(4-8-2016) Giá kỳ hạn cà phê đang ở đỉnh hay nằm đáy?

Chỉ còn chưa đầy 2 tháng nữa là niên vụ cà phê 2015/16 chấm dứt. Theo nhận định của nhiều người, tồn kho gối vụ Brazil giảm, xuất khẩu cà phê niên vụ mới chưa mạnh từ Brazil và Indonesia, kể cả vụ cũ yếu do cuối vụ từ Colombia và Việt Nam, nên người ta mạnh dạn kết luận khả năng giá kỳ hạn cà phê trên 2 sàn còn tăng. Nhận định và mong muốn của người còn hàng thực trong tay hay mua khống hàng giấy trên 2 sàn dựa trên lượng xuất khẩu và cung cầu như vậy là không sai, nhưng khá phiến diện.

Cần hiểu rằng lượng giao dịch hàng ngày trên 2 sàn kỳ hạn cà phê chiếm hết từ 95-97% là từ lực lượng đầu cơ hàng giấy, nên giá trên 2 sàn không phản ánh đúng với cung-cầu hàng thực tùy theo từng thời kỳ. Thế nhưng kẹt một nỗi, tuyệt đại bộ phận vẫn tin giá niêm yết trên 2 sàn kỳ hạn là giá làm nên giá thị trường hàng thực và quyết định giá hàng thực! Thực ra không phải thế và đừng nên nghĩ thế, nhưng vì trào lưu mà thị trường hàng thực phải theo. Nếu công bằng mà nói, giá phản ánh cung-cầu rõ nhất là giá mua bán xuất khẩu hàng thực dựa trên mức chênh lệch giữa giá xuất khẩu từ cảng xuất xứ so với giá sàn kỳ hạn hay ta hay gọi là trừ lùi cộng tới, trong tiếng Anh là differential basis. Khi nhu cầu cần nhiều, hàng bán ra ít, giá xuất khẩu tăng tốt so với giá niêm yết; và ngược lại.

Còn giá “lung linh” trên sàn kỳ hạn được cấu thành bằng rất nhiều yếu tố, có khi do chính sách tiền tệ, có khi do tin đồn thời tiết, có khi vì một lý do gì đó đôi khi rất vô duyên nằm ngoài hiểu biết của nông dân mà giá tăng hay giảm. Tình hình đoán giá cà phê “thế giới” hiện nay của nhiều người, kể cả nhiều nhà kinh doanh xuất khẩu lớn cũng đều theo cách ấy.

Về tâm lý, tất cả các nước xuất khẩu đều nằm phía người có hàng (long position) nên bao giờ cũng mong giá tăng; đó là điều dễ hiểu và thông cảm. Thậm chí khi hàng nói đã bán sạch rồi, kho rỗng không vẫn mong giá tăng.

Tuy nhiên, theo cái nhìn của người chuyên nghiệp thì mong muốn ấy chỉ là duy ý chí. Nếu không khéo, sẽ bị đầu cơ trên sàn lôi kéo theo những tin đồn để hoặc bán ra mạnh, hoặc ôm trữ lại hàng, để chính bản thân anh đầu cơ ấy tung hoành kiếm lợi trên những tin đồn được dựng nên theo ý đồ riêng.

Như đã trình bày, giá nhấp nháy từng giây trên sàn kỳ hạn do nhiều yếu tố cấu thành. Lực lượng kinh doanh hàng giấy khống chế sàn đến mức khủng khiếp.

Trong một cuộc hội thảo về tình hình giá cả thị trường cà phê tại tỉnh Daklak cuối tháng 7-2016, có bác nông dân hỏi giá hiện nay là đỉnh hay đáy? Một câu hỏi xác đáng và cần phải một câu trả lời xác đáng.

Người viết bấy giờ dựa trên vị thế kinh doanh của đầu cơ trên 2 sàn kỳ hạn để xem xét vấn đề và cho rằng bao lâu vị thế (tổng khối lượng) kinh doanh của các quỹ đầu cơ (toàn hàng giấy) đang ở vị thế dư mua cao, và rất cao như hiện nay, thì giá kỳ hạn cà phê hiện nay trên hai sàn có thể là đỉnh mà chắc chắn không phải là đáy.

spec net position vs NY mkt

Giá kỳ hạn arabica New York so với vị thế kinh doanh của đầu cơ 

Tính đến 26-7, lượng dư mua của đầu cơ trên sàn arabica New York vẫn ở đỉnh. Khi mua mạnh, giá kỳ hạn tăng, nên giá kỳ hạn New York hiện nay vẫn ở khu đỉnh. Một khi các quỹ đầu cơ quyết định thanh lý bán ra, giá sẽ sụp đổ, bấy giờ ta sẽ có giá đáy. Cũng vậy, trên sàn cà phê robusta đang trong tình trạng tương tự với mức dư mua gần 22.000 lô tức 220.000 tấn mua khống nên đã đầy giá kỳ hạn tăng cao.

