Giá kỳ hạn trong tuần
Sàn kỳ hạn | Tuần/Tuần | +/- |
London1* | 2032-2064 | +32 |
NewYork3* | 155.40-145.80 | -9.60 |
*cơ sở giao dịch tháng 1-2017 và 3-2017
Tháng 11-2016 đã hết. Tính cả tháng, các sàn kỳ hạn cà phê trong đó có cả sàn BM&F (Brazil) giảm giá mạnh nhất, sàn arabica New York giảm 10,1%, robusta London mất 8% và arabica BM&F giảm 11,9%. Tuy nhiên, tính cả 11 tháng đầu năm 2016, giá cà phê còn tăng tốt: New York tăng 16,4%, London tăng 37,5% và BM&F tăng 15,9%.
Giá dầu thô lên, giá cà phê xuống
Từ năm 2008 đến nay, các nước xuất khẩu dầu thô OPEC mới có một thoả thuận hạn chế khai thác. Theo đó, học cam kết giảm 1,2 thùng dầu mỗi ngày. Giá dầu thô trong hai ngày thứ Tư và Năm 30-11 và 1-12 tăng mạnh, lên quá mức 50 USD/thùng. Người ta kỳ vọng giá dầu thô tăng sẽ nâng mặt bằng giá hàng hoá nhưng không ngờ giá hàng hoá nông sản phản ứng ngược lại, không được như kỳ vọng của nông dân.
Đồng BRL mất giá: Quá hại!
Trong tuần, do đồng BRL giảm so vớt USD, có khi 1 USD ăn 3,47 BRL, kích Brazil bán mạnh. Trong khi đó, các hãng rang xay chỉ mua đủ cho lượng thiếu tại thời điểm hiện nay và cần ngay. Các nước Trung Mỹ không tham gia nhiều do Brazil bán quá mạnh, họ đợi thời cơ khác khi Brazil hạ cơn.
Hơn nữa, một “bản đồng ca” bán ra từ nhiều nước sản xuất cũng xuất hiện. Nếu như trước đây Brazil không bán mạnh, có lẽ không do chờ giá kỳ hạn mà chính do yếu tố đồng Reais Brazil BRL mạnh lên, có lúc xấp xỉ 1 USD ăn 3 BRL, nay 1 USD ăn 3,47 BRL. Đồng VND cũng mất giá 1 USD trước 22300 VND thì nay 22700 VND. Dù giá rên sàn kỳ hạn rớt, giá nội địa tại các nước sản xuất vẫn có thể “chấp nhận được” là do yếu tố này. Nhà vườn bán ra chỉ dựa trên tiền BRL và VND, miễn là có hơn trước, họ vẫn dễ dàng chấp nhận. Nhưng…đó lại là sức ép lên trên sàn và sức ép lên tâm lý người mua. Vì người bán bao giờ cũng nói thiếu hàng, mất mùa nhưng người mua bao giờ cũng cho nhiều hàng, được mùa!
Giá robusta nội địa Brazil hạ nhiệt
Vậy mà vừa qua, chính phủ Brazil đã không chấp nhận cho tái nhập robusta về lại Brazil nên mua loại cà phê này trong nước rất khó và giá cao. Có khi các nhà rang xay phải mua đến 550 BRL/bao, ngang bằng giá arabica chất lượng thấp để chế biến cà phê hoà tan.
Các hãng rang xay còn dùng arabica cấp thấp để thay cho robusta được, nhưng chế biến cà phê hoà tan là rất khó vì máy móc theo công thức soạn sẵn trên máy tính đâu đó cả rồi, thay không phải dễ. Chính vì vậy, các nhà cung cấp cà phê hoà tan phải giảm bán xuất khẩu thành phẩm loại này. Hiện nay giá robusta trong nước đã dịu bớt nhiều, Ferreira, giám đốc kinh doanh của Tristao cho biết. Giá nội địa hiện nay của robusta Brazil chừng 470 BRL nhưng giá xuất khẩu chỉ chừng 420-430 BRL.
Ước báo sản lượng cà phê thế giới: được arabica mất robusta
Mấy bữa nay, thị trường đã có nhiều ước báo về sản lượng. Những con số trước đây của nhiều nước sản xuất đưa ra đều nhỏ hơn nhiều, như tại Brazil chỉ quanh mức 43-46 triệu bao.
