làm cho chi phí tăng cao, mà còn làm cho môi trường sinh thái bị hủy hoại …

Bên cạnh đó, ngành cà phê nước ta còn đối mặt với những yếu tố bất lợi là trong vòng 4 năm trở lại đây tình hình sản xuất đã diễn biến đi xuống. Do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng thừa cà phê thế giới bắt đầu từ năm 1999, giá cà phê giảm nhanh từ 1.373 USD/tấn ở năm 1999) xuống 823 USD/tấn  năm 2001 và 367 USD/tấn năm 2002 đã làm cho tình hình tiêu thụ cà phê gặp nhiều khó khăn.  Chính bởi vậy, sau năm 2001, một số địa phương như Gia Lai, Lâm Đồng, Đắc Lắc … đã chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng, diện tích cà phê giảm bình quân  25 nghìn ha/năm. Chủ tịch Hiệp hội Cà phê – Cacao Việt Nam Đoàn Thiệu Nhạn thừa nhận rằng trong thời gian qua giá cà phê xuống thấp, thu nhập của nông dân không đủ để đầu tư cho vườn cà phê nên năng suất giảm sút, một số vườn cà phê trồng sau, ngoài quy hoạch phải bỏ vì cây phát triển kém do điều kiện trồng không đảm bảo. Bên cạnh đó, còn do nguyên nhân  chuyển dịch cơ cấu cây trồng, nhiều diện tích ca cao, cây điều, cao su, cây ăn quả đã mở rộng ở Tây Nguyên khiến cho diện tích trồng cà phê giảm đi khiến cho sản xuất cũng sút giảm theo. Ngoài ra, các doanh nghiệp thu mua, chế biến cà phê xuất khẩu cạnh tranh lẫn nhau, thu mua không theo tiêu chuẩn, không phân loại nên sản phẩm xuất khẩu cà phê chưa cao.

Vấn đề bức xúc nhất hiện nay của ngành cà phê là duy trì sản xuất để nước ta có một lượng cà phê xuất khẩu tương đối ổn định. Theo các chuyên gia trong lĩnh vực cà phê thì hiện nay có thể một số quốc gia giảm sản lượng cà phê xuất khẩu, việc nước ta giữ sản lượng ổn định khoảng 11, 12 triệu bao là cần thiết. Về chất lượng phải được cải tiến và quan tâm đúng mức, đã đến thời điểm báo động có một cuộc đổi mới về chất lượng theo hướng cà phê xuất khẩu phải theo tiêu chuẩn tính trên hạt. Ngoài ra chúng ta cần quan tâm hơn đến việc sản xuất cà phê giá trị gia tăng, làm phong phú thêm mặt hàng cà phê Việt Nam . Chủ tịch Hiệp hội Cà phê – ca cao Việt Nam Đoàn Thiệu Nhạn cho rằng, nước ta cần sớm có những phương án quy hoạch chi tiết cụ thể các vùng cà phê cùng với các loại cây trồng khác, không để xảy ra tình trạng trồng rồi bỏ. Những công ty cà phê có tình hình về tài chính yếu kém cần được tổ chức, sắp xếp đồng thời với chú trọng giúp đỡ các doanh nghiệp trẻ trong ngành cà phê. Điều đặc biệt là vấn đề tổ chức quản lý ngành cà phê, giúp ngành cà phê vượt qua thử thách, rủi ro, không ngừng nâng cao trình độ nghiệp vụ kỹ thuật, tăng cường sức mạnh tổng hợp của toàn ngành để thật sự lớn mạnh.

Trưởng ban điều hành dự án phát triển cà phê Arabica Bùi Đình Trụ cũng tán đồng với ý kiến của ông Nhạn và cho biết thêm rằng, trong giai đoạn hiện nay bà con nông dân nên trồng xen hồ tiêu, cây ăn quả, cây công nghiệp ngắn ngày hợp lý để vừa tăng thời gian khai thác vườn cà phê vừa giảm rủi ro biến động của giá cả, thời tiết, sâu bệnh. Theo ông Trụ chúng ta nên có những cơ chế khuyến khích doanh nghiệp tư nhân tham gia thu mua, xuất khẩu cà phê trên tinh thần liên kết 4 nhà theo chủ trương khuyến khích tiêu thụ nông sản thông qua hợp đồng.

Chủ tịch Câu lạc bộ xuất khẩu cà phê hàng đầu Việt Nam Vân Thành Huy kiến nghị Chính phủ, Bộ Thương mại cho ghép tạo điều kiện để các nhà xuất khẩu cà phê hàng đầu Việt Nam có công cụ phòng chống, hạn chế rủi ro trên thị trường mua bán cà phê theo thông lệ quốc tế, bằng cách Bộ Thương mại  hướng dẫn cho ghép một số doanh nghiệp xuất khẩu cà phê được tham gia thị trường kỳ hạn ở nước ngoài để bảo hộ giá khi có biến động mạnh…

Theo TBTC 11/6/2004

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Tin đã đăng

Tin mới nhất

81