Xuất khẩu nông sản vẫn vướng

Sự biến động khó lường của thị trường nhập khẩu cũng như các hàng rào kỹ thuật được dựng lên ngày càng nhiều sẽ là khó khăn lớn đối với hàng nông sản xuất khẩu.

kho-ca-phe

Bà Trần Thị Miêng, Phó cục trưởng Cục Chế biến thương mại nông lâm thuỷ sản và Nghề muối (thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn-NN&PTNT) nhận định, mặc dù từ đầu năm 2010 đến nay xu hướng giá các mặt hàng nông sản xuất khẩu có những chuyển biển tích cực, tuy nhiên vẫn rất khó để đưa ra các dự báo về giá trong những tháng tới.

Theo bà Miêng, ngoài nguyên nhân là sự hồi phục ở các thị trường nhập khẩu chưa thực sự rõ nét, thì chất lượng các mặt hàng nông sản của Việt Nam cũng còn khá nhiều vấn đề, trong khi xu hướng siết chặt nhập khẩu bằng việc dựng lên các hàng rào kỹ thuật khe khắt ngày càng gia tăng. Trong bối cảnh như vậy, các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu Việt Nam lại chưa thực sự có sự chuẩn bị để đối phó.

“Không phải đến năm 2010 các mặt hàng nông sản mới vướng các quy định ở thị trường nhập khẩu mà từ trước đó, một số ngành hàng như đồ gỗ, thủy sản đã phải đáp ứng nhiều quy định mới ở thị trường nhập khẩu. Mặc dù các cơ quan chức năng đã cảnh báo DN nhằm tránh nguy cơ gián đoạn xuất khẩu, nhưng DN vẫn hạn chế nhiều mặt”, bà Miêng nói.

Theo phân tích, các DN xuất khẩu đồ gỗ không chỉ lúng túng trong việc chứng minh nguyên liệu gỗ hợp pháp, mà ngay cả việc sử dụng hóa chất trong chế biến sản phẩm cũng còn rất mơ hồ, thậm chí đến nay có DN xuất khẩu vẫn chưa rõ về loại hóa chất nào bị cấm.

Đối với thuỷ sản, kể từ khi xuất khẩu đến nay chưa lúc nào “xuôi chèo mát mái”, vì đi đến bất cứ thị trường nào cũng được liệt vào danh sách “quan tâm đặc biệt”, do sức cạnh tranh của mặt hàng này rất cao ở những thị trường có sản phẩm tương tự.

“Hiện Việt Nam là nước nằm trong top 10 quốc gia xuất khẩu thuỷ sản lớn nhất thế giới, với kim ngạch xuất khẩu đạt trên 4 tỷ USD. Chính vì vậy, các sản phẩm thủy sản Việt Nam lúc nào cũng bị chú ý. Không phải ngẫu nhiên mà nhiều thị trường ‘mở” các chiến dịch cáo buộc về chất lượng, hòng bôi nhọ để ngăn chặn việc xuất khẩu thủy sản sang thị trường của họ”, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lương Lê Phương cho biết.

Thực hiện quy định IUU, năm 2010, xuất khẩu thủy sản sẽ đối mặt với thách thức lớn, do quy mô khai thác đánh bắt nhỏ, lẻ trong khi việc áp dụng các quy chế mới còn khá nhiều bất cập.

Trong nhóm hàng nông sản xuất khẩu chủ lực, triển vọng mặt hàng gạo xuất khẩu là rõ nhất do nhu cầu nhập khẩu gạo của nhiều quốc gia tăng mạnh, trong khi nguồn cung gạo của thế giới năm 2010 giảm đi đáng kể.

Thay vì xuất khẩu, năm 2010 nhiều khả năng Indonesia sẽ chuyển sang nhập khẩu gạo do tác động của thời tiết. Bên cạnh đó, quốc gia có sản lượng gạo lớn là Ấn Độ cũng giảm mạnh diện tích và tăng cường mua vào. Những yếu tố này khiến cho giá gạo đã nhích lên từ cuối 2009.

Đã có nhiều ý kiến lạc quan về triển vọng xuất khẩu gạo của Việt Nam trong năm 2010. Tuy nhiên, theo đánh giá của Bộ NN&PTNT, khó có “cơ hội vàng” đối với mặt hàng gạo, bởi giá cả nguyên liệu, vật tư đầu vào tăng cao kéo chi phí sản xuất tăng lên. Diện tích canh tác không tăng, trong khi đó, biến đổi khí hậu kèm thiên tai có thể gây hậu quả nghiêm trọng đến sản xuất, chưa nói đến sự cạnh tranh khốc liệt về thị trường xuất khẩu.

Theo nhận định, đối với mặt hàng cao su sự hồi phục của các nền kinh tế lớn sẽ thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ cao su tăng mạnh trở lại. Tuy vậy, giá cao su xuất khẩu cũng khó có thể trở lại mức giá đỉnh của năm 2008, do vấn đề chất lượng và thị trường đang nảy sinh những bất cập.

“Mặc dù được xếp thứ 5 trên thế giới về sản lượng, thứ 4 về xuất khẩu, nhưng chúng ta mới xuất khẩu sản phẩm đến 73 nước. Cả nước có trên 500 DN xuất khẩu cao su thì có tới trên 300 DN tập trung vào một thị trường. Điều này sẽ tiềm ẩn những rủi ro khi thị trường biến động, cũng như đối tác có lý do để ép giá”, bà Trần Thúy Hoa, Tổng thư ký Hiệp hội Cao su Việt Nam (VRA) nhận xét.

Theo bà Trần Thị Miêng, vấn đề đặt ra hiện nay đối với xuất khẩu nông sản là phải mở thêm thị trường, tìm các thị trường ngách để xuất khẩu.

Bà Miêng cho rằng, năm 2009 sở dĩ kim ngạch xuất khẩu vẫn đạt mức cao trong khi các thị trường truyền thống co hẹp là do các thị trưởng nhỏ bù lại. “Điều này cho thấy, việc mở rộng thị trường là yêu cầu đặc biệt quan trọng”, bà Miêng nói và cho hay, năm 2010 ngân sách nhà nước dành cho ngành nông nghiệp là 28 tỷ đồng (cao hơn 11 tỷ so với năm 2009). Trong đó, ngành nông nghiệp sẽ dành một phần cho xúc tiến thương mại ở thị trường nội địa, một phần hỗ trợ các DN tham gia xúc tiến ở nước ngoài.

Mặc dù vậy, bà Miêng cho rằng, việc huy động các DN tham gia là rất khó, do phần lớn các DN kinh doanh nông sản có quy mô vừa và nhỏ, năng lực tài chính hạn chế, chỉ có một số DN lớn có khả năng tham gia với kinh phí bỏ ra khá lớn (dù đã được hỗ trợ)

Theo kế hoạch của Bộ NN&PTNT, năm 2010 ngành không tập trung quá nhiều vào các thị trường xuất khẩu tương đối ổn định, mà tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại ở các thị trường tiềm năng như Trung Đông, Bắc Phi, SNG, Đông Âu…

Dự kiến, tổng kim ngạch xuất khẩu nông sản năm 2010 là 16 tỷ USD, tăng khoảng 700 triệu USD so với năm 2009.

Theo báo Đầu Tư

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Tin đã đăng