(28-12-2015) Thị trường cà phê 2016: Yếu tố tích cực và tiêu cực nhìn từ phía cung-cầu

Dù khó có thể bỏ qua những yếu tố đầu cơ tài chính ảnh hưởng trực tiếp và đậm đà đối với thị trường cà phê thế giới, đặc biệt là các sàn giao dịch kỳ hạn, thiết nghĩ cũng nên soi nhanh các yếu tố cung-cầu của hột cà phê để xem đâu là tích cực đâu là tiêu cực cho niên lịch 2016.

Tiêu thụ tăng đều

Đây là yếu tố tích cực nhất trên thị trường cà phê vì cái nhìn của giới chuyên gia hàng hóa và tài chính vẫn ủng hộ cho mặt hàng đặc biệt này. Ít ra trong khoảng thời gian vài năm tới, tiêu thụ cà phê vẫn tăng chứ khó giảm mạnh để ảnh hưởng tích cực tới cung-cầu.

usdadec15tieuthu

Biểu đồ 1: Nhu cầu tiêu thụ cà phê tăng từ 2011 (USDA 12-2015)

Thật vậy, theo Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), từ 2011 nhu cầu tiêu thụ cà phê hàng năm tăng 1% (xin xem biểu đồ 1 phía trên). Dù tại các nước tiêu thụ cà phê truyền thống nhu cầu đang bảo hòa, các thị trường mới nổi và các nước sản xuất sẽ là đòn bẫy cho tăng trưởng tiêu thụ cà phê thế giới thời gian tơi đây.

Mất mùa đây, được mùa đó

usdadec15prod

Biểu đồ 2: Sản lượng cà phê không tăng (USDA 12-2015)

Tiêu thụ tăng, sản lượng thế giới nhìn chung cho năm 2016 không tăng mấy. USDA đánh giá sản lượng Brazil năm nay giảm 4,9 triệu bao cà phê do khô hạn. Tuy nhiên, dựa trên cung-cầu mà nói, nếu Brazil có mất mùa, USDA vẫn tin khối lượng cà phê từ các nước sản xuất khác có thể bù lượng thiếu này từ các nước xuất khẩu khác như Colombia, Honduras, Indonesia và Việt Nam (xin xem biểu đồ 2 phía trên).

El Nino cứu giá cà phê?

wsjdec15elnino

Biểu đồ 3: Cường độ El Nino 2015 vượt mức kỷ lục (WSJ 12-2015)

Hiện tượng thời tiết bất thường El Nino có thể giúp cho thị trường cà phê khó rớt giá dù vẫn biết sản lượng tương đối cân bằng như đã nói trên. Cường độ El Nino năm nay vượt qua các kỷ lục cũ (xin xem biểu đồ 3 phía trên). Chính vì thế đây cũng có thể trở thành điểm tích cực cho thị trường cà phê khi giá đang ở mức thấp.

Nhìn vào các điểm nhấn cung-cầu trên, dự báo của nhiều nhà phân tích thị trường đồng ý rằng khuynh hướng chung là từ yếu đến trung tính. Goldman Sach dực đoán năm 2016 giá cà phê sẽ tăng nhẹ nhờ qui luật bù trừ vì năm 2015 giá xuống quá mức, tuy nhiên với mức tăng 3% bình quân của giá hàng hóa, thì tỷ lệ ấy cũng chẳng bõ bèn gì với trượt giá trên sàn arabica (ước gần 40% từ đầu năm đến nay). Nếu kết hợp với các yếu tố tài chính và kỹ thuật trên 2 sàn cà phê hiện nay, đứng ngay thời điểm này mà nói, khi giá trị đồng USD tăng và sẽ còn tăng do FED tăng lãi suất cơ bản đồng USD đến cuối năm 2016, các quỹ đầu tư tìm nơi dễ kiếm ăn như thị trường cổ phiếu…thì khuynh hướng thị trường cà phê vẫn chưa có ngay những đột biến tăng dù nông dân làm cà phê và các nước sản xuất cà phê đang rất trông đợi.

Khó khăn riêng của hột cà phê Việt Nam

Tình hình chung của thị trường dựa trên các yếu tố cung-cầu như đã nói là khó khăn thực tế cho ai chấp nhận các lý giải trên là hợp lý. Với các sàn kỳ hạn, khuynh hướng được dự đoán đã khá rõ. Riêng giá cà phê nội địa Việt nam sẽ như thế nào?

Người làm cà phê, các nhà quản lý nhà nước và doanh nghiệp vẫn đang mong có những chuyển biến tích cực hơn về giá sau khi trải qua nhiều mùa giá cà phê nội địa cứ xuống dần, từ 52 triệu, xuống 47 triệu, rồi đến 42 triệu và nay chỉ còn quanh 33 triệu đồng/tấn, nếu dựa trên các yếu tố tiền tệ và thị trường như hiện nay, giá cà phê thị trường trong nước sẽ rất khó có một đột biến tăng nếu như VND không phá giá mạnh để cạnh tranh với các nước khác như Brazil, Colombia và Indonesia.

