Biến đổi khí hậu đang đe dọa tước đoạt ly cà phê sáng của chúng ta
Trong khi Washington còn đang tranh luận liệu biến đổi khí hậu có phải là trò lừa đảo hay là mối đe dọa sắp xảy ra, ngành công nghiệp cà phê thế giới không thể ngồi chờ chính phủ Mỹ hành động để bảo vệ hoạt động kinh doanh của mình.
Cà phê đang bị bủa vây bởi nạn phá rừng, nền nhiệt tăng bất thường, thiếu mưa và sâu bệnh. Thị trường thế giới đang hướng tới thâm hụt năm thứ tư liên tiếp, theo ước tính của ngân hàng Rabobank International. Đồng thời, nhu cầu toàn cầu về loại đồ uống yêu thích dự kiến sẽ đạt mức cao nhất mọi thời đại trong năm nay, dẫn đầu là nhu cầu tiêu dùng của thanh niên. Tổ chức Bảo tồn Quốc tế, một tổ chức môi trường, cho biết sản lượng cần phải tăng ít nhất 50% vào giữa thế kỷ này để đáp ứng nhu cầu. Để đối phó, ngành công nghiệp đang đổ xô tìm kiếm các giống cây có thể thích nghi với môi trường đang thay đổi.
Theo Viện Nghiên cứu Cà phê Thế giới (World Coffee Research Institute), đất phù hợp để trồng loại cà phê Arabica được Starbucks Corp và các nhà chế biến đặc sản khác ưa chuộng sẽ bị giảm một nửa trên toàn thế giới vào năm 2050. Ở bang Espírito Santo của Brasil, sản lượng đã giảm mạnh, đặc biệt đối với cà phê Robusta. Trong 3 năm qua, bang này chỉ nhận được 50% lượng mưa trung bình, trong khi nhiệt độ tăng lên 3 độ C so với bình thường. Romario Gava Ferrao, nhà nghiên cứu thuộc Viện nghiên cứu Incaper ở thành phố Vitória, Espírito Santo, nói với Bloomberg: “Đó là đợt hạn hán tồi tệ nhất trong 80 năm qua. Một số nông dân đã chuyển đến các vùng khác hoặc đã đầu tư vào các loại cây trồng khác như hạt tiêu”, ông nói.
Hugo Ramos, một nhà khí tượng học ở Incaper, thời tiết khô nóng là một thay đổi vĩnh viễn cho khu vực. “Chúng ta cần nghiên cứu để hiểu những gì sẽ xảy ra trong những năm tới.” Tình hình trở nên tồi tệ đến nỗi phải xem xét nhập khẩu cà phê Robusta chất lượng thấp hơn của Việt Nam để đáp ứng nhu cầu, một lựa chọn đã gặp sự phản đối mạnh mẽ từ nông dân địa phương.
Bệnh nấm gỉ sắt lá làm ảnh hưởng cả cây Arabica lẫn Robusta và cũng đang tàn phá ngành công nghiệp này. Theo WCR, khoảng 18,2 triệu bao cà phê trị giá khoảng 2,5 tỷ đô la đã bị mất trong 5 năm 2011 – 2016, kéo theo 1,7 triệu người mất việc. Một hành tinh nóng lên buộc các nước sản xuất cà phê phải đối diện với những mối đe dọa thường xuyên hơn.
Để ngăn chặn thảm họa tương lai nếu không có cà phê, Christophe Montagnon, một nhà di truyền học tại WCR, dẫn đầu một nhóm nghiên cứu toàn cầu đang nỗ lực tìm kiếm những giống cây có thể chống chịu khi môi trường thay đổi. Montagnon nói trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại từ Lyon, Pháp. “Sự nóng lên toàn cầu dồng nghĩa với những địa điểm duy nhất còn lại canh tác được ở những vùng lạnh hơn hoặc ở độ cao cao hơn”.
Trong một thí nghiệm mới đây, đội của Montagnon đã tiến hành lấy 30 giống cà phê từ 20 quốc gia trồng vào vùng môi trường được kiểm soát ở Lào có nhiệt độ thấp 2 độ C. 7 giống từ các vùng lạnh giá hiện đã được đưa đến các vùng khác, từ Brasil đến Guatemala, để xem liệu chúng có thể phát triển mạnh ngoài tự nhiên với điều kiện không kiểm soát được hay không. Sau cùng, giống cây cà phê nào chịu được nhiệt độ lạnh nhất và kháng bệnh gỉ sắt lá sẽ được lựa chọn để trồng.
Montagnon cho biết: “Hiện nay chúng ta có những giống kháng lại sương giá,” Montagnon nói. Bước tiếp theo là thách thức những giống này trong những môi trường sống khác nhau.
Tìm ra những cây cà phê kháng được bệnh gỉ sắt lá có thể là một thách thức lớn hơn. Các nghiên cứu gần đây cho thấy sức đề kháng đã bị mất đi ở một số giống kháng bệnh gỉ sắt được phát triển từ những năm 1950 đến 1990. Các bệnh nấm vẫn phổ biến ở một số khu vực, đặc biệt là ở châu Mỹ, chủ yếu đe dọa các loại Arabica được các nhà rang xay lừng danh bán.
Anh Văn (theo Bloomberg)
Cây cà phê chịu lạnh thì có thể, còn nếu gặp thời tiết sương giá thì… thua !