Người Huế trên Tây Nguyên

Ðường từ thị trấn huyện Krông Năng – Ðác Lắc về xã Tam Giang được rải thảm nhựa, xe chạy rất êm. Hai bên đường, những lô cà-phê, cao-su nối nhau xanh tốt mượt mà, trên cành chùm quả chín mọng, đỏ thẫm. Thấp thoáng giữa các lô cà-phê là những cánh mũ tai bèo, mũ mềm và nón trắng…

Vào lúc cà-phê đang vụ thu hoạch, mới hơn 8 giờ sáng mà đường sá đã vắng người qua lại. Xe xuống một con dốc thoai thoải, rừng cà-phê đột ngột dừng lại và trước mắt tôi dòng suối nhỏ hiền hòa lách mình qua các tảng đá chảy xuôi về hướng đông, hai bên bờ suối những thửa ruộng lúa nước đã thu hoạch, giờ lúa non mọc lên từ gốc xanh um. Thiên nhiên khéo sắp xếp, đã cho vùng này không những đất đồi màu mỡ mà còn có cánh đồng lúa nước phì nhiêu, một năm ba vụ đủ cung cấp lương thực cho cả vùng. Con suối cuối mùa mưa nhìn thật bình yên, nó chính là ranh giới của xã Tam Giang với xã bạn.

Lên triền dốc bên địa phận xã Tam Giang cũng chỉ một mầu xanh bạt ngàn của cà-phê, xa xa nổi bật lên nền trời những cây cau nghiêng bóng soi xuống những ngôi nhà làm theo kiểu cổ, lợp ngói, họa hoằn mới có nhà lợp tôn. Tôi ngạc nhiên nói với anh Trần Văn Hội – nguyên là một cựu sinh viên Huế được điều động cùng nhân dân vào đây xây dựng khu kinh tế mới, trước công tác tại Ðài Truyền thanh – Truyền hình Krông Buk, nay đã về hưu:

– Sao ở đây bà con lại chủ yếu làm nhà theo kiểu cổ như vậy anh nhỉ?

– Ðây là kiểu nhà của người dân xứ Huế đấy!

Nhìn hàng cau, giàn trầu, mái nhà, các khu vườn và cả những hàng rào trồng bằng cây bông bụt được cắt tỉa khá công phu bao quanh các ngôi nhà, ngỡ như lạc vào một làng người Huế ở cố đô. Dù bà con vùng phá Tam Giang di cư vào Ðác Lắc cách xa quê cũ hơn 700 km nhưng vẫn mang phong cách quê nhà vào vùng quê mới. Bản sắc xứ Huế còn được tô đậm thêm trên các ngôi đền được xây dựng nhỏ và đẹp ở tất cả các thôn. Bà con bảo: “Các ngôi đền là nơi người dân địa phương thắp hương vào các ngày lễ Tết, mồng một hay ngày rằm hằng tháng để tưởng niệm các anh hùng, liệt sĩ và cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn Thanh niên xung phong vào đây chuẩn bị cơ sở vật chất đón nhân dân đi xây dựng kinh tế mới, đã ngã xuống và nằm lại trên mảnh đất này. Ðây là việc thuộc về tâm linh, một nghĩa cử chứ không phải mê tín dị đoan”. Tôi thấy ấm lòng, vì qua những đền thờ như thế, lớp người đi trước đã giáo dục cho thế hệ đi sau những bài học quý giá từ lịch sử, về sự tôn kính những người có công với dân, với nước.

Tam Giang có được như hôm nay là công lao lớn của một người đi đầu trong công cuộc chinh phục rừng thiêng và trở thành huyền thoại sống tại đây – ông Lê Doãn Lưới, quê ở xã Sơn Thủy, huyện Lệ Thủy, Quảng Bình. Ông nguyên là sĩ quan quân đội, sau chiến tranh, ông về Tỉnh đội Bình Trị Thiên. Năm 1978, với cương vị là Trung đoàn trưởng Trung đoàn Thanh niên xung phong Bình Trị Thiên, ông dẫn đầu đoàn quân vào khai phá vùng đất này.

