Từ đầu năm 2009 trở lại đây, trong khi các loại nông sản khác đang “rớt” giá thì giá ca cao hạt lại tăng liên tục, có lúc lên đến 60.000 đồng/kg.
Hiện nay, tại Đắk Lắk, các doanh nghiệp đang thu mua với mức giá trên 57.700 đồng/kg, nhưng không có ca cao nguyên liệu để thu mua.
Tuy giá ca cao tăng cao, ổn định, chi phí đầu tư thấp, không yêu cầu lao động tập trung thời vụ thu hoạch, người trồng ca cao lãi nhiều nhưng đông đảo bà con các dân tộc ở tỉnh Đắk Lắk vẫn chưa phát triển cây ca cao.
Hiện nay, cả tỉnh Đắk Lắk chỉ mới có gần 1.500ha ca cao và được trồng dưới hai dạng trồng thuần, trồng xen dưới tán cây điều, trong đó có 320ha đã cho thu hoạch.
Một trong những nguyên nhân chính chậm tăng diện tích cây ca cao ở tỉnh Đắk Lắk là do đồng bào các dân tộc quá thân thuộc với cây càphê (từ khâu trồng chăm sóc đến thu hoạch, chế biến…), xem cây càphê như cây làm giàu ở địa phương.
Mặt khác, do công tác khuyến nông đối với cây ca cao còn nhiều hạn chế nên đồng bào các dân tộc chưa am hiểu nhiều về các quy trình kỹ thuật trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, thu hoạch, chế biến, lên men đối với hạt ca cao…
Theo kế hoạch, từ nay đến cuối năm 2010, tỉnh Đắk Lắk đưa diện tích ca cao tăng lên 6.000ha và trở thành một trong những địa phương có diện tích ca cao lớn trong nước.
Theo VietNam+