An sinh là trên hết!

Cách nay chừng năm bảy năm, khi nhiều nhà nhập khẩu Âu Mỹ báo nên chuẩn bị thủ tục truy xuất nguồn gốc sản phẩm, giới xuất khẩu nông thổ hải sản trong nước cảm thấy bực bội lắm, có anh cho là mình bị xúc phạm.

Mua bán đồng thuận, thấy được giá là ký hợp đồng, muốn kinh doanh lâu dài và vui vẻ, bớt hay tăng vài ba đồng để lần sau tìm lại nhau… là được rồi! Nay lại bày đặt “sang chảnh”, truy xuất nguồn gốc, tìm hiểu cặn kẽ chuyện làm hàng của người ta làm gì cho mệt.

Không thiếu nhiều ông Tây bà đầm đòi lên tận “nóc nhà Đông Dương”, vào các vùng sâu vùng xa để tìm hiểu quy trình sản xuất, bón phân, sử dụng thuốc trừ sâu cho cây này cây nọ, đi đứng phép tắc ở các vùng “nhạy cảm” lại càng nhức đầu.

Chợ búa như người mình là khỏe nhất. Mua chục măng cụt, về nhà bổ ra ăn, đôi khi thối hư cả phân nửa lô hàng, cũng cắn răng… đem đi đổ. Có tức thì chửi đổng vài câu rồi tự khuyên lần sau không mua chỗ cũ nữa. Huề cả làng! Còn người bán đâu có phải lo, vì trăm người bán vạn người mua, không lừa được người này thì chuyển qua lừa kẻ khác!

Mới năm ngoái chứ đâu xa, bà Bộ trưởng Bộ Môi trường Pháp Ségolène Royal đã kêu gọi dân chúng trong nước ngừng tiêu thụ một nhãn hiệu dầu cọ nhập khẩu có xuất xứ từ một nước châu Á do sau khi tìm hiểu nắm chắc tình hình, thấy hãng sản xuất này không tôn trọng môi trường, dùng thuốc diệt cỏ không đúng theo danh mục quy định… Điều đáng nói là trong sản lượng 300.000 tấn dầu thương hiệu ấy sản xuất hàng năm, nước Pháp tiêu thụ đến cả trăm ngàn tấn.

Việc kêu gọi tẩy chay sản phẩm của bà Bộ trưởng Pháp không chỉ đơn thuần là vì an toàn thực phẩm, mà đó còn là tiếng nói cảnh tỉnh cho một khuynh hướng phát triển kinh tế không biết tôn trọng an sinh.

Đối với nhiều tập đoàn sản xuất, áp lực tạo lợi nhuận là rất gắt, nên việc tôn trọng mạng sống, an sinh con người cũng như môi trường sống không bằng các món tiền khổng lồ họ phải đưa về cho chủ và cổ đông.

Nhiều địa phương vì áp lực phát triển mà phải chấp nhận những dự án tàn sát môi trường, họ vô tình hay cố ý lơ đi mối nguy hại về an sinh, sức khỏe, môi trường sống mà chính dân chúng và ngân sách của chính địa phương đó phải trả giá gấp bội và lâu dài.

Sau một vòng chu du tiếp thị nông sản từ Ấn Độ về, ông bạn tôi nói “ngán” khi tận mắt chứng kiến người dân nước này ôn hòa đội nắng đội mưa đứng ngay trước cửa nhà máy đóng chai nước ngọt Coca-Cola ở bang Uttar Pradesh kêu gọi dân chúng tẩy chay sản phẩm này. Cuối cùng nhà nước phải bắt hãng này đóng cửa chỉ vì một lý do “khai thác nguồn nước ngầm quá mức”, ông cho biết. Chuyện xảy ra chỉ mới hai năm. Sở dĩ ông ngán là vì người dân nơi đó chẳng nể nang gì một nhà đầu tư tên tuổi nổi như cồn trên thế giới.

Không hiểu vì sao người dân mình chưa có được những phản ứng tương tự mỗi khi điều kiện an sinh của mình bị đe dọa. Những chai nước giải khát C2 và Rồng đỏ của hãng URC có hàm lượng chì cao trên mức cho phép nhiều lần, đáng ra hội người tiêu dùng và các cơ quan truyền thông phải yêu cầu tất cả các nhà phân phối trên toàn quốc dứt khoát gạt xuống khỏi kệ hàng các sản phẩm này.

Một nhà máy chế biến tinh bột sắn tại Tây Ninh xả nước thải chưa xử lý ra môi trường đã bị cảnh sát môi trường phát hiện. Dù đây không phải là lần đầu nhưng các biện pháp phạt tiền hình như đều vô hiệu với các nhà máy như thế này. Không chỉ môi trường sống trên các sông suối tại địa phương mà sinh kế của nhiều gia đình bị hủy hoại. Đáng ra dân cư trong vùng, thậm chí hệ thống cung cấp nguyên liệu sắn cho nhà máy, từ nông dân, đơn vị sơ chế và thương lái cần đưa ra yêu cầu tối hậu không cung cấp nguyên liệu nếu như nhà máy không tôn trọng cuộc sống an sinh, bảo vệ môi trường cho cư dân trong vùng. Phía người tiêu thụ cũng cần được thông báo để tạo áp lực yêu cầu nhà máy tôn trọng các yếu tố an sinh, bảo vệ môi trường tại chỗ.

NGUYỄN QUANG BÌNH,

trên TBKTSG online 30-05-2016

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

  1. The farmers

    Đọc xong bài này, tỉnh cả người. Thật lòng mà nói, xưa nay khi nghe ông này bán hàng dỏm, bà kia sản xuất hàng bẩn thì chỉ biết “né” bằng cách không sử dụng, kêu gọi gia đình không sử dụng chứ đâu biết phải làm gì khác! thường dân mà, có tiếng nói đâu mà nghĩ lung tung chi cho mệt!
    Nhưng sau khi đọc bài này cuả Bác Bình, thiệt tình tui muốn được làm cái gì đó để bảo vệ chính mình, gia đình mình, môi trường xã hội mình đang sống. Nếu có cái tổ chức, hội đaòn nào hoạt động vì mục đích này, xin cho biết để tui đăng ký tham gia nhé bà con
    Cho tui hỏi bác Bình: Hội người tiêu dùng – họ đang làm cái chi ạ?

Tin đã đăng