Bao lâu đầu cơ còn sức mua, giá còn tăng nữa. Nhưng để bục lên mạnh trong thời điểm hiện nay là rất khó vì lượng dư mua trên 2 sàn đều cao chót vót.

spec net position vs LD mkt

Giá kỳ hạn robusta London so với vị thế kinh doanh của đầu cơ 

Xin bạn đọc xem và so sánh hai cặp biểu đồ giá kỳ hạn cà phê (tính đến phiên 3-8) và vị thế kinh doanh (tính đến ngày 26-7), những đường thẳng màu vàng nối các điểm đỉnh và đáy của vị thế kinh doanh (biểu đồ phía dưới) cho ta thấy giá kỳ hạn tăng giảm đều theo vị thế dư mua hay dư bán trên sàn. Lưu ý trên 2 biểu đồ phía dưới, cột số bên phải, nằm trên số 0 là bắt đầu dư mua, và dưới số 0 là dư bán. Dư bán nhiều, giá giảm mạnh, dư mua nhiều giá tăng cao.

Đến đây, chắc các bạn đã có câu trả lời chúng ta đang ở đỉnh hay nằm đáy của giá kỳ hạn cà phê.

Nguyễn Quang Bình

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

  1. Đoàn

    95% giao dịch trên sàn là của đầu cơ, vậy mà các hợp đồng xuất khẩu luôn theo kiểu “trừ lùi – cộng tới” căn cứ vào giá giao dịch của “sàn”. Quan trọng hơn cả là thời điểm chốt giá, đôi khi mức công/trừ tốt nhưng chốt giá lại không đẹp, vì thị trường bất lợi. Do vậy mà cà phê có độ rủi ro cực cao.
    Liệu ta có thể không theo sàn mà luôn chào bán out-right ? Có cách nào tối ưu không anh Bình?

    1. Nguyễn Quang Bình

      Mua bán cà phê có độ rủi ro cực cao: hoàn toàn đúng.
      Đối với bất kỳ lúc nào ở bất kỳ nước xuất khẩu nào, vị thế đều “có hàng” (long position). Khi ta bán ra có giá tiền tươi (outright), cân đối hai đầu được – mua thấp bán cao, là có lời. Nhưng bán giá tiền tươi theo kiểu bán khống, tức bán trước rồi mua hàng giao sau, thì mức độ rủi ro là 50/50 nhưng khi giá tăng so với giá bán đã có giá trước, lại càng rủi ro và thua lỗ là khôn lường.
      Khi bạn bán theo cách chênh lệch nhưng chưa chốt giá, thì ngoài việc anh “có hàng” thực (long physical), anh vẫn còn ở vị thế có hàng long physical và bấy giờ vị thế chỉ là bán mức trừ lùi cộng tới tức short differential cho các hợp đồng giao sau (forward contracts). Các hợp đồng này đều phải dựa theo sàn để chốt giá.
      Anh chưa chốt được hợp đồng giao sau, cũng có nghĩa là anh mong cho đầu cơ mua khống trên sàn để giá tăng anh chốt bán. Như vậy, một loạt người tham gia đều ở vị thế có hàng (long position). Nên trường hợp này, ai có thông tin và nhanh tay chốt mới thắng. Càng chờ đợi càng dễ thua lỗ. Đó là lý do tại sao trong quá khứ nhiều đại lý và nhà xuất khẩu lỗ khi mua bán hợp đồng forward hay trừ lùi cộng tới.
      Tránh nó đi bằng cách xem nhu cầu mua và tiêu dùng, dựa trên giá bán trừ lùi cộng tới, khi thấy giá xuống có nghĩa là hết nhu cầu hay hàng ra nhiều đâu đó. Tìm cách chốt giá dần dần từng phần các lô bán để giảm thiểu rủi ro. Bịt tai đừng nghe thông tin cùng chiều với mình, đôi khi đó là tin giả của người đã bán khống v.v…hay của đầu cơ tài chính.

  2. Văn võ song toàn

    1.Kinh doanh cà phê ở Việt Nam đúng là cực kỳ rủi ro, nhưng không phải không có cách để làm, chẳng qua cũng bởi vì lâu nay các bác nhà ta quá tham lam và luôn kỳ vọng giá đi lên.
    2. Nếu nhìn vào lượng dư mua hay dư bán để đoán biết được đỉnh hay đáy của chu kỳ giá thì hóa ra kinh doanh quá dễ. Vì cứ ở đỉnh ta sẽ bán ra, ở đáy ta sẽ mua vào => như vậy luôn luôn có lãi, thật quá dễ như ăn kẹo. Đầu cơ sẽ mua từ đáy đi lên và bán từ đỉnh đi xuống, rồi lại tiếp tục chu kỳ… Vậy liệu họ còn lãi từ việc mua bán hay không???.
    Về lý thuyết là như vậy nhưng thực tế thì không đơn giản như vậy; mà khi đi lên đến đỉnh rồi họ vẫn tạo tin giả, hô hào giá còn lên cao để cho nhỏ lẻ, người sản xuất tin rằng giá còn lên nữa… lúc đó họ mới âm thầm bán ra. Đến lúc ta biết được số liệu dư mua dư bán của họ thì họ đã hành động xong mất rồi.

    1. huypham

      Bạn nói chí lý, nếu biết được đâu là đỉnh đâu là đáy thì ai cũng giàu, không đến nỗi các nhà kinh doanh nông sản vỡ nợ, người càng lớn càng hiểu về nông sản càng dễ bị mắc lừa các chiêu của người ta.

Tin đã đăng