(15-01-2016)  Tiến thoái lưỡng nan trong kinh doanh cà phê nội địa

Giá cà phê nguyên liệu robusta hôm qua 14-01 kiếm được thêm 200 đồng/kg thì hôm nay 15-01 mất lại 400 đồng/kg.

Giá kỳ hạn cà phê vối London giảm sâu, đóng cửa khuya hôm qua chốt mức 1438 USD/tấn âm 19 USD/tấn. Giao dịch suốt ngày yếu nhưng khoảng chừng từ 22 giờ phục hồi lại được đôi chút và cuối phiên sập mạnh do 3000 lô mua bán chênh lệch: bán London nên giá giảm mạnh và nhanh khi đóng cửa; ngược với New York: mua New York nên có hiện tượng giá New York tăng sau khi London đóng cửa.

Hôm nay, giá nội địa quay về mức 31.500-32.200 đồng tùy vùng và tùy cách thức thanh toán.

Nhiều đại lý mua bán cho rằng tuy giá thấp họ vẫn mua được lai rai. Thiếu người mua nhập khẩu do yêu cầu giá cộng tới cao so với giá niêm yết London, cộng 30-50 USD/tấn, nên lượng bán xuất khẩu không nhiều. Do kẹt vốn, một lượng hàng khá nhiều được đưa đi gởi các kho. Nghe rằng khi giá xuống thấp, nhiều hợp đồng đã gởi kho trước đây cả năm bị “phạm” do giá thành càng lúc càng đội vì phí chuyển tháng và giá chênh lệch giữa tháng giao ngay và giao kỳ hạn sau, đã phải bơm tiền vào để tránh chạm mức “chặn lỗ”.

Theo nhận định của nhiều nhà kinh doanh kinh nghiệm, bao lâu chưa hóa giải được lượng bán giao kho “giá rẻ” (do nộp tiền vào đẩy giá thành tăng) bán treo trên sàn chưa chốt giá này, bấy lâu giá kỳ hạn và nội địa chưa thể được giải thoát khỏi áp lực giá thấp. Vì, các chủ kho đang có miếng mồi quá ngon trước mặt: bắt chặn lỗ kiếm lời lớn mà không cần phải mua bán, nhận hàng gì vì hàng đã sẵn trong kho hay đã  giao đi.

Thật ra, không thể trách vì kinh doanh cà phê trong nước đang ở thế bí vì nhà buôn hay nông dân chưa trang bị công cụ kinh doanh để tránh rủi ro: chốt giá ngay hàng treo trên sàn hay bán mạnh, chắc chắn giá rớt. Mua hàng xong, để tại kho nhà, khi cần chốt giá không có cơ hội nên phải gởi kho, gởi kho rút tiền tạm ứng lại mua hàng tiếp nhồi vào kho để mong cơ hội: toàn kỳ vọng giá tăng. Nhưng khi kịch bản xấu xảy ra khi có một tình huống nào đó làm giá rớt mạnh, người gởi kho theo kiểu “khát nước” trên mất toàn bộ vốn liếng vào tay chủ kho, vừa cụt khối lượng hàng gởi vừa mất tiền đậm.

Nhưng, không lẽ mua lỡ hàng rồi ôm khư không bán không xuất?

Phạm Kỳ Anh

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

  1. manh tuan

    Cần nhắc lại là xu hướng giảm chính của thị trường cà phê vẫn con giữ nguyên , các đợt hồi phục là để thoát các vị thế đã bị lỗ chứ ko phải khuyến khích mua mới .
    Chúc cả nhà kinh doanh may mắn .

  2. HPL

    Càng nhiều người gởi kho, càng ôm nhau chết như đuối nước vậy…giống như họ lùa “gà”vào rọ, sau ngày đã có “gà” trong tay, tha hồ mà chặt chém……..

Tin đã đăng