Chẳng lẽ đây không phải là năm của ngành nông nghiệp? Nếu như dựa vào kết quả của ngành trong 6 tháng đầu năm nay, quả thật là năm ngành này gặp đại hạn.
Nông nghiệp tăng trưởng âm. Đó là đánh giá ngắn gọn và rõ ràng của lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn tại hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ công tác 6 tháng cuối năm 2016.
Đấy cũng là lần đầu tiên ngành nông nghiệp không tạo được tăng trưởng trong 6 tháng do GDP nông, lâm nghiệp và thủy sản 6 tháng đầu năm của cả nước giảm 0,18%.
Hình như cái hăm hở của các đại gia vốn lớn đã từng tuyên bố cùng tham gia sống chết với ngành nông nghiệp, rồi mức độ quan tâm của người trong ngành đối với các hiệp định thương mại tự do (FTA) không còn hào hứng như trước. Không biết họ có đang âm thầm tìm một hướng khai mở mới cho nông nghiệp và nông sản? Nhưng chắc là nhuệ khí của nông dân, giới kinh doanh và toàn ngành vẫn chưa hụt hơi.
Tuy nhiên, để tìm cách vượt qua những thách thức và khó khăn trước đây và nay mai, người trong ngành như còn lúng túng, vẫn chịu sức nặng tâm lý của một người thi đấu thể thao phải giữ cho được chức vô địch mà trước đây nhiều lần nhận cúp vàng.
Khi nông nghiệp gặp khó
Có thể nói rằng cái “cục xương” khó nhai nhất của ngành nông nghiệp là tiêu thụ nông sản, là thị trường. Nhưng quan niệm thị trường của nhiều chuyên gia và các cấp tham mưu không phải ai cũng giống nhau.
Trong chuyến thăm Viện Lúa đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) ngày 13-6, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: “Tinh thần là cải cách ngành lúa gạo, hướng vào sản xuất hàng hóa, nâng cao năng suất, hiệu quả, thu nhập cho người nông dân”.
Sản xuất hàng hóa đi song song với thị trường hàng hóa. Trên thị trường này, cái quyết định nhất là sản phẩm phải có chất lượng đồng đều, khối lượng bán ra bảo đảm liên tục, giá cạnh tranh. Người bán hàng trên thị trường hàng hóa nhất thiết không thể cư xử với người mua như một người bán hàng đặc sản, lúc nói có hàng, lúc lại dọa hết hàng không cung cấp.
Việt Nam từng mất thị phần gạo vào tay của các nước khác như Ấn Độ và Myanmar, hay mới đây gạo Campuchia nổi lên như một nguồn hàng thay thế cho gạo Việt Nam do bán giá rẻ hơn và thị trường tin đó là những nguồn cung cấp ổn định.
Ở đây nếu nói ta mất thị trường gạo là do chất lượng kém thì rõ ràng chưa nắm hết cách chơi của thị trường hàng hóa. Nếu một doanh nghiệp nào có một thứ gạo đặc biệt bán cao gấp chục lần giá bán buôn gạo hàng hóa, đó chỉ là gạo phục vụ cho một thị trường đặc thù.
Trường hợp này, người bán phải chấp nhận lượng bán nhỏ và nhu cầu mua hàng rất thất thường. Đem giá cao ngút trời của thứ gạo đặc sản này ra để so sánh và tranh tài hơn thua với giá bán buôn trên thị trường hàng hóa, vội vàng cho đó là cách làm hiệu quả, cấp bằng khen hay gắn huân huy chương cho nhà kinh doanh đại tài này rõ là chưa nắm hết cách chơi của thị trường hàng hóa.
Đó là hiểu lầm lớn nhất mà rất nhiều người khi tham gia các hội nghị thường hay “khóc mướn” cho nông dân. Nông sản hàng hóa làm ra, bán được giá cao càng tốt, nguyện vọng đó là chính đáng. Nhưng chỉ vì yếu tố giá để khuyên bà con nông dân giữ lại hàng chờ giá, thách thức nguồn hàng với người mua thì trong một chừng mực nào đó, thị trường hiểu đấy là một hình thức đầu cơ giá không hơn không kém.
Như trong thị trường cà phê, đã nhiều mùa qua nhiều người từng kêu gọi nông dân trữ lại hàng chờ giá, nhưng sau đó đều bị thị trường “hóa giải” và không ít doanh nghiệp thua lỗ trầm trọng.
Người tham gia thị trường hàng hóa thường có những công cụ kinh doanh khác như tham gia thị trường tài chính phái sinh, dùng thị trường kỳ hạn và quyền chọn để bảo vệ và tối ưu hóa các thương vụ của mình.
Nhìn từ phía này, nông sản Việt Nam chỉ mới đi quanh thị trường “hàng” và chưa chịu bước qua giai đoạn “hóa” hàng nông sản thành thứ khác để trao đổi, nâng cao giá trị thực bằng các công cụ kinh doanh khác của một thị trường hàng hóa hiện đại mà thế giới vận hành thuần thục từ lâu.
Chẳng hạn trên thị trường cà phê, tuy từng tuyên bố trên các phương tiện truyền thông đại chúng là hạn hán, các nước cạnh tranh cà phê với ta như Brazil và Colombia vẫn khuyến nghị một cách tự nhiên với bạn hàng rằng “nói thì nói thế, nước chúng tôi vẫn bảo đảm lượng hàng bán ra, quý vị cứ yên tâm nguồn hàng!”.
