Tây Nguyên: Một mùa cà phê… buồn

thu-hoach-capheTrong những ngày cuối tháng 11, người nông dân Tây Nguyên đang hối hả bước vào một vụ thu hoạch cà phê mới. Bên cạnh những nỗi lo về giá cà phê, năng suất đều giảm… thì người dân nơi đây lại có thêm nỗi lo thiếu hụt nhân công thu hái cà phê và đương nhiên giá thuê cũng tăng.

Giá nhân công đến đỉnh

Mới bước vào đầu vụ thu hoạch cà phê 2009 – 2010 nhưng gần 1 tháng qua, người trồng cà phê tại các huyện Ia Grai, Chư Pah, Đăk Đoa, Chư Sê… (tỉnh Gia Lai) phải chạy đôn, chạy đáo tìm thuê lao động thu hái. Vườn cà phê rộng gần 8 ha của anh Nguyễn Đức Nhơn, thị trấn Ia Kha, huyện Ia Grai (thủ phủ cà phê của tỉnh Gia Lai) đang chuẩn bị thu hoạch. Nhọc nhằn suốt cả chục ngày qua tìm thuê nhân công thu hoạch nhưng vẫn chưa tìm được. Anh Nhơn cho biết: “Gần 8.000 gốc cà phê của gia đình tôi năm nay năng suất giảm rõ rệt, chỉ đạt khoảng 80% so với năm ngoái. Mới vào vụ thu hoạch thôi nhưng nhân công hiếm quá.

Tôi đi xuống các huyện khác trong tỉnh tìm thuê nhân công và chấp nhận trả 100.000 đồng/ngày, cao hơn vụ trước 35.000 đồng/ngày công, bao luôn ăn, uống nhưng nhiều người vẫn không chịu”. Theo lời anh Nguyễn Đức Nhơn, vụ thu hoạch cà phê thường bắt đầu vào tháng 11 năm trước và kéo dài đến cuối tháng 1 năm sau, nhưng chưa bao giờ nhân công thu hái lại hiếm đến vậy. Với mức giá nhân công như hiện nay và khó kiếm như vậy thì khoảng vài mươi ngày nữa, khi vụ thu hoạch cà phê vào mùa rộ, giá nhân công còn “sốt” nữa.

Còn ông Lê Anh Ba, người trồng cà phê lâu năm ở thôn 3, xã Hà Mòn, huyện Đăk Hà (tỉnh Kon Tum) cho biết, nhà ông trồng 2 ha cà phê, mỗi vụ thu hoạch ông cần tới cả chục lao động. Để có người thu hái cà phê, trước đó cả nửa tháng ông Ba đã gọi điện thoại về ngoài quê ở Quảng Bình nhờ anh em, họ hàng tìm giúp nhưng đa phần mọi người đã đi làm xa, một số người còn ở quê thì cũng đều đã có việc làm nên đến nay chỉ mới có được 3 lao động.

Cũng theo ông Ba, một số người không muốn vào Kon Tum làm vì thời gian thu hoạch cà phê chỉ gói gọn trong vòng năm, bảy chục ngày, trừ chi phí đi lại rồi thì người lao động cũng mang về chẳng được là bao. Trong khi đó, nhà ông Nguyễn Xuân Huấn, ở thôn Thống Nhất, xã Hà Mòn (huyện Đăk Hà) có tới 3 ha cà phê, mỗi ha thu hoạch ông cần 140 – 150 ngày công. Nhưng hiện nay, trang trại của ông cũng chỉ mới có 4 người làm, nếu làm việc liên tục trong vòng 2 tháng thì cũng chỉ mới đáp ứng được khoảng hơn một nửa lượng công thu hái cần thiết. Mỗi tháng ngoài tiền ăn, ở, ông Huấn trả cho mỗi lao động thu hái hơn 2 triệu đồng nhưng cũng chỉ mới có những người quen đã làm nhiều năm nay mới vào giúp.

Thao thức chờ giá

Dẫu giá cả thất thường, song cùng với cao su, hồ tiêu…, cây cà phê cho đến nay vẫn có sức hút lớn đối với nông dân của khu vực cao nguyên đất đỏ ba-zan. Điều đáng nói là trong những năm gần đây, tình hình an ninh tại các khu vực trồng cà phê ở các tỉnh Tây Nguyên không được bảo đảm, tình trạng trộm cắp diễn ra thường xuyên.

Từ đó, các gia đình chuyên canh cà phê ai cũng có tâm lý tranh thủ thu hoạch trước, thu hoạch nhanh để khỏi bị mất cắp đã làm cho nhân công thu hoạch trở nên khan hiếm, đồng thời chất lượng cà phê nhân bị ảnh hưởng rất lớn. Khi cung, cầu lao động mất cân bằng thì giá nhân công thu hoạch cà phê sẽ bị đẩy lên rất cao, làm cho chi phí của chủ vườn cà phê càng lớn và giá thành cà phê sẽ bị đội lên.

Theo Hiệp hội Cà phê- Ca cao Việt Nam, khu vực Tây Nguyên (gồm các tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đắc Lắc, Đắc Nông và Lâm Đồng) hiện có tổng cộng hơn 430.000 ha cà phê, trong đó diện tích cà phê của các hộ gia đình chiếm gần phân nửa. Như vậy lượng nhân công cần cho một vụ thu hoạch cà phê là rất lớn.

Trong lúc này, ngoài việc gặp khó khăn khi nhân công thu hái khan hiếm, vườn cây giảm năng suất do thời tiết mưa nhiều, sâu bệnh…, người trồng cà phê ở các tỉnh Tây Nguyên còn lo lắng khi giá cà phê gần 1 tháng qua liên tục biến động theo chiều hướng giảm dần. Giá cà phê giao dịch trên thị trường quốc tế chỉ dao động ở mức 1.330- 1.360 USD/tấn trong suốt cả tuần qua khiến giá cà phê tại thị trường Tây Nguyên chỉ còn 23.200- 24.000 đồng/kg làm cho người trồng cà phê ở Tây nguyên đang thao thức chờ đợi giá lên.

Theo Báo Công Thương

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Tin đã đăng