Nhiều DN trong nước đã xây dựng thương hiệu cà phê khá tốt, nhưng kinh doanh cửa hàng cà phê theo chuỗi có phong cách riêng gắn với thương hiệu cà phê của Việt Nam còn quá ít. Trong khi đó, những chuỗi cửa hàng cà phê nước ngoài đang nổi lên, và mỗi thương hiệu ấy đều nhắm đến phát triển nhượng quyền thương mại.
Nhượng quyền “gu” ngoại
Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Liên Thái Bình Dương là tổng phân phối cho nhiều nhãn hàng hiệu nổi tiếng trong ngành thời trang, mỹ phẩm. Qua những thành công đó, Công ty tiếp tục đầu tư vào lĩnh vực ăn uống với chuỗi nhà hàng vi cá Thai Village của Singapore, chuỗi nhà hàng Kaisa của Nhật và bây giờ tới thương hiệu cà phê Illy của Ý.
Ông Lê Kiên Quang, Giám đốc thương hiệu cà phê Illy cho biết lý do Công ty chọn độc quyền thương hiệu cà phê Illy tại Việt Nam vì đây là mặt hàng đáp ứng được nhu cầu cà phê hạt arabica trung và cao cấp. Từ quy trình sản xuất, bí quyết rang và pha trộn, đến các chiến lược kinh doanh, tiếp thị thương hiệu cà phê Illy thật hoàn chỉnh.
Yếu tố thành công vẫn là chất lượng, thị phần tập trung vào người nước ngoài, nhóm khách hàng người Việt có thu nhập cao. Công ty Liên Thái Bình Dương vừa phân phối cà phê Illy hạt và bột cho các khách sạn, nhà hàng, cửa hàng, trung tâm thương mại, vừa kinh doanh nhượng quyền với thương hiệu cà phê Espressamante Illy, hiện đã mở được 5 điểm ở các bar, nhà hàng.
Gloria Jean’s Coffees là một trong những mô hình kinh doanh nhượng quyền chuỗi cà phê thành công trên thế giới. Sau khi thương hiệu Gloria Jean’s Coffees được Công ty Jireh International (Úc) mua lại của Diedrich Coffee tại Mỹ năm 2005, thương hiệu này xuất hiện nhanh chóng tại nhiều nước khác ở Nam Mỹ, châu Âu, Trung Đông và châu Á. Gloria Jean’s Coffees tại Việt Nam do Công ty cổ phần Phong Cách Sống Việt vừa đầu tư, vừa độc quyền nhượng quyền thứ cấp thương hiệu.
Đến nay, Công ty đã mở ba cửa hàng và nhượng quyền hai cửa hàng. Tuy Gloria Jean’s sử dụng dòng cà phê arabica hảo hạng, nhưng chỉ phục vụ khách uống tại chỗ vì theo bà Trần Khánh Vy, Giám đốc điều hành Công ty, tay nghề của các barista (người pha chế) rất quan trọng đối với chất lượng cà phê.
Một thương hiệu cà phê khác do người Việt xây dựng tại Mỹ rồi lại đưa về TP.HCM mở cửa hàng đầu tiên là Lee’s Coffee. Cà phê Lee’s có hương vị trộn lẫn giữa “gu” cà phê đậm đặc của người Việt Nam với sở thích cà phê khá nhẹ của người Mỹ. Món cà phê sữa đá đông đặc của Lee’s Coffee lạ nhưng dường như chưa đủ thu hút nên chưa có đối tác nhượng quyền thương mại tại Việt Nam. Hiện đã có một số công ty tiếp tục được cấp phép nhượng quyền thương mại vào Việt Nam các chuỗi cửa hàng như The Coffee Bean, Hard Rock Café…
“Gu” nội không nhượng quyền vẫn thành công
Thật ra có công ty trong nước đã từng xây dựng thương hiệu cà phê gắn với nhượng quyền cửa hàng cà phê khá thành công, nhưng đáng tiếc không duy trì tốt và mô hình đến nay vẫn chưa ổn định.
Theo các công ty nhượng quyền những thương hiệu cà phê nước ngoài theo “gu” arabica, cà phê Việt Nam cũng rất ngon, chủ yếu phát triển mạnh dòng robusta, DN Việt Nam có thể làm nên những thương hiệu cà phê robusta nổi tiếng để phát triển nhượng quyền như những thương hiệu nước ngoài đã làm với cà phê arabica.
Những năm gần đây, Công ty cổ phần Việt Thái Quốc Tế (VTI) đã làm nhiều người nhầm tưởng chuỗi quán Highlands Coffee được nhượng quyền từ nước ngoài về khi ông chủ thương hiệu này xây dựng hơn 40 cửa hàng “gu” rất Tây, chọn những vị trí cao ốc sang trọng nhất để bày hàng và đội ngũ phục vụ chuyên nghiệp không thua những nơi nhượng quyền thương hiệu cà phê nước ngoài. So với robusta thì cà phê arabica có mùi vị ngon hơn nhưng là loại khó trồng, sản lượng thấp, chính vì thế, giá luôn cao gấp đôi so với robusta.
Phối trộn giữa arabica và robusta, VTI tạo cho cà phê tính chua thanh của arabica khi kết hợp với chất đậm đà của robusta thành một loại cà phê chất lượng khác biệt, hợp cả “gu” người Việt Nam lẫn người nước ngoài. Từ đó, cộng với một hình ảnh chuỗi quán cà phê đồng nhất, Highlands đã chinh phục được người tiêu dùng. VTI sẽ mở tổng cộng 100 quán Highlands Coffee trên cả nước, đều do Công ty tự doanh, còn có nhượng quyền thương mại hay không, đến giờ chưa nghe nói.
Mô hình kinh doanh hiện đại và sức mạnh thương hiệu quốc tế là lý do mà các công ty phải mua nhượng quyền để có thể chia sẻ một phần thành công của một thương hiệu đã nổi tiếng ở các nước. Từ chuyện của Highlands Coffee, có thể nói thương hiệu chuỗi cửa hàng cà phê trong nước cũng tạo được ấn tượng.
Hai nhóm cửa hàng nhượng quyền “gu” cà phê arabica và tự phát triển “gu” cà phê Việt Nam sẽ song hành, còn ai thắng và mô hình nhượng quyền của các thương hiệu cà phê của Việt Nam sẽ như thế nào trong tương lai phải chờ một ngày được các DN công bố.