Ngược lại, nhiều người trong ngành cà phê của nước ta khi muốn giá tăng lại tuyên bố hết hàng để mong giá tăng tiếp. Năm trước ôm khư khư mấy trăm ngàn tấn giá cao hơn hiện nay nhiều, đến năm nay phải bung hàng với giá thấp hơn.
Cách tiếp cận thị trường thụ động
Là một nước sản xuất nông sản hàng hóa lớn, nhưng hầu như chúng ta luôn ở thế bị động đối với thị trường. Không chỉ vậy, năng lực tài chính, cách tiếp thị cổ hủ, chờ thời, các rào cản về luật lệ, quy định kinh doanh hàng hóa khó đưa doanh nghiệp kinh doanh và hàng hóa nông sản đi xa hơn, để mở đường cho hàng hóa thâm nhập sâu hơn trên các thị trường nhập khẩu, kể cả bạn hàng mua truyền thống.
Như so với Trung Quốc, một nước mới ghi tên vào danh sách xuất khẩu cà phê năm ngoái với chừng trên 100.000 tấn/năm, họ đã thông báo cho bạn hàng rằng cà phê sẽ được chở bằng tàu lửa, cho vào kho ở châu Âu với hệ thống mua bán phân phối được chuẩn bị hoàn chỉnh. Một khi hàng sẵn tại chỗ, chỉ cần một cú điện thoại, người bán có thể giao ngay tận nơi.
Trái lại, một nước cung ứng cà phê “đàn anh” như Việt Nam, doanh nghiệp nước ta hiện vẫn chỉ dám ngồi chờ khách đến ký hợp đồng.
Nhu cầu mua hàng nóng sốt, giá tốt hơn đều bị xổng qua tay người bán Trung Quốc hay nhiều nhà kinh doanh trung gian Âu, Mỹ đang mua nông sản của Việt Nam để bán lại cho nước nhập khẩu. Nếu đợi chuyến hàng Việt Nam qua, đoạn đường chuyên chở, giao nhận dễ phải mất hai tháng từ cảng xuất xứ đến thị trường.
Tầm cỡ, khả năng tài chính và quản lý của doanh nghiệp nước ta hiện nay chưa ai có thể làm được điều này mà cần hỗ trợ rất lớn từ phía Nhà nước.
Quan trọng là thực tế
Là một nước sản xuất hàng hóa lớn nhưng thói quen sản xuất làm ăn manh mún, nhỏ lẻ ở nước ta đến nay vẫn chưa bỏ được. Ở trường hợp này, lời khuyên và ý kiến của giáo sư Võ Tòng Xuân tỏ ra hết sức thực tế khi mới đây ông nói rằng:
“Bà con nông dân cần nhận thức tư duy mới, phải liên kết với nhau trong hợp tác xã hoặc tập đoàn sản xuất lớn và nhất thiết phải kết nối với doanh nghiệp có đầu ra ổn định”. Đó cũng là cái gốc tồn tại của ngành nông nghiệp hôm qua, ngày nay và thậm chí còn cho nhiều năm sau.
Nông dân chúng ta chưa thể rũ bỏ tập tục sản xuất nhỏ thì khó có cơ may “tái cơ cấu ngành” nhằm đưa họ vào các dây chuyền sản xuất hiện đại, tiên tiến.
Thực tế là đến nay giúp nông dân tập hợp, liên kết với nhau trong hợp tác xã hay cùng làm ăn với một tập đoàn lớn đã là khó, nói chi đến chuyện yêu cầu họ thâm nhập thị trường lớn, trở thành một phần trong chuỗi cung ứng cho tập đoàn đa quốc gia hay các chuỗi siêu thị lớn.
Không khuyến khích các hình thức tập hợp trong hợp tác xã, giúp xã viên tự chủ, minh bạch quản lý và tài chính để có điều kiện vươn cao hơn, giống như cột đá dưới chân họ nhưng bắt họ bay thật cao.
Trong khi đó, nhiều người chưa ghìm nổi lòng tham trước những cám dỗ để vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm, nhiều mặt hàng thực phẩm bán trong nước còn bị nghi ngờ về chất lượng, con tôm, con cá, hồ tiêu… vẫn bị nhiều nước nhập khẩu trả về…
Ai chuẩn bị cho nông dân quy trình sản xuất đàng hoàng để rồi nói họ hãy tin vào ngọn gió FTA? Liệu quá xa vời, dù nhiều hiệp định đang như “nước đến chân”? Tiếc như tiến sĩ Võ Trí Thành cũng đúng khi ông cho rằng: “Mặc dù Việt Nam là một trong những nước hàng đầu về xuất khẩu nông sản, nhưng giá trị thu về còn khiêm tốn”.
Tuy nhiên, dù thu nhập có thể nhỏ lại, không vì thế mà thả nổi chất lượng. Nhất thiết một con tôm, con cá, một hạt cà phê ra khỏi cảng phải được kiểm tra cẩn thận và khắt khe, vì đó là uy tín, là đạo đức cơ bản nhất của người cung ứng nông sản thực phẩm, là sợi chỉ đỏ bảo đảm khách hàng quay lại với hàng nông sản Việt Nam lần sau.
Tiềm năng phát triển là lớn, nhưng tận dụng được chúng hay không, ngành nông nghiệp hình như vẫn chưa “lấy người nông dân để triển khai mọi việc” như Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải nói mới đây.
NGUYỄN QUANG BÌNH, trên Tuổi Trẻ Cuối tuần 31-7-2016