Giá cà phê hiện đang ở mức cao nhất trong nhiều năm qua đã giúp nhiều hộ dân ở Lâm Đồng thoát nghèo.
Nhưng cũng chính từ sự hấp dẫn của giá cà phê mà tỉnh này phải đối mặt với nạn chặt phá, lấn chiếm đất rừng trái phép, giá đất rừng tăng chóng mặt.
Sở Nông nghiệp & phát triển nông thôn Lâm Đồng đã khuyến cáo người dân tập trung đầu tư thâm canh, cải tạo diện tích cà phê hiện hữu (120.000ha) để nâng cao năng suất và chất lượng, không mở rộng thêm diện tích cà phê. Thế nhưng người dân vẫn đổ xô trồng cà phê bằng mọi giá.
Tăng giá đột biến!
Theo TS Phạm S – phó giám đốc Sở NN & PTNT Lâm Đồng, việc trồng cà phê ồ ạt, không theo quy hoạch sẽ dẫn đến những hệ quả như: phá đất lâm nghiệp, tính thích nghi không cao (thiếu nước tưới) khiến sự sinh trưởng, phát triển cây cà phê không tốt nên hiệu quả thấp.
Chị Nguyễn Thị Thu Hà ở xã Mê Linh, huyện Lâm Hà có gần 2ha dâu tằm, nhưng vừa qua gia đình chị đã quyết định chặt bỏ hơn 1ha để chuyển sang trồng cà phê. “Trồng dâu nuôi tằm vừa khó nhọc vừa bấp bênh do giá cả nên lâu nay cũng chỉ đắp đổi qua ngày. Nay giá cà phê tăng cao, gia đình tôi quyết định chuyển sang trồng cà phê” – chị Hà bộc bạch.
Tương tự, ông Lieng Hjang Ha Chin (60 tuổi, ở xã Đạ Sar, Lạc Dương) cho biết: “Tôi đã trồng 1ha cà phê từ bốn năm qua nhưng thấy bà con mình ở Di Linh trồng cà phê xây được nhà, mua ôtô nên tôi phải lấy thêm rừng để trồng cà phê như họ”.
Theo báo cáo của UBND huyện Lâm Hà, có khoảng 1.010ha dâu tằm và trên 163ha chè bị người dân chặt bỏ để trồng cà phê trong năm 2007. Ở xã Đạ Sar hiện có rất nhiều hộ dân muốn chuyển trên 130ha cây hồng – vốn là cây đặc sản ở đây – để trồng cà phê.
Do có nhiều người đổ xô trồng cà phê nên từ đầu tháng bảy đến nay giá đất trồng cà phê ở nhiều nơi trong tỉnh đã tăng vọt lên gấp 2-5 lần so với trước. Cụ thể, 1ha cà phê (chưa có sổ đỏ) mới trồng được khoảng hai năm ở các xã Mê Linh, Tân Thanh, Phúc Thọ, huyện Lâm Hà và các xã Tà Hine, Đà Loan, Ninh Loan, Tà Năng… thuộc huyện Đức Trọng đang được sang tay với giá 500-600 triệu đồng, tăng ba lần so trước đây.
Riêng đất rừng mới khai phá chưa trồng cây được rao bán với giá 100 triệu đồng/ha, tăng gấp năm lần so với hai tuần trước đây. đất rừng mới lấn chiếm ở xã Đạ Sar được “hét” đến 150 triệu đồng/ha vì đất ở vị trí mặt tiền đường 723 (đường nối Đà Lạt – Nha Trang). Đối với diện tích đất đã được cấp sổ đỏ thì tùy vị trí được rao bán 700-800 triệu đồng/ha, gấp hai lần so với giá bán hồi đầu tháng 7-2008.
Theo nhiều người dân, hiện giá đất nông nghiệp tiếp tục bị đẩy lên cao do có rất nhiều người từ các địa phương khác đến đây săn lùng đất để trồng cà phê nên nhiều “cò đất” nhân cơ hội này đẩy giá lên cao
Rừng lụi tàn, cà phê vươn tới!
Nhiều nơi trong tỉnh rừng đang bị tàn phá để chuyển đổi sang trồng cây cà phê. Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh Lâm Đồng, trong sáu tháng đầu năm 2008 đã có 158ha rừng bị chặt phá, lấn chiếm trái phép, chủ yếu để chuyển sang trồng cà phê. Tuy nhiên, nhiều người dân cho biết con số thực tế còn lớn hơn nhiều.
