Nếu thử làm một so sánh giá cùng kỳ năm trước sẽ thấy rõ giá hiện nay tăng rất mạnh và mức tăng này gần như đang trong vùng quá nóng nên khả năng bị sửa giá cũng rất cao.
Phiên vừa qua, thị trường London tiếp tục diễn một kịch bản giao dịch hết sức nhàm chán, gần như cả phiên chủ yếu là các giao dịch chuyển tháng. Hầu như giá không rời ra khỏi mức chặn 2.228 USD của tháng 5, một khi giá có vẻ thấp hơn thì các lệnh mua lại được khởi động để đẩy giá lên. Tác động từ sàn New York đã ghìm đà tăng trên sàn London, cho dù các đầu cơ vẫn lộ diện đâu đó nhưng cũng không hoạt động tích cực. Giá cà phê nguyên liệu tại thị trường nội địa cũng tăng nhẹ thêm 100 đồng/kg. Nếu thử làm một so sánh giá cùng kỳ năm trước sẽ thấy rõ giá hiện nay tăng rất mạnh và mức tăng này gần như đang trong vùng quá nóng nên khả năng bị sửa giá cũng rất cao.
Điều đáng chú ý nhất là việc thị trường tỏ ra quá quan tâm đến sức khỏe của USD. Và cũng như bao đời nay, kỳ vọng nhiều thì thất vọng cũng lắm, USD đã không tăng mạnh như mong đợi. Đây là lý do chính làm giảm sự quan tâm trên các lệnh mua của New York. Các thương nhân hầu như đã có những cố gắng để khởi động lại đà tăng nhưng gần như chỉ là sự thất vọng.
Cuối phiên giá hồi lại nhưng chính vì vậy lại càng làm cho thị trường khó đoán các bước đi tiếp theo. Nên nhớ rằng trước khi phiên ngày thứ Ba kết thúc, các phân tích kỹ thuật đều đồng ý rằng thị trường New York sắp có biến. Để rồi kết thúc phiên đêm qua chỉ là các nhận xét : các phản ánh kỹ thuật là nghèo nàn.
Nguồn cung từ Brazil đang giảm đi so với tuần trước, Giá trừ lùi cũng co lại một chút nhưng chưa đủ kích thích bán mạnh hơn. Bù vào lượng hụt đi từ Brazil là sức bán từ các nước Trung Mỹ đã làm cho thị trường không nhận thấy sự thiếu hụt có khác biệt. Mức chênh lệch giữa sàn Arabica và Robusta lúc này vẫn trong khung 42 – 48 cents, tức khoảng 31 – 34 %. Mức chênh lệch khá nhỏ này sẽ làm cho các rang xay quan tâm nhiều hơn đến Robusta trong các lệnh mua để sản xuất cà phê hòa tan.
Khung kỹ thuật lúc này như sau : New York vẫn là mục tiêu 153,00 – 160,00 cents. Mức hỗ trợ là 146,00, 144,00, 141,00 và kháng cự ởi 153,00, 155,00 và 157,00 cho kì hạn tháng Ba. Xu hướng tại London vẫn là mục tiêu 2.260 mức hỗ trợ là 2.230, 2.200, và 2.180 cho kì hạn tháng Ba, kháng cự ở 2.270, 2.300, 2.330 cho kì hạn tháng Ba.
Về chất lượng hàng Việt Nam năm nay, do vụ thu hoạch rơi đúng vào mùa mưa bão, cà phê rụng đầy gốc, công thuê hái rất khó khăn. Khi thu hái xong thì không đủ nắng để phơi sấy, ai có lò sấy thì sấy, ai không có đành phó mặc cho trời, dẫn đến kết quả là lượng hạt nâu và đen tăng cao gấp nhiều lần so với các năm trước.
Theo đánh giá của một số nhân viên khảo sát của các công ty kinh doanh, lượng đen và nâu năm nay có thể chiếm đến 15 – 20% trong cà phê nguyên liệu mua từ dân. Nên nhớ, các năm chỉ nằm trong khoảng từ 1 – 3%, Dak Nông các năm trước chỉ khoảng 0,5 – 0,7%,… đây quả là một con số quá ý nghĩa nếu xét về mặt thống kê. Đau đầu nhất có lẽ là các công ty ( cả FDI và xuất khẩu) khi “mua trước” các bạn hàng uy tín đều bị xem xét lại về mặt chất lượng khi lượng đen vỡ ( Black & Brocken) đều vượt hơn mức cho phép là 5% trong khi độ ẩm cũng cao hơn và thường không đều trong một lô hàng. Chính điều này làm cho chi phí của lô hàng cũng tăng lên khi rất nhiều lô cần phải tái chế quanh các nhà máy tại Bình Dương. Các lô hàng chất lượng cao (dùng máy bắn màu) để xuất đi các thị trường khó như Nhật cũng giảm mạnh nếu so với cùng kỳ năm trước. Lượng hàng xuất lô lớn đi các cảng châu Âu cũng chưa được ghi nhận.
Quan điểm của người viết cho mở cửa phiên chiều nay là khó đoán, cần phải theo dõi chặt chẽ khi thị trường mở cửa để rõ hơn về chiều hướng .
