Mỗi tấn cà phê xuất khẩu sẽ phải đóng phí 2 USD. Phí này sẽ do Hiệp hội Cà phê – Ca cao nắm giữ để thực hiện mục tiêu giúp nông dân tái canh cà phê hàng năm. Tuy nhiên, đang có nhiều ý kiến trái chiều về quyết định này.
- Chưa đồng thuận thu phí xuất khẩu cà phê
- Thu phí xuất khẩu cà phê 2USD/tấn: Nông dân có thể chịu thiệt
Có tiền để tái canh cây cà phê Theo quyết định vừa ban hành của Hiệp hội Cà phê – Ca cao Việt Nam (Vicofa), từ 1-10-2012, Vicofa sẽ tiến hành thu phí cho “Quỹ bảo hiểm xuất khẩu ngành hàng cà phê Việt Nam”. Nghĩa là mỗi tấn cà phê sau khi thông quan, doanh nghiệp sẽ phải trích lại 2 USD. Như vậy với con số thống kê trung bình hàng năm, Việt Nam xuất khẩu trên 1 triệu tấn cà phê thì số tiền quỹ thu về sẽ trên 2 triệu USD.
Hội đồng quản lý Quỹ cũng đã thông qua nguyên tắc, kế hoạch dự kiến thu chi của Quỹ niên vụ 2012 – 2013: 50% Quỹ phục vụ cho tái canh, 30% chi cho hỗ trợ lãi suất tạm trữ, 10% cho nâng cao chất lượng, 10% hỗ trợ xúc tiến thương mại và nhãn hiệu.
Việc thành lập Quỹ có mục đích nhằm ổn định và đẩy mạnh sản xuất, chế biến, nâng cao chất lượng cà phê, hạn chế rủi ro trong xuất khẩu cà phê, hỗ trợ các hoạt động xúc tiến thương mại và thông tin thị trường. Trong đó, phần lớn số tiền của Quỹ sẽ được sử dụng để hỗ trợ tạo ra các loại giống cà phê có năng suất, chất lượng cao, hướng dẫn quy trình tái canh do hiện nay có tới 25% diện tích cà phê của Việt Nam đã già cỗi cần phải thay thế.
Vì vậy, việc dùng quỹ tái canh là biện pháp phục hồi, trẻ hóa vườn cà phê, tăng năng suất. Hai đối tượng là người nông dân và doanh nghiệp thu mua xuất khẩu cùng có lợi. Ông Lương Văn Tự – Chủ tịch Hiệp hội Vicofa cho rằng, thu phí từ xuất khẩu cà phê để tái đầu tư cho cây phê là cách giúp DN ổn định nguồn hàng để xuất khẩu trong thời gian 5 hay 10 năm tới. Không là câu chuyện đơn giản Tuy nhiên, lý lẽ mà Vifoca đưa ra đã không đủ thuyết phục nhiều hội viên của mình.
Ông Nguyễn Anh Tuấn – Phó Giám đốc Công ty cổ phần xuất nhập khẩu (XNK) tổng hợp I Việt Nam cho rằng: thu phí xuất khẩu cà phê chỉ “gói gọn” với các doanh nghiệp Việt Nam “nằm” trong hiệp hội, trong khi các công ty nước ngoài đang thu mua và xuất khẩu tới 50 – 60% lượng cà phê Việt Nam thì lại không thu. Điều này là không công bằng. Như vậy, tái canh đâu chỉ mỗi thành viên hiệp hội được lợi.
Đại diện công ty XNK Intimex cũng lo ngại, hiện các DN nước ngoài đang mua bán và xuất khẩu cà phê rất lớn. DN nước ngoài có lợi thế về tài chính thì không bị thu phí, còn DN Việt Nam đang trong giai đoạn khó khăn, phải chịu lãi suất ngân hàng cao thì bị đóng phí, như vậy sẽ tạo ra sự cạnh tranh không bình đẳng và các DN xuất khẩu cà phê Việt Nam sẽ thêm khó khăn.
Một chuyên gia trong ngành nông nghiệp phân tích, việc thu phí cà phê có những ưu điểm khuyết điểm nhất định. Hiện nay thị trường cà phê đang phân khúc thành 2 tầng. Lớp doanh nghiệp đang làm nhiệm vụ xuất khẩu chỉ có nhiệm vụ hớt phần ngọn mà không quan tâm đến việc tái canh. Lớp người sản xuất thì muốn tái canh cũng hạn chế chi phí. Số tiền lãi người nông dân thu được từ việc bán cà phê rất ít, không đủ để dự trữ tái canh.
Vì vậy mục tiêu tái canh được đưa ra có ý nghĩa rất lớn. Tuy nhiên cũng theo chuyên gia này, khi bắt DN trích quỹ có nghĩa là họ sẽ phải ép giá thu mua đối với người dân. DN sẽ không chịu để lợi nhuận của mình giảm đi vì chi phí quỹ. Đấy là hình thức “giật gấu vá vai”. Thay vì DN gánh phí thì họ bắt người nông dân gánh phí này. Và điều này cũng có nghĩa là người nông dân tự mình nuôi mình. “Nhận được tiền giúp đỡ của DN không là câu chuyện đơn giản như mình nghĩ” – vị chuyên gia khẳng định.
Xem thêm: Vicofa: Đề xuất thu phí xuất khẩu 10USD/tấn để tái đầu tư