Tuần đầu tháng 4/2009, tại Đắc Lắc, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN- PTNT) đã tổ chức một hội nghị chuyên đề về vấn đề làm thế nào để nâng cao chất lượng cà phê Việt Nam nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của mặt hàng này trên thị trường thế giới.
Vấn đề mà hội nghị đặt ra không mới, nhưng cái mới là ở biện pháp: Cần loại trừ ra khỏi bản đồ xuất khẩu cà phê Việt Nam những sản phẩm cà phê không tiêu chuẩn. Với Lâm Đồng – địa phương có diện tích cà phê đứng thứ hai và sản lượng nhân cà phê đứng thứ nhất của Việt Nam, biện pháp này sẽ trở thành: hoặc là “gánh nặng”, hoặc là một cơ hội tốt hiếm có.
Lâm Đồng có tổng diện tích cà phê khoảng 125.000ha (đứng thứ hai trong cả nước, sau Đắc Lắc) và sản lượng nhân hằng năm đạt đến con số 275.000 tấn (đứng thứ nhất). Trong nhiều năm qua, Lâm Đồng xác định cà phê là một trong ba cây trồng chủ lực, có vai trò đáng kể trong việc phát triển kinh tế của địa phương. Tuy nhiên, so với các địa phương khác thì cà phê xuất khẩu của Lâm Đồng lại yếu thế hơn rất nhiều bởi chất lượng sản phẩm không theo kịp địa phương bạn.
Tại hội nghị chuyên đề nói trên, khi nhắc đến chất lượng cà phê Lâm Đồng không cao so với các địa phương khác, các đại biểu cho rằng, nguyên nhân chính là bắt nguồn từ một nền sản xuất còn nhỏ lẻ và lạc hậu. Đây cũng là tình trạng chung của cà phê Việt Nam. Và vì thế, trong thời gian đến, cần khuyến khích việc áp dụng tiêu chuẩn Việt Nam – TCVN 4193-2005 – bằng chính sách ưu đãi về thuế để dần loại bỏ loại sản phẩm hàng hóa “không tiêu chuẩn” là việc làm cần thiết; và, khuyến khích việc chế biến ướt để nâng cao chất lượng cà phê bằng chính sách hỗ trợ lãi suất ngân hàng, hỗ trợ người dân làm sân phơi, kho hàng, tạo môi trường thông thoáng cho các doanh nghiệp kinh doanh cà phê trong vay vốn, tiếp cận công nghệ hiện đại… để nâng cao chất lượng sản phẩm xuất khẩu. Tham dự hội nghị nói trên, lãnh đạo Sở NN-PTNT Lâm Đồng đã lĩnh hội ý kiến chỉ đạo của Bộ NN-PTNT về những giải pháp nhằm nâng cao chất lượng cà phê Việt Nam nói chung và cà phê Lâm Đồng nói riêng để tham mưu cho chính quyền tỉnh đề ra những biện pháp cụ thể, thiết thực trong thời gian tới.
Theo đó, Bộ NN-PTNT đã đưa ra những giải pháp cơ bản để loại bỏ sản phẩm cà phê “không tiêu chuẩn” ra khỏi bản đồ cà phê xuất khẩu của Việt Nam: Cần xây dựng 3 quy trình cho cà phê là quy trình Viet GAP, quy trình canh tác cà phê hữu cơ và quy trình tái canh cà phê. Bên cạnh đó, đến cuối tháng 6 tới, Cục Chế biến thương mại Nông lâm sản và nghề muối hoàn chỉnh tờ trình về các chính sách ưu đãi của Nhà nước đối với vấn đề sau thu hoạch cà phê, kể cả việc xây dựng sân bãi cho nông dân; đồng thời, cùng với Cục Quản lý chất lượng, Cục Chế biến thương mại Nông lâm sản và nghề muối còn đề xuất chính sách quản lý chất lượng và quy chế xuất nhập khẩu cà phê.
Công bằng mà nói, vấn đề làm thế nào để nâng cao chất lượng cà phê nói chung và cà phê xuất khẩu nói riêng đã được tỉnh Lâm Đồng đặt ra từ rất lâu trên bàn nghị sự. Theo đó, nhiều giải pháp tích cực cũng đã được đưa ra và thực hiện, nhưng phải thẳng thắn mà thừa nhận rằng: Cho đến lúc này, chất lượng cà phê xuất khẩu của Lâm Đồng vẫn chưa theo kịp các địa phương khác. Theo tài liệu của Sở NN-PTNT Lâm Đồng, cà phê của tỉnh miền núi Nam Tây Nguyên tuy được liệt vào loại có “chất lượng tự nhiên” cao nhờ điều kiện về thổ nhưỡng, nhưng do sự yếu kém trong khâu canh tác, sân phơi, chế biến… nên sản phẩm cuối cùng làm ra không có khả năng cạnh tranh cao trên thị trường thế giới.
Bên cạnh đó, vấn đề đáng quan tâm nữa là hầu hết sản phẩm cà phê của Lâm Đồng hiện nay khi đưa ra nước ngoài chủ yếu chỉ dựa vào sự thỏa thuận giữa bên mua và bên bán trên cơ sở “phân loại” chất lượng sản phẩm hạt đen, hạt vỡ, tạp chất… chứ chưa đồng loạt áp dụng TCVN 4193-2005 như một số địa phương khác trong cả nước. Bởi vậy, khi đến tay người tiêu dùng quốc tế, tên gọi sản phẩm cà phê “Lâm Đồng” (hay “Đà Lạt”) đã không còn được thể hiện trên bao bì nữa mà đã bị chìm khuất dưới nhiều tầng lớp nhãn mác tiếng nước ngoài. Và cũng vì chất lượng không cao nên nhiều năm qua, cà phê Lâm Đồng khi được đưa đi xuất khẩu luôn thấp hơn vài giá so với giá bình quân của cà phê Việt Nam và càng thấp hơn so với giá cà phê của các quốc gia khác.
Như vậy, vấn đề đặt ra cho việc phát triển cà phê Lâm Đồng trong những năm trước mắt đó là làm thế nào để vượt qua các rào cản kỹ thuật của các thị trường xuất khẩu (như tiêu chuẩn về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, vấn đề độc tố, sâu mọt trong cà phê nhân trước khi chế biến…) bằng chính sản phẩm có chất lượng cao. Điều này đòi hỏi ngay từ khâu sản xuất của nông dân phải được nâng cao bằng khả năng tự nâng cao trình độ sản xuất thông qua các quy định về chứng nhận trình độ bảo vệ môi trường (ISO 14000), trình độ quản lý (IS 9001), chứng nhận an sinh xã hội (SA 8000), chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm (HACCP), chứng nhận thực hành sản xuất tốt (GAP, GMP)…
Có thể nói, việc loại bỏ sản phẩm cà phê “không tiêu chuẩn” ra khỏi môi trường xuất khẩu là giải pháp hết sức cần thiết hiện nay nhằm nâng cao chất lượng cà phê Việt Nam trên thị trường thế giới. Và với Lâm Đồng, việc “loại bỏ” này sẽ là cơ hội tốt hay là “gánh nặng” hoàn toàn phụ thuộc vào khả năng nâng cao chất lượng sản phẩm cà phê trong quá trình sản xuất cũng như chế biến.
Báo Lâm Đồng