Ngay lần đầu phát cây, chăng bạt nghỉ qua đêm sau ba ngày hành quân vất vả, trung đoàn ông đã bị Phun-rô tập kích. Khí hậu khắc nghiệt, bệnh tật nhiều, đời sống vật chất thiếu thốn, lại cộng thêm bị Phun-rô quấy phá thường xuyên đã gây không ít khó khăn cho đơn vị. Với bản lĩnh của người đã từng chỉ huy bộ đội trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, ông động viên anh em yên tâm công tác, khắc phục khó khăn và trực tiếp chỉ huy truy quét Phun-rô, đánh bật chúng khỏi địa bàn, bảo đảm an ninh khu vực. Ðể khắc phục khó khăn về lương thực, ông phát động các đơn vị lấy ngắn nuôi dài, trồng khoai lang, khoai mì ngay trên vùng đất mới khai phá được, bên các bờ suối thì trồng rau xanh để tự túc thực phẩm.

Năm 1982, Trung đoàn TNXP của ông không những đẩy lùi bọn Phun-rô vào rừng sâu mà còn khai hoang được 600 ha đất, về quê đón 1.200 khẩu vào định canh, định cư, nhưng khi xe vào đến nơi thì chỉ còn chưa đến 900 người, vì có người không muốn đi tiếp. Ðã bao đêm ông phải thức trắng đi vận động từng gia đình cố gắng khắc phục khó khăn ở lại, còn ban ngày ông lại cùng đơn vị trực tiếp tham gia sản xuất, phát cây, cuốc đất. Ngày ấy làm gì có máy móc như bây giờ, tất cả đều làm thủ công, lấy sức người là chính. Ðất không phụ công người trả ơn, củ khoai, củ mì thay cơm chờ đón vụ lúa bội thu năng suất cao chưa từng thấy như ở quê, làm mát lòng người còn bám trụ. Qua thời gian khó, đất ngày một thuần thục, năng suất cây trồng ngày một cao. Bà con không chỉ trồng lúa, ngô, khoai mì, đậu,… mà dần dần tiến tới trồng cây cao-su, cà-phê có giá trị kinh tế cao hơn. Nhiều người trước đây bỏ đi nay lại tìm về.

Người ngoài quê thấy cuộc sống người đi kinh tế mới sung túc cũng tự động xin vào… Thế là đất tốt gọi người, quê mới của những người con Bình Trị Thiên định hình trên cao nguyên. Ông Trung đoàn trưởng ngày nào nay đã ở tuổi “thất thập cổ lai hy” nhưng nhìn vóc dáng vẫn còn tráng kiện lắm. Ông kể: Trong những ngày gian khó đó tôi đến từng nhà nói với mọi người: “Ðất ở đây tốt lắm, chỉ chưa có bàn tay của con người thôi, nhìn lá rau, cọng hành trồng xuống sau vài ngày là thấy thế nào rồi. Chúng ta tin Ðảng, đi theo Ðảng. Buổi đầu bao giờ chẳng khó khăn, nhưng ở lại thêm một thời gian nữa, nhất định mọi thứ sẽ khác”. Nhờ người dân tin vào Ðảng, tin vào người lãnh đạo của họ, nên những người dân ở lại, kinh tế ngày một nâng cao. Bước vào thời kỳ đổi mới, nhân dân phát huy hết khả năng của mình, đã hết đói và từng bước làm giàu.

Ông không chỉ nói mà còn làm, ông đã đến đây, ở lại đây và đưa vợ con vào định cư ở vùng đất mới. Năm người con của ông nay đều đã trưởng thành, người là kỹ sư, bác sĩ, giám đốc… Căn nhà ông ở tiếp chúng tôi được xây dựng vững chắc, có năm phòng rộng rãi, nội thất bài trí khá đẹp mắt. Bên trái nhà có dãy nhà kho đựng cà-phê và chiếc xe hơi đời mới các con ông mới mua để ông tiện đi lại. Tất cả những điều đó đã minh chứng cho cuộc sống tốt đẹp của người dân trên vùng đất mới. Chia tay ông cựu Trung đoàn trưởng TNXP, tôi đến thăm đồng chí đảng viên cao tuổi nhất của xã Tam Giang – ông Trần Ðình Hứa. Tuy đã ngoài tám mươi, nhưng ông còn khá minh mẫn, nói chuyện rất vui.

Người lính già đi suốt qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp rồi chống Mỹ, khi nước nhà thống nhất, ông vui vẻ chấp nhận sự phân công của tổ chức, đưa nhân dân đi xây dựng kinh tế mới đợt đầu. Ông kể vào những ngày đầu gian khó ấy, trời chưa mưa, lũ đã xối xả ập về, người đi làm không nhanh có thể bị cuốn trôi. Ðến mùa khô thì suốt mấy tháng trời nắng chang chang, không một giọt mưa. Lúc bấy giờ, quan trọng nhất là giải quyết cái đói, muốn dân yên lòng ở lại phải có cái ăn.

