Cà phê, chẳng gì mới mà luôn cứ mới!

Tôi hỏi con trai mình như một tham khảo với người trẻ hôm nay rằng, nếu chọn một văn hóa đặc trưng của Sài Gòn, sẽ chọn hình ảnh gì? Câu trả lời: Cà phê.

ca-phe-sai-gon

Và nhấn mạnh thêm: cà phê vỉa hè. Câu trả lời thoạt nghe tưởng cũ nhưng vẫn có những điều không cũ. Cà phê từ lâu đã là sản phẩm toàn cầu, còn tùy cách uống mà thành văn hóa riêng. Trieste là chuỗi cà phê danh tiếng trên đất Mỹ, có lịch sử từ một người Ý nhập cư.

Nơi đây, các nhà thơ, nhạc sĩ danh tiếng thường ngồi và tổ chức những đêm thơ, nhạc bỏ túi. Trieste ở San Francisco, trên góc phố Vallejo/Grant, là nơi còn phảng phất bóng dáng của Francis Ford Coppola đang ngồi gọt giũa kịch bản The God Father. Nó còn là “phòng khách” của Jack Kerouac, Allan Ginsberg… Joshep Brodski – nhà thơ gốc Nga danh tiếng từng đoạt Nobel văn chương viết về Trieste: “Tôi đã trở lại góc phố Vallejo/ Và Grant như một tiếng dội/Với đôi môi giờ đây/Thích nụ hôn hơn chữ nghĩa/Ở đây chẳng có gì thay đổi/kể cả bàn ghế kể cả thời tiết” (Café Trieste San Francisco 1980 – Hoàng Ngọc Biên chuyển ngữ).

…Và không thiếu những quán vỉa hè đã đi vào tranh của nhiều danh họa Gauguin, Matisse, Van Gogh…

Nhưng hãy trở về với cà phê quán của Sài Gòn…

Ngồi quán cà phê là chọn lựa riêng của từng lứa tuổi, của từng sở thích. Có người yêu khung cảnh, có người thích âm nhạc, có người thích vẻ trầm lắng, có người yêu cái đông đảo sôi động. Thật khó kể hết phong cách cà phê. Phong cách hay trào lưu từng thời cũng đúng.

Thời của cà phê vườn, thời của cà phê Hifi, thời của cà phê biệt thự. Giới trẻ hôm nay sau khi đã ngán những quán thời thượng, máy lạnh, những quán “cà phê hộp” thiếu không gian, thì cà phê vỉa hè, công viên trở thành nơi, thành chỗ ngồi phóng khoáng, tha hồ cho tầm mắt, sự quan sát, trí tưởng tượng bay bổng. Âm nhạc là chiếc iphone đeo tai, còn lại là khung cảnh thành phố với dòng người  qua lại.

Đặc biệt, “quán” cà phê loại này hợp với túi tiền của những người trẻ. Hèn chi, những năm còn học tập ở xứ người, mỗi lần được về nghỉ học kỳ, con trai tôi lại tranh thủ hưởng những ngày thư thả ở cà phê cóc, vỉa hè, công viên. Xứ người chẳng thiếu quán xá, nhưng một phần do túi tiền ít ỏi của du học sinh, lại không gần gũi thân mật như quán xá ở nhà mình.

Tôi biết mình đã thuộc thế hệ khó có thể la cà quán xá. Thế nhưng, sau những ngày lang thang  xứ người, tìm đến những địa chỉ cà phê danh tiếng lại không khỏi mơ ước nơi mình sống cũng có những địa chỉ in đậm dấu ấn văn hóa để tìm đến. 50 năm trước Sài Gòn cũng từng có “Quán cái chùa” (La Pagoda), nơi ra vào của những nhân vật có tên tuổi trong làng nghệ thuật, giờ đã không còn, đủ làm gợi nhớ pha chút tiếc nuối.

Nhưng tiếc nuối chỉ là tiếc nuối. Thời đại vẫn theo nhau đi và đến bằng những hình thái khác. Tôi đã tản bộ trên những vỉa hè công viên Thống Nhất, nhìn những người trẻ tuổi hôm nay ngồi bệt xuống hè bên ly cà phê. Những câu chuyện về hội họa, nhiếp ảnh, thú sưu tập xe cổ, máy ảnh… vẫn diễn ra sinh động. Những gương mặt 20 ngời sáng. Tôi  thấy mình tin vào điều này.

Từ đây, những chỗ ngồi tưởng rằng chỉ là “cà phê thư giãn” này, 10 năm, 20 năm nữa rồi sẽ có người trở thành nhà kinh doanh thành đạt, một nghệ sĩ danh tiếng, một họa sĩ tài ba… Công viên nhờ họ mà trở thành một chỗ ngồi, một địa chỉ sớm muộn cũng có tên trên bản đồ ẩm thực của một thành phố vô cùng nhạy cảm với những điều mới mẻ.

Cuối năm, Sài Gòn tản gió, chút se se lạnh gợi nhớ nhiều điều. Tôi lại lững thững ra công viên một mình. Ngồi xuống chiếc ghế thấp, chờ một chiếc lá nhẹ nhàng đáp xuống trên miệng ly cà phê. Bên cạnh tôi là rất nhiều gương mặt trẻ.

Theo báo Phụ Nữ Online

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Tin đã đăng