Trong những ngày này, tại Đắk Lắk, Tổ chức giám định cà phê quốc tế – Utz Kapeh (Hà Lan) đã phối hợp với Cafecontrol Việt Nam (Chi nhánh Công ty Giám định cà phê và hàng hóa nông sản xuất nhập khẩu – Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) tổ chức hội thảo tập huấn về áp dụng bộ tiêu chuẩn của UTz Kapeh. Đây là một quy trình quốc tế về sản xuất, mua bán cà phê được áp dụng và cấp chứng chỉ trên toàn thế giới.
Một khi áp dụng quy trình này, các nhà sản xuất cà phê sẽ đạt được hiệu quả cao trong quản lý và cho chất lượng sản phẩm tốt hơn, các nhà kinh doanh và rang xay được bảo đảm về chất lượng nguồn hàng cung ứng. Sản phẩm cà phê của doanh nghiệp nếu đạt tiêu chuẩn “cà phê có trách nhiệm” theo một quy trình khép kín từ khâu trồng trọt, chăm sóc, thu hoạch, đến bảo quản – quy trình này được kiểm soát chặt chẽ theo tiêu chuẩn quốc tế UTZ KAPEH – sẽ được cấp một chứng chỉ quốc tế.
Chứng chỉ này chứng nhận về mặt quản lý, chế biến cà phê của doanh nghiệp, là một trong những phương thức vươn tới tiêu chuẩn sản xuất cà phê bền vững toàn cầu. Những doanh nghiệp nào được cấp chứng chỉ của UTZ KAPEH thường bán được cà phê được giá cao so với doanh nghiệp không được cấp chứng chỉ. Hiện nay ở Việt Nam chỉ có 6 doanh nghiệp cà phê được cấp chứng chỉ này, trong đó có 5 doanh nghiệp của Đắk Lắk. Chính vì vậy, hội thảo này rất có ý nghĩa đối với các doanh nghiệp cà phê Việt Nam. Chúng ta cần phải có thêm nhiều doanh nghiệp đạt được chứng chỉ quốc tế của UTZ KAPEH để có thể nâng cao giá trị cà phê xuất khẩu.
Có thể nói Việt Nam chúng ta là một cường quốc cà phê thế nhưng cho đến bây giờ ngành cà phê của chúng ta lại chưa thể hiện được điều gì. Bộ Thương mại đã đánh giá cà phê là mặt hàng nông sản xuất khẩu triển vọng và đưa vào kế hoạch điều hành xuất khẩu năm 2006 đồng thời hy vọng ngành cà phê sẽ mang về 750 triệu USD, tức tăng 10% so với năm 2005. Tuy nhiên, thực trạng phát triển của ngành cà phê trong thời gian qua đang làm nhiều người lo lắng. Bởi dù được xếp ở thứ hạng cao (thứ hai thế giới, sau Brazil), nhưng giá trị của hạt cà phê mang lại luôn bấp bênh.
Thông thường trong kinh doanh, quốc gia nào làm chủ được về sản lượng một mặt hàng nào đó thì sẽ đóng vai trò quan trọng trong điều tiết giá cả thị trường. Thế nhưng ngành cà phê VN thì ngược lại. Người trồng cà phê và các DN xuất khẩu VN bị đẩy ra khỏi cuộc chơi do không kiểm soát được giá. Nguyên nhân là do phần lớn người trồng cà phê và DN không đủ tiềm lực về tài chính, nên phải bán vội cà phê ngay sau thu hoạch để lấy tiền trả nợ vay và duy trì sản xuất. Đến cuối vụ, khi giá lên cao thì trong kho chỉ còn lại rất ít.
Cho đến nay điểm yếu về diện tích và sản lượng căn bản đã được khắc phục, bởi sản lượng cà phê của VN trong niên vụ 2005-2006 dự đoán chỉ còn khoảng 600.000 tấn, giảm đến 300.000 tấn so với cách đây 5 năm. Thế nhưng hiện tại, ngành cà phê VN lại đang rơi vào một khó khăn khác, đó là do cơ cấu sản phẩm cà phê của VN quá nặng về cà phê vối, ngược lại sản lượng cà phê chè còn hết sức khiêm tốn, sản lượng chỉ có 15.000 tấn/năm. Trong khi xu hướng tiêu thụ cà phê chè thế giới tiếp tục tăng, còn cà phê vối sẽ chỉ được dùng làm chất độn trong chế biến cà phê. Nếu không nhanh chóng chuyển đổi cơ cấu sản phẩm thì VN dù đang đứng ở vị trí thứ 2 về sản xuất cà phê, cũng vẫn sẽ bị coi là nhóm dưới của ngành cà phê thế giới. Ngược lại, nếu VN có được tỉ lệ diện tích 1 chè 4 vối thì kim ngạch xuất khẩu cà phê chắc chắn không chỉ ở mức 600 triệu USD như hiện nay.
Một vấn đề đáng quan tâm nữa là tiềm năng thị trường cà phê trong nước còn chưa được khai thác. Theo Hiệp hội Cà phê thế giới thì lượng tiêu dùng trong nước của các nước thành viên là 25,16% sản lượng, của Việt Nam chỉ là 3,57% thấp nhất trong số các nước sản xuất cà phê.
Đổi mới, nâng cao hiệu quả của việc tiếp thị, tìm kiếm thị trường…là những yêu cầu bức thiết của ngành cà phê Việt Nam hiện nay. Quyết định mới đây của Thủ tướng Chính phủ về việc sắp xếp lại tổng công ty cà phê Việt Nam – trong đó có 9 đơn vị thành viên làm thủ tục giải thể, phá sản trong năm 2006-2007, có thể hiểu là bước đi đầu tiên nhằm dọn dẹp và xây dựng lại một ngôi nhà mới cho ngành cà phê Việt Nam.
Theo VnMedia