Bảng giá cà phê nội địa và các sàn kỳ hạn trong tuần
Ngày | Giá nội địa | R11 Ice Ldn* | A12 Ice N.Y* |
16-9 | 40.300> | 1937 | 148.40 |
19-9 | 40.300< | 1960 | 152.80 |
20-9 | 41.000< | 1955 | 156.80 |
21-9 | 41.000< | 1986 | 156.55 |
22-9 | 41.000> | 2002 | 155.25 |
23-9 | 41.500> | 1966 | 151.40 |
Cuối tuần | 41.100< | +29 | +3.00 |
*Giá tháng 11 trên London và 12 trên New York
Giá hai sàn kỳ hạn đã dừng chuỗi tăng vào ngày cuối tuần. Giá arabica New York khi giao dịch chạm 160.90 cts/lb vào ngày 22-9 đã quay về lại đóng cửa mức thấp 155.25 cts/lb để rồi ngày cuối tuần giảm chỉ còn 151.40.
Cũng vậy giá kỳ hạn robusta London sau khi chạm mức cao 2028 USD/tấn đã bị giá New York kéo xuống chung xuồng.
Tuy nhiên so với tuần trước, cả 2 sàn đều tăng cao hơn. Giá New York tỏ ra yếu nhưng London vẫn chưa đến nỗi.
Giá cà phê nguyên liệu tuần này có lúc đạt mức cao nhất tính từ đầu niên vụ đến nay. Nhiều nơi tại các tỉnh Tây nguyên, vùng cà phê trọng điểm của Việt Nam, giá chạm mức 41,5 triệu đồng/tấn, cao hơn mức tuần trước 1,2 triệu đồng/tấn.
“Càng về cuối niên vụ, giá càng cao. Giá tăng nhưng hàng thực bán trao tay không nhiều do rơi đúng ngay thời kỳ giáp hạt, vì chỉ còn đúng một tuần nữa là sang niên vụ mới 2016/17, “ một đại lý thu mua tại thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai cho biết.
Tuy nhiên, một số người bán hàng giao kho trước đây theo các hợp đồng “trừ lùi” chưa có giá cuối cùng, nay lòng vui như ngày hội. Một số phấn khởi cho biết nhờ kiên trì chờ, họ đã chốt được mức cao từ 1980-1990 đô la Mỹ/tấn.
Giá kỳ hạn cà phê vối London, nơi giới kinh doanh cà phê Việt Nam thường dùng làm giá tham chiếu, đóng cửa đạt đỉnh cao mới của niên vụ hiện nay vào ngày 22-9 với mức 2002 đô la/tấn.
“Giá cà phê tăng đợt này nói lên rằng nhu cầu mua hàng sắp tới của các hãng rang xay có khả năng tăng đều trong dịp hàng vụ mới Việt Nam ra thị trường vào cuối năm nay,” một chuyên gia ngành hàng nhận định.
Đúng vậy, chỉ còn đúng một tuần nữa cà phê Việt Nam vào vụ 2016/17. Mấy năm gần đây, tình trạng đua nhau bán gây sức ép giá giảm đầu vụ ít thấy đi nhiều. “Thời gian qua, nhờ lượng cà phê Việt Nam xuất khẩu rất mạnh, trong 11 tháng đầu niên vụ xuất khẩu tăng trên 30% về lượng, nhưng do biết điều độ lượng xuất khẩu hàng tháng tuy chưa được tổ chức một cách tự giác, giá càng lúc càng tăng một cách bền vững, không bị bất cứ sức ép nào từ việc tranh mua tranh bán trên thị trường,” lãnh đạo một công ty xuất khẩu cà phê tại TPHCM nói.
“Dù xuất khẩu với lượng nhiều, nếu biết điều tiết lượng bán ra, giá vẫn đứng vững và có thể tăng thêm khi vào vụ. Tuy thế, cũng cần lưu ý rằng niên vụ mới tình hình vẫn khá rủi ro khi lực lượng đẩu cơ “hàng giấy” trên sàn kỳ hạn đang găm giữ một lượng hợp đồng mua khống rất lớn, tính đến nay lượng này cũng dễ đến 400.000 tấn, là một khối lượng mua khống rất lớn có thể cuốn phăng những gì giá cà phê trên sàn kỳ hạn đã đạt được từ đầu năm đến nay,” vị chuyên gia lưu ý.
Cà phê là một mặt hàng được giao dịch trên các sàn hàng hóa thương phẩm. Giá cả của sàn kỳ hạn có nhiều quan hệ đan xen giữa thương phẩm cà phê và thị trường tài chính hết sức phức tạp. Thị trường mua bán xuất khẩu hàng thực đôi khi phải chịu thua, chấp nhận giá thấp dù mất mùa một khi lực lượng kinh doanh “hàng giấy” quyết bán thanh lý kiếm lời mà không cần để ý đến cung cầu thực tế của hàng hóa ấy.
Dù vậy, nếu từ nay đến cuối vụ chấm dứt vào ngày 30-9 có những đợt tăng mạnh trên sàn kỳ hạn cà phê, đó sẽ là cơ hội tốt để bán cho hàng tồn kho vụ cũ và một phần của vụ mới.
Phạm Kỳ Anh