Cà phê Việt Nam: chất lượng chạy theo số lượng

Mặc dù còn lo về chất lượng, độ rủi ro nhưng chuyên gia kỳ cựu Đoàn Triệu Nhạn vẫn tỏ ra hào hứng về tương lai sáng sủa cho ngành cà phê Việt Nam. Thông tin này đã được phân tích, dự báo tại hội thảo về phát triển ngành hàng đầu tiên do Việt Nam tổ chức.

Giá tăng, thu nhập tăng

Ấn tượng nhất là sự tăng giá của cà phê từ niên vụ 2005-2006 đến nay” – nguyên Chủ tịch Vicofa Đoàn Triệu Nhạn cho biết, tại Hội thảo Triển vọng Thị trường và chất lượng cà phê 2007, do Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Nông thôn, Bộ NN-PTNT và Hiệp hội Cà phê Cacao Việt Nam (Vicofa), diễn ra ngày 29-30 tại Hà Nội.

Giá tăng đã giúp cà phê lọt vào số những mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu đạt trên 1 tỷ USD. Xuất khẩu cà phê hiện chiếm khoảng 13% tổng giá trị xuất khẩu nông sản Việt Nam, trở thành nước xuất khẩu cà phê vối lớn nhất thế giới, chiếm tới 43% thị phần cà phê toàn cầu.

Thị trường xuất khẩu cà phê được mở rộng. Trong cơ cấu xuất khẩu đã có mặt cà phê hoà tan, với số lượng lên tới hàng nghìn tấn.

Dự kiến niên vụ 2006-2007, sản lượng cà phê có thể còn tăng cao và vượt qua con số kỷ lục 15 triệu bao.

Ông Nhạn nói vui, những người trồng cà phê Việt Nam được cổ vũ rất nhiều nhờ có một vụ cà phê bội thu do “ông trời” không trái tính, trái nết và giá cả cải thiện đáng kể. Chỉ riêng tháng 2/2007, cả nước đã xuất khẩu được 150.000 tấn cà phê, thu về 215 triệu USD. Ông dự báo, giá mặt hàng này sẽ vẫn đứng ở mức cao dù vào thời điểm thu hoạch, đâu đó giá có thể giảm nhưng không xuống đến mức thấp quá mà chúng ta không chấp nhận được. Song, ông Đoàn Triệu Nhạn lưu ý rằng, sản lượng cà phê tiêu thụ trong nước của Việt Nam hàng năm mới không quá 1 triệu bao, quá khiêm tốn so với số dân 80 triệu người. Một nghiên cứu về mua cà phê tiêu thụ trong gia đình năm 2004 cho thấy, tại Hà Nội, người dân chỉ mua cà phê vài lần trong năm và tại TP.HCM là vài lần trong tháng, vào những dịp lễ Tết đặc biệt. Như vậy, nếu đẩy mạnh thị trường này thì đây sẽ là cơ hội tốt để tiêu thụ lượng cà phê.

Bên cạnh đó, ông Nestor Osorio, Giám đốc điều hành Tổ chức Cà phê quốc tế, cảnh báo, ở một số vùng trồng cà phê, hiện tượng El Nino đang phát triển có thể ảnh hưởng xấu đến sản lượng cà phê vụ 2007-2008. Vùng cà phê Tây Nguyên ở Việt Nam cũng đang chịu nạn khô hạn gay gắt, có thể dẫn đến sự mất mùa cho vụ tới. Theo ông Nestor Osorio, vì những lý do trên, sản lượng cà phê toàn cầu vụ 2007-2008 có thể đạt 109-112 triệu bao, trong khi nhu cầu khoảng 118-120 triệu bao nên sự phục hồi của giá cà phê còn có thể duy trì trong năm 2007.

Lần đầu tiên Việt Nam dự báo phát triển ngành hàng

TS. Đặng Kim Sơn, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Bộ NN-PTNT, cho biết, hội thảo này dự báo phát triển ngành hàng đầu tiên tại Việt Nam nhằm phân tích, dự báo cung cà phê ngắn hạn, dài hạn.

Trên cơ sở đó, đưa ra các quyết định về tổ chức, sản xuất, đầu tư, phát triển thị trường cho cà phê Việt Nam nhằm mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đồng thời, việc dự báo thị trường, ngành hàng cà phê thành công sẽ là cơ sở để Bộ NN-PTNT thực hiện đối với các ngành hàng nông sản khác của Việt Nam.

Sẽ kiểm soát chặt về chất lượng

Trao đổi với phóng viên, ông Đoàn Triệu Nhạn nói rằng cách đây 3 năm những thành viên của Vicofa đã thực hiện một dự án của Tổ chức Nông lương LHQ (FAO) về chống nấm và các độc tố khác trong cà phê. Riêng dư lượng thuốc trừ sâu cũng phải theo mức quy định chung của Bộ NN-PTNT.

Song, ngay trong báo cáo của mình, ông cũng thừa nhận là Việt Nam chưa có tên trong số 25 nước đang tự nguyện ghi lên chứng chỉ xuất xứ về chất lượng cà phê xuất khẩu của mình.

Lý giải điều này, ông Nhạn cho rằng, đó là do chúng ta chưa thông báo thực hiện Nghị quyết 420 của Tổ chức Cà phê quốc tế (ICO) vì ta đã có tiêu chuẩn Nhà nước TCVN 4193:2005. Mặc dù tiêu chuẩn Việt Nam đã được ICO công nhận, nhưng đến thời điểm này, cả người bán và người mua đều chưa áp dụng. “Đây rõ ràng là yếu kém trong quản lý chất lượng hàng hoá xuất khẩu của ngành cà phê Việt Nam.

Tổ chức cà phê Quốc tế – ICO ]

Ông Nhạn đặt vấn đề: nên chăng quy định mặt hàng cà phê được ghi vào danh mục bắt buộc phải kiểm tra trước khi thông quan, nhất là gần đây, rắc rối chất lượng đã xảy ra với gạo, hạt điều Việt Nam xuất khẩu? Theo đó, sẽ tăng cường kiểm tra chất lượng hoạt động của các xưởng chế biến cà phê. Cà phê xuất khẩu phải được phân loại và có giấy kiểm tra.

Ngoài ra, để nâng cao khả năng cạnh tranh, chất lượng cà phê, Viện Chính sách và Chiến lược cũng đề xuất tiếp tục giảm diện tích cà phê, tập trung nâng cao chất lượng. Cụ thể, đến 2010 Việt Nam giảm còn 390.000ha; chuyển diện tích cà phê vối ở những khu vực không hiệu quả sang trồng cây điều hoặc ca cao.

Theo một số chuyên gia cà phê, giải pháp này khó thực hiện, nhất là trong bối cảnh cà phê đang được giá như hiện nay. Trên thực tế, Đăk Lăk đã có thêm 20.000ha cà phê kể từ cuối năm ngoái.

TS. Đặng Kim Sơn, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Bộ NN-PTNT, đúc kết, VSATTP là thách thức mới với xuất khẩu nông sản. Hiện Bộ NN-PTNT coi đây là mũi nhọn để xây dựng hệ thống quản lý chất lượng từ nơi sản xuất đến bàn ăn của người tiêu dùng và xuất khẩu. Song, ông cũng nhận xét, vấn đề này không phải ngày một ngày hai là làm được.

Xem thêm: Tiêu chuẩn chất lượng cà phê: Đôi điều cần bàn

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Tin đã đăng