>> Nông dân Tây Nguyên trồng cà phê không theo quy hoạch
Lấn chiếm rừng để trồng cao su
Giá mủ cao su tăng liên tục đã đẩy nhiều địa phương ở tỉnh Đắc Lắc rơi vào “cơn sốt” chặt phá rừng, chặt bỏ rẫy cà phê, rẫy điều… để trồng cao su. Trong đó nổi cộm nhất là nạn phá rừng và lấn chiếm đất rừng trái phép ở các huyện Ea Súp, Ea HLeo… Cụ thể, trong sáu tháng đầu năm 2008 cả huyện Ea Súp có gần 200ha rừng bị chặt phá, lấn chiếm trái phép, trong khi cùng thời điểm này năm trước có 2,1ha rừng bị lấn chiếm. Phần lớn diện tích rừng bị lấn chiếm trái phép được rao bán cho các đại gia trồng cao su từ các tỉnh Bình Dương, Tây Ninh… với giá 50-70 triệu đồng/ha.Ông Nguyễn Doãn Sơn, phó ban quản lý bảo vệ rừng xã Tân Thanh, huyện Lâm Hà, cho biết bây giờ lâm tặc không dùng dao, búa để chặt phá như trước mà dùng cưa máy nên có thể cưa đổ 1ha rừng trong vài giờ, sau đó dọn dẹp đào hố trồng cây cà phê xuống ngay nên khi đoàn kiểm tra đến thì chỉ thấy rẫy cà phê mới trồng.
Theo UBND huyện Lâm Hà, diện tích đất rừng đang ngày càng bị thu hẹp dần và thay thế bằng diện tích cà phê…. Chỉ tính từ đầu năm đến nay, diện tích trồng cà phê toàn huyện tăng thêm 1.523ha. Riêng ở xã Tân Thanh đã bị chặt phá, lấn chiếm trên 170ha rừng để trồng cà phê chỉ trong thời gian ngắn.
Tương tự, tại các xã Tà Hine, Đà Loan, Ninh Loan, Ninh Gia thuộc huyện Đức Trọng; các xã nằm ven đường mới 723 như Đạ Sar, Đạ Chais, Đa Nhim… thuộc huyện Lạc Dương, những cánh rừng thông bạt ngàn lụi tàn dần để nhường chỗ cho những vườn, rẫy cà phê mới trồng. Cá biệt một số người còn lấn chiếm cả một quả đồi để trồng cà phê rồi rao bán cho những ai có nhu cầu.
Theo ông Đỗ Văn Thủy – hạt phó Hạt kiểm lâm huyện Lâm Hà, hiện nay chính quyền địa phương đang triển khai quyết liệt kế hoạch ngăn chặn tình trạng lấn chiếm đất rừng trái phép. Những trường hợp sang nhượng trái phép sẽ bị thu hồi để trồng lại rừng. Hiện một số cơ quan chức năng tại Lâm Đồng khuyến cáo các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trong và ngoài tỉnh muốn xây dựng nông trại hay đầu tư tại Lâm Đồng nên liên hệ với ngành chức năng để bảo đảm không bị lừa. Vì hiện nay có đến hàng trăm hecta đất do người dân phá rừng trái phép nhưng vẫn ngang nhiên rao bán hoặc sang tay.
trời đât ơi!chạt phá rừng một cách bừa bãi như vậy sau này con cháu minh sống the nào được khi mà nhiệt độ trên toàn cầu dang báo động.người dân dưng vì lợi ích trước mắt của bản thân mà lam hại tương lai con cháu mình như vậy sao?hỏi rằng nếu giá cà phê đột ngột xuống giá vì lượng cung vượt quá lượng cầu?phá rừng la nguyên nhân của thiên tai , lũ lụt….mình sống o miền núi thi` ít bị ảnh hửơng mỗi khi mùa lũ về.còn người dân ơ đồng bằng, vùng sông nước thì làm sao dây.vô tình mình đã hại họ mà họ có làm gi có lỗi với mình đâu mà lai bắt họ gánh chịu hậu quả thay cho mình vậy.mọi người cảm thấy việc làm của mình có đáng chết không?