Trăn trở phải có lúa mới sinh sống lâu dài, ông tổ chức một tiểu đội đi tìm đất trồng lúa. Ngày đó rừng già còn bạt ngàn, phải bám cây, lội suối, vượt thác mà đi. Ông tìm ra những đám sình rộng ven suối để khai hoang trồng lúa nước. Những đám sình lau sậy cao lút đầu người, khi được vỡ ra để trồng, lúa tốt nhanh hơn cả mong đợi và cái mầu xanh tươi ấy càng kích thích con người hăng say khai phá. Có cái ăn rồi, lại nảy sinh mặc cảm ở một số gia đình có người thân làm việc cho chế độ cũ, ông lại họp dân, lại đến từng nhà nói để vận động bà con xóa đi mặc cảm. Khi người dân đã yên lòng ở lại, một số địa phương khác dân bắt đầu tìm đến, trên cương vị Chủ tịch UBND xã, ông động viên và giúp đỡ mọi người định cư. Ông cười rất vui, nụ cười của người cộng sản trung kiên, sống vì nước, vì dân. Hơn 60 tuổi đảng, 80 tuổi đời, đảng viên Trần Ðình Hứa vẫn là chỗ dựa tinh thần cho các thế hệ hôm nay tiếp bước trên con đường xây dựng quê hương mới.

Về xã Tam Giang đợt này, tôi cảm nhận được một không khí ngày hội, ngày Tết đang đến gần. Trên vùng đất Tây Nguyên hùng vĩ, người dân Bình Trị Thiên khi xưa và nay là người xứ Huế đã có cuộc sống ổn định, kinh tế ngày một phát triển.

Sau 30 năm thành lập, Ðảng, chính quyền và nhân dân xã Tam Giang tự hào đã xây dựng được một khối đoàn kết vững mạnh. Toàn xã Tam Giang hiện có 1.218 hộ, 5.851 khẩu, diện tích đất tự nhiên là 3.416 ha. Thu nhập bình quân, năm sau luôn tăng hơn năm trước, đời sống kinh tế ổn định nên các phong trào khác cũng phát triển. Hiện tại xã có bốn trường học đều được kiên cố hóa, trạm y tế xã đạt chuẩn quốc gia, điện đến tất cả các gia đình từ lâu rồi. Giao thông thuận tiện, một số hộ đã thành lập doanh nghiệp, từ Tam Giang đã vươn xa đến tận các tỉnh bạn và TP Hồ Chí Minh.

Cuộc sống người dân đã ấm no, hạnh phúc, nhiều nhà đã trở nên giàu có từ chính bàn tay của mình, từ truyền thống cần cù của người xứ Huế. Buổi trưa, ông Trần Thành Nam mời tôi về nhà. Vợ ông mời mọi người dùng bữa cơm “thường” với các món ăn Huế:

– Mấy khi các anh đến chơi, mời các anh dùng bữa với gia đình. Hôm nay chỉ có món cá chình om chuối và cá đối kho tộ, hai loại đặc sản của vùng phá Tam Giang.

Tôi ngạc nhiên hỏi lại:

– Chị nói sao, hai loại cá này mang tận quê vào đây?

– Dạ!

Tiếng bà chủ trả lời:

– Ngày xưa các chị đi từ quê vào đây hết trọn ba ngày, nay thì sáng còn ở đây, chiều đã có mặt tại quê rồi. Mỗi ngày có hai chuyến xe khách từ quê vô, hai chuyến từ đây về, xe chạy một ngày là đến nơi. Mọi thứ có ở quê, ở đây nay cũng có rồi, các anh xem cá phá Tam Giang có khác với cá Ðác Lắc không!

Bà là một trong số những người đầu tiên vào đây khai phá vùng đất mới và đã tìm được tình yêu, hạnh phúc gia đình ngay chính mảnh đất tưởng như khô cằn này. Ðể rồi, từ tình yêu đất đến yêu người, yêu quê mới, họ đã xây dựng được một cơ ngơi khá bề thế, con cái học hành tử tế. Những người con xứ Huế đến đây lập nghiệp đã đoàn kết bên nhau để xây dựng một cuộc sống mới trên quê hương mới.

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Tin đã đăng