Xuất khẩu cà phê: Thay đổi để thích ứng

xuat-khau-ca-pheChịu chi phối từ động thái của các nhà đầu cơ lớn trên thế giới, nhiều DN xuất khẩu cà phê Việt Nam đã bị thua lỗ nặng trong năm 2009. Nhằm đối phó với những bất lợi tác động từ thị trường, Câu lạc bộ 20 DN (CLB) xuất khẩu cà phê hàng đầu Việt Nam đã tổ chức một cuộc họp bất thường cuối tuần qua để bàn về các biện pháp thu mua và xuất khẩu cà phê cho niên vụ 2009 – 2010.

Kim ngạch xuất khẩu cà phê 10 tháng đầu năm 2009 ước đạt 1,4 tỷ USD, tương ứng khối lượng 948.000 tấn, giảm 17,3% so với cùng kỳ 2008. Dự kiến, 2 tháng cuối năm mặt hàng này có thể đóng góp thêm hơn 200 triệu USD.

Tại cuộc họp, hầu hết các DN thành viên trong CLB đều thống nhất nhận định, thị trường cà phê thời gian qua đã bị các nhà đầu cơ lớn trên thế giới thao túng, trong khi các DN xuất khẩu cà phê trong nước thiếu tính liên kết, mạnh ai nấy làm dẫn đến nhiều DN bị thiệt hại nặng, thậm chí thua lỗ. Giá cà phê xuất khẩu tại cảng TP. HCM có thời điểm giảm xuống còn 1.245 USD/tấn, mức thấp nhất vòng vòng 3 năm trở lại đây. Một nguyên nhân nữa khiến việc kinh doanh dễ bị thua lỗ là do các DN xuất khẩu cà phê Việt Nam thường áp dụng phương thức bán hàng giao xa mà không chốt giá (thường gọi là phương thức trừ lùi hay kỳ hạn). Với phương thức này, khi mức trừ lùi tăng cao, có lúc lên tới 150 USD/tấn, cộng thêm giá thế giới giảm mạnh thì DN cầm chắc lỗ nặng.

Theo đánh giá của các thành viên CLB về diễn biến thị trường cà phê Việt Nam niên vụ 2009 – 2010 sau 1 tháng bước vào thu hoạch, niên vụ này sản lượng sẽ giảm mạnh do bị tác động mạnh của thời tiết. Các thông tin mới nhất cho biết, mức giảm có thể lên đến 20% do ảnh hưởng từ cơn bão số 9, mưa đá gây gẫy cây, rụng quả khi cà phê đang chuẩn bị thu hoạch. Riêng một số vùng trồng cà phê thuộc quản lý của Vinacafe, mức giảm có thể lên đến 35%.

Theo thống kê của Hiệp hội Cà phê, sản lượng thu hoạch đã đạt khoảng 20 – 30% tùy theo từng vùng. Qua thành phẩm thu được cho thấy, nguy cơ giảm sản lượng có thể tăng cao hơn do kích cỡ hạt cà phê năm nay cũng bị suy giảm so với niên vụ trước. Theo báo cáo của Công ty Cà phê Thắng Lợi, nơi đã thu hoạch được đến 30% sản lượng, qua kết quả cân và so sánh về trọng lượng thì lượng hạt nhỏ nhiều hơn so với năm ngoái. Trong một cân cà phê thành phẩm thì loại sàng 18 chiếm 8,92% ; loại sàng 16 chiếm 33% và loại sàng 13 (tương đương R2) chiếm 55,5%, lượng hạt loại dưới các sàng trên chiếm 2,5%. Như vậy, loại sàng 13 năm nay tăng hơn mức năm ngoái, trong khi tỷ lệ loại sàng này năm ngoái là 47,4%. Như vậy, có thể nói tỷ lệ cà phê hạt nhỏ đã tăng lên đáng kể, điều này sẽ ảnh hưởng đến sản lượng cà phê Việt Nam niên vụ 2009 – 2010 và có khả năng sản lượng cà phê niên vụ này còn thấp hơn mức dự báo mới đây của Hiệp hội.

Để hạn chế rủi ro trong kinh doanh, rút kinh nghiệm trong hoạt động sản xuất – kinh doanh, 20 DN xuất khẩu cà phê hàng đầu Việt Nam đã quyết định, bắt đầu từ niên vụ này, tất cả các thành viên CLB chỉ bán cà phê bằng phương thức giao ngay (thường gọi là outright), không bán theo phương thức trừ lùi nhằm giảm thiểu thiệt hại. Các thành viên của CLB chiếm 80 % sản lượng cà phê xuất khẩu hàng năm cũng thống nhất phối hợp giá mua trên cơ sở có lợi cho người nông dân và hạn chế việc tranh mua tranh bán, gây rối loạn thị trường. Hiện giá cà phê thế giới chỉ còn ở mức 1.328 USD/tấn và giá thu mua trong nước cũng chỉ đứng ở mức 23.400 – 23.500 đồng/kg.

Nhận định về thị trường cà phê trong thời gian tới, Bộ Công Thương cho rằng, các nước xuất khẩu cà phê lớn như Brazil, Ấn Độ, nguồn cung được dự báo sẽ giảm 6% trong thời gian tới do thời tiết và lượng cây cà phê già cỗi lớn, do đó sẽ tác động đến nguồn cung cà phê trên toàn thế giới. Về cầu, Bộ Công Thương nhận định, kinh tế thế giới bắt đầu khởi sắc hơn, thu nhập khả dụng của người dân tăng lên kéo theo nhu cầu tiêu dùng các mặt hàng mang tính thư giãn tăng cao. Tại thị trường tiêu thụ cà phê Việt Nam lớn nhất là thị trường Bỉ, nhu cầu sử dụng cà phê trong những tháng gần đây đã tăng khá cao so với năm 2008. Lượng cà phê xuất khẩu vào thị trường được dự tính sẽ gia tăng trong thời gian tới. Tại thị trường nhiều nước châu Âu, người dân có xu hướng sử dụng các loại cà phê xay đóng gói với kích cỡ nhỏ gọn, điều này khá phù hợp với khả năng cung ứng của các DN Việt Nam. Giá xuất khẩu cà phê của Việt Nam hiện vẫn đang thấp hơn so với giá của Brazil, Ấn Độ, mặc dù chất lượng cà phê của Việt Nam là tương đương, do giá nhân công thấp và năng suất trồng cà phê tại Việt Nam cao hơn.

Trước những tín hiệu được dự báo tốt từ thị trường thế giới, cùng sự liên kết chặt chẽ và đồng thuận giữa các DN trong nước, các DN xuất khẩu cà phê Việt Nam đang kỳ vọng sẽ vượt qua được những khó khăn để có một niên vụ “sáng sủa” hơn.

Theo Đầu Tư chứng khoán

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Tin đã đăng