Chốt phiên cuối tuần, cả hai sàn kỳ hạn bật tăng khá mạnh mẽ
Trên sàn ICE Europe – London, giá cà phê Robusta quay trở lại xu hướng tích cực. Kỳ hạn giao tháng 5 tăng 27 USD, lên 2.170 USD/tấn và kỳ hạn giao tháng 7 tăng 25 USD, lên 2.194 USD/tấn, các mức tăng đáng kể. Khối lượng giao dịch tăng lên ở mức trung bình.
Trong khi đó, trên sàn ICE US – New York, giá cà phê Arabica tiếp tục gia tăng. Kỳ hạn giao tháng 5 tăng thêm 2,3 cent, lên ở 140,05 cent/lb và kỳ hạn giao tháng 7 cũng tăng thêm 2,3 cent, lên ở 142,40 cent/lb, các mức tăng rất đáng kể. Khối lượng giao dịch rất “khủng”.
Giá cà phê nhân xô tại các tỉnh Tây nguyên tăng 500 đồng, lên dao động ở mức 46.400 – 47.000 đồng/kg.
Giá cà phê Robusta xuất khẩu loại 2, 5 % đen vỡ, đứng ở mức 2.104 USD/tấn, FOB – HCM, với mức chênh lệch trừ lùi 80 – 90 USD theo giá kỳ hạn tháng 7 tại London.
Tính chung cả tuần, giá cà phê Robusta kỳ hạn giao tháng 5 tăng 21 USD/tấn, giá cà phê nhân xô trong nước tăng 400 đồng/kg, trong khi giá cà phê Arabica kỳ hạn tháng 5 tăng 0,75 cent/lb.
Mức giá chênh lệch giữa hai thị trường hiện nay khiến cà phê Robusta không có sức hấp dẫn với nhà rang xay do giá quá cao.
Theo Báo cáo Cam kết Thương nhân (CFTC) từ thị trường cà phê Robusta London, tính đến ngày 04/4, các quỹ chỉ số đã giảm vị thế mua ròng bớt 1.344 lô xuống còn 29.686 lô. Các đầu cơ lớn bán bớt 785 lô, giảm vị thế mua ròng xuống còn 2.703 lô, trong khi các quỹ tài chính đã giảm 1.501 lô xuống bán ròng ở 35.812 lô và đầu cơ phi thương mại mua ròng ở 3.442 lô. Dự kiến lượng mua ròng đã tăng mạnh trở lại trong phiên giao dịch “khủng” hôm thứ Sáu cuối tuần này.
Báo cáo tồn kho cà phê Arabica đã được thị trường New York chứng nhận cho thấy khối sản xuất Mexico và khu vực Trung Mỹ thường đa số nhưng hiện chỉ chiếm 38,38% khối lượng, tiếp theo là Colombia với 23,13%, Peru 17,14% và khối sản xuất Đông Phi chiếm 14,68% khối lượng. Phần còn lại là đóng góp tương đối nhỏ từ Brasil, Ấn Độ và Papua New Guinea.
Viện Cà phê Quốc gia Costa Rica báo cáo vụ mùa mới năm nay chỉ đạt 1,4 triệu bao, nhưng họ đã bán được 75% sản lượng. Tuy nhiên Costa Rica chỉ là một nhà sản xuất nhỏ ở Trung Mỹ nên sụt giảm nguồn cung này đã được bù đắp từ nguồn cung Honduras gia tăng.
Cơ quan cung ứng nông sản Brasil (Conab) hôm thứ Tư đã bán 3.733 bao cà phê là số dự trữ cuối cùng của Chính phủ, để đưa số cà phê dự trữ về mức zero lần đầu tiên trong hơn một thập niên. Giá bình quân được bán ở mức 2.572 USSD/tấn là mức cao đáng kể so với giá cà phê trên các thị trường quốc tế hiện nay.
Theo Hiệp hội cà phê Lampung Indonesia, trong tuần lượng hàng vụ mới về kho cảng ước đạt 3.500 tấn, thấp hơn đáng kể so với cùng kỳ các năm trước. Tuy nhiên họ cũng kỳ vọng lượng xuất khẩu năm nay sẽ tăng mạnh, nhưng vẫn chưa thể đạt 5,3 triệu bao là con số kỷ lục xuất khẩu niên vụ 2014/2015.
Liên đoàn Cà phê Colombia (thường gọi là Fedecafe) báo cáo sản lượng cà phê 6 tháng đầu niên vụ 2016/2017 đạt tổng cộng 7,99 triệu bao, tăng 8,87% so với cùng kỳ niên vụ cà phê trước. Trong khi khối lượng xuất khẩu 6 tháng đầu niên vụ 2016/2017 đạt tổng cộng 7,43 triệu bao, tăng 8,86% so với cùng kỳ.
Các thương nhân xuất khẩu Việt Nam dự kiến khối lượng cà phê xuất khẩu hai tháng 3+4 sẽ đạt mức kỷ lục 2,6 – 2,8 triệu bao mỗi tháng kể từ đầu niên vụ và sẽ giảm dần trong những tháng kế tiếp do nguồn hàng đã cạn kiệt, cho dù giá cả có khả năng vẫn còn tạm ổn định.
Cơ quan khí hậu Úc dự báo khả năng hiện tượng El Nino sẽ sớm quay trở lại đem thời tiết khô cho vùng Thái Bình Dương vào cuối năm nay.
Anh Văn (giacaphe.com)
Tồn kho Brazil về mức zero, Elnino sớm quay lại… nhiều tin rồi đây