Phạm Vỹ (giacaphe.com)
Giá cả hình như có thế lực nào đấy định đoạt, cung – cầu có ảnh hưởng mà thôi. Và như vậy có tính đằng trời nhà nông vẫn thiệt!
đúng vậy Pham Tuyen ah… mình theo dõi trang này rất lâu và thấy rằng tất cả những bài viết chia sẻ cũng bị chi phối bởi thế lực nào đó như bạn đoán, và chính xác hơn là bởi đầu cơ chứ ko phải bởi thị trường, bởi cung cầu, bởi thời tiết , thị trường… hay bất cứ điều mà. Có làm gì rồi người nông dân vẫn bị thiệt nhiều nhất thôi…
Là những người quản trị website này, chúng tôi không buồn về nhận xét của Bạn, vì bị cho rằng những bài viết chia sẻ bị (ai đó) chi phối, nhưng rất buồn vì bạn nói “mình là người đã theo dõi trang này rất lâu”.
Tất cả chúng ta nông dân và những thương nhân họ không quyết định được thị trường mà quyền quyết định nằm trong tay các nhà đầu cơ. Nếu họ gom được nhiều hàng trong tay họ sẽ đẩy giá lên cao nên các nhà đầu cơ không gom được nhiều hàng thì giá sẽ không bùng nổ được.
Tại sao năm nay lại có mức trừ lùi cao đến vậy Có ai giải thích được không ?
Chào @Dương – Câu hỏi của bạn mình sẽ giải thích theo cách hiểu của mình như thế này :
Cà phê nhân là sản phẩm đầu ra của người nông dân nhưng lại là nguyên liệu cho nhà rang xay. Để mua cà phê của Việt Nam các nhà rang xay sẽ tính giá thành sản xuất của một đơn vị cà phê ở từng vùng, miền. Khi có giá của các vùng miền thì họ lấy giá trung bình làm cơ sở để mua bán.
Tuy nhiên trên thị trường giao dịch giá cà phê luôn thay đổi vì nhiều nguyên nhân. Trong khi đó các nhà rang xay phải duy trì giá bán sản phẩm của họ ổn định trong thời gian dài. Vậy khi giá cà phê trên sàn giao dịch tăng thì lợi nhuận của nhà rang xay sẽ giảm vì tăng chi phí đầu vào, trong khi đó lợi nhuận của nông dân được tăng lên. Khi mà giá trên sàn giảm thì lợi nhuận nhà rang xay lại tăng đồng nghĩa với lợi nhuận của nông dân giảm. Để giảm bớt thiệt thòi cho cả bên mua lẫn bên bán khi thị trường biến động giá, giới mua bán áp dụng biện pháp đưa ra mức cộng tới và trừ lùi. Mức cộng hay trừ sẽ được hai bên xuất nhập khẩu thỏa thuận theo tình hình thực tế của thị trường. Điều kiện để cộng tới xảy ra trong các trường hợp như:
Cà phê có chất lượng cao hơn !
Người mua cần và sẵn sàng trả giá cao hơn để có hàng !
Giá thị trường giao dịch thấp hơn giá thành sản xuất !
Điều kiện giá trừ lùi xảy ra trong các trường hợp như:
Cà phê có chất lượng thấp ! (chẳng hạn như cà bị đen nhiều vì mưa không phơi được)
Giá giao dịch trên sàn tăng mạnh, chênh lệch nhiều với giá thành sản xuất !
Khi trên sàn cà phê tăng lên một mức nào đó thì mức trừ lùi sẽ được tăng tương ứng từng bậc. Có hôm giá trên sàn tăng 10 usd/tấn giá nội địa tăng 200 đồng/kg nhưng hôm sau giá sàn tăng trên 60 usd/tấn thì giá nội địa tăng có 1000 đồng/kg, trường hợp này là trừ lùi đã tăng lên mức mới !
Cũng có khi giá sàn tăng nhẹ mà giá nội địa đứng hoặc giảm, lúc này nguyên nhân có thể do tỷ giá tiền tệ hạ hoặc nhu cầu bán ra mạnh hay chiều hướng giá phiên giao dịch tiếp theo sẽ giảm và đôi lúc người bán bị ép giá vì bán vào ngày nghỉ lễ, Tết !
Ngành cà phê từ nông dân tới nhà rang xay còn phải qua nhiều bước trung gian tạo nên một liên kết. Khi giá giao dịch tăng thì mức tăng này không dành cả cho người nông dân ! Tuy nhiên vì người nông dân phải bỏ ra số vốn lớn ban đầu với thời gian dài nên họ được hưởng phần nhiều trong mức giá tăng đó !
Tóm lại hiện tượng trừ lùi hay cộng tới chỉ là hình thức chia sẻ lợi nhuận giữa bên sản xuất và bên tiêu thụ cà phê !
Trên đây là mấy ý kiến với sự hiểu biết của cá nhân ! Có gì thiếu sót hay chưa đúng mong các bác góp ý kiến !
đúng là có đầu cơ đề trục lợi NHƯNG LÀ AI