Con số mới nhất của bộ nông nghiệp Mỹ USDA là 56,1 triệu bao. Hãng phân tích có trụ sở tại Brazil là Safras&Mercado đánh giá sản lượng niên vụ mới của Brazil cũng “hòm hòm” con số của USDA với 54,9 triệu. Thị trường kỳ hạn đi xuống hiện nay phản ánh con số này và đã bỏ quên con số của các nước sản xuất vào quên lãng. Phải tinh tế để thấy rằng thị trường dựa vào con số nào để làm giá cho những tháng tới.
Trong khi đó Marex Spectron cho rằng nguồn cung cà phê thế giới trong niên vụ 2016/17 có thừa đôi chút so với năm ngoái 2015/16 thiếu đến 2 triệu bao. Theo hãng môi giới này, arabica dư 5,8 triệu bao thì robusta thiếu 5,6 triệu bao.
Hãng thống kê Fitch mới đây ước sản lượng robusta Việt Nam niên vụ 2016/17 giảm 5%, còn chừng 26,88 triệu bao đã phần nào khẳng định năm nay mất mùa. Nhưng có phải vì thế mà giúp giá tăng mạnh lại?
Vào tháng 8-2016, hãng này đã ước niên vụ 2016/16 thế giới thiếu 1 triệu bao cà phê. Nhưng nay, do chính phủ Brazil bán tồn kho chiến lược ra nhiều, bù cho số thiếu đã nói.
Sản lượng robusta của Brazil đều được nhiều người đánh giá là mất mùa nặng. Tuy nhiên, quyết định của chính phủ Brazil không cho tái nhập khẩu robusta của nước mình bán cho các nhà kinh doanh để đầu cơ trên sàn chứng tỏ rằng Brazil không thiếu cà phê đến nỗi phải tái nhập lượng họ đã xuất đi.
Lượng dư mua hàng giấy phá thị trường
Mặt khác, các quỹ đầu cơ mua khống hàng giấy nhiều đã giúp giá kỳ hạn tăng mạnh trước đây vì cho rằng cung hụt, họ nhưng nay khi thấy chuyện cũ “nói vậy mà không phải vậy”, các quỹ này bán thanh lý lượng dư mua ấy…đã làm cho giá kỳ hạn cà phê trên hai sàn xuống nhanh chóng.
Do ảnh hưởng thời tiết, thu hoạch cà phê năm nay của Việt Nam trễ. Đến thời điểm này ước chừng 50% đã thu hái xong. Chỉ riêng áp lực bán và chốt giá dù ít dù nhiều cũng tác động lên tâm lý người mua.
Tuy nhiên, nói Việt Nam được mùa so với năm ngoái là không đúng. Niên vụ trước Việt Nam xuất khẩu mạnh, lên đến 1,75 triệu tấn. Đó là do niên vụ 2014/15 nhiều người nghe nhau trữ hàng không bán không chốt giá, và đó cũng là năm xuất khẩu ít (trên 1,2 triệu tấn) để lại một lượng lớn bán ra vào năm ngoái.
Vài nét kỹ thuật
Sau cơn mưa mạnh và nhanh, trời sáng tỏ nhanh, vì ta từng chứng kiến vừa qua trên các sàn cà phê “bạo phát bạo tàn”. Những đánh giá sản lượng của giới cung cấp tín dụng và tham gia thị trường đang không thuận mấy cho giá cà phê dù các nước sản xuất đang báo rằng cà phê mất mùa khủng khiếp. Không biết đô chính xác bao nhiêu, có người báo vùng của họ mất 50% còn như Vicofa nói mùa này 2016/17 Việt Nam mất từ 20-30%. Nhưng càng thuyết phục thị trường tin mất mùa, giá cứ giảm.
Hai sàn cà phê arabica New York và robusta London tuần qua vào chốn nguy. Cuối tuần sàn London cố thoát. Trên biểu đồ,New York vẫn còn tiêu cực và các chắn dưới đang đợi là 142.20 và 141.10. Sàn này phải vượt qua mức chắn 154.05 cts/lb mới nói chuyện khác đi. Trong khi đó, sàn London dự kiến mở cửa tuần sau giảm. Sức bán ra cuối tuần của các nước sản xuất sẽ qui định giá London tuần sau.
Nguyễn Quang Bình