Nếu đồng tiền VND được phá giá, thị trường cà phê Việt Nam sẽ giải phóng giá và lượng xuất khẩu cà phê Việt Nam sẽ xuất bán mạnh vì nhu cầu tiêu thụ cà phê vối vẫn đang tốt. Cũng cần lưu ý rằng nhiều nguồn tin cho rằng sản lượng robusta của Brazil giảm do kho hạn tại vùng trồng lớn nhất loại cà phê này của Brazil là Espirito Santo, nhưng có thể xuất khẩu loại này của Brazil vẫn không giảm vì trước đây, Brazil giữ loại này lại tiêu thụ trong nước và làm cà phê hòa tan. Đó là cái khó vì giá trên sàn kỳ hạn dù thấp mấy, nhờ tỷ giá đồng nội tệ Brazil, Colombia, Indonesia, Honduras rẻ hơn đồng USD rất nhiều, nông dân vẫn bán mạnh mà vẫn có lời do giá nội địa cao.

Mặt khác, cái khó khăn nhất hiện nay đối với ngành cà phê Việt Nam rõ ràng không phải từ sản xuất vì nông dân cà phê quá cần cù thông minh, sản lượng và năng suất bao giờ cũng dẫn đầu thế giới đồng nghiệp nhiều nước phải kiêng nể, cũng không phải khó khăn để lọ mọ tìm thị trường xuất khẩu như các mặt hàng khác.

Cái khó khăn to nhất đó là ngành chưa tìm ra được một biện pháp khả dĩ từ hiện thực thị trường để tham mưu cho chính phủ nhằm đẩy hột cà phê đi ra khỏi nước đến với các thị trường nhập khẩu có một mức giá được nông dân chấp nhận.

Nguyễn Quang Bình

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

  1. nvh

    “Cái khó khăn hiện nay đối với ngành cà phê Việt Nam không phải từ sản xuất, cũng không phải tìm thị trường, đó là ngành chưa tìm ra được một biện pháp từ hiện thực thị trường nhằm tham mưu cho chính phủ để đẩy hột cà phê đi ra khỏi nước”.
    Xin hỏi tác giả Chính phủ không phải là người SX ra hạt cà phê, Chính Phủ không phải là nhà buôn cà phê??? thì cớ gì Chính Phủ đẩy hột cà phê đi ra khỏi nước?? cho đến lúc này tôi chưa thấy Chính Phủ dùng bất cứ biện pháp gì để giữ hạt cà phê do VN sản xuất, thì cớ gì ngành cà phê lại trông vào chính phủ có biện pháp đẩy hạt cà phê ra khỏi nước??

  2. Kieunhu

    Không biết bạn NVH có đọc kỹ bài viết k ? Có hiểu ý tác giả nói về việc tìm sự trợ giúp từ chính phủ k mà bạn phản hồi thấy … Nên xem xét lại !

    1. nvh

      thân gửi bạn @Kieunhu
      – Hạt cà phê Việt nam không hề bế tắc do không có đầu ra, khi nào hạt cà phê Việt bế tắc do không có đầu ra thì mới nói đến chuyện tìm giải pháp đẩy hạt cà phê ra khỏi nước?
      – Bản chất của ngành cà phê Việt là dòng chảy cà phê bị chặn đứng do hiện tượng “đắp bờ kháng giá” từ góc độ người sản xuất, Bên cạnh đó là hiện tượng đầu tư giá lên từ các nhà buôn nhỏ lẻ dưới hình thức mua tích trữ đầu cơ chờ đợi hưởng lợi từ chênh lệch giá
      Chính vì thế khi giá không tăng như kỳ vọng đầu tư thì dòng chảy cà phê sẽ bị chặn lại, Chính phủ không thể trợ giúp cho cách đầu cơ này đâu bạn Kieunhu !

  3. Trần Aka

    Tôi thực sự không hiểu ý này muốn nói gì : “cũng không phải khó khăn để lọ mọ tìm thị trường xuất khẩu như các mặt hàng khác.”

  4. truongcongtruc

    vì đa phần các nước sx càphê đều có chính sách bảo hộ cho nông dân . tôi nghĩ tác giả cũng mong muốn chính phủ Việt Nam cũng có những bước đi như vậy . còn nếu như không đáy hạt càphê ra khỏi nước thì ta sẽ bị mất khách hàng trên thương trường .

  5. nguyễn ngọc tiến

    càng ngày làm ăn càng khó giá cà phê,giá hồ tiêu,giá kén tằm….cứ đang trên đà đi xuống cái gì người dân mua thi cứ tăng đều điều thế này thì người dân biết lấy gì ăn

  6. Thaonguyen

    Theo mình thì ý bác Bình là Chính Phủ Việt Nam chúng ta cần ít nhiều theo các nước khác cùng sản xuất cà phê là phá giá VND để tạo điều kiện thuận lợi cho các DN XK cạnh tranh. Nhưng chính phủ phải tính toán nhiều mặt chứ không riêng gì hàng Xk nên không thể cách phá giá VND mạnh như các nước đó được.

  7. Nguyễn Quang Bình

    Cám ơn toàn bộ các bạn đã đóng góp ý kiến, bình luận. Một bài viết có phản hồi là tốt. Còn phản biện, phải một tầng khác. Người phản biện là người đọc hiểu hết ngóc ngách bài viết và cho ý kiến, dù là trái chiều. Trong khi đó phản hồi là thấy chi vui, không vui, thích hay không thích là ý kiến theo ý mình. Nhưng dù sao, như vậy mới vui. Nên có cháu Dương trong phản hồi ở một bài khác nói cũng có lý.

  8. Sáng_tiêutơ

    Theo ý kiến của tôi thì khâu ùn ứ duy nhất của ngành cà phê là khâu tỉ giá. Đồng tiền các nước xuất khẩu cà phê cạnh tranh trực tiếp với ta mất giá từ vài ba chục đến 70% trong khi VNĐ chỉ mất chừng vài % giá trị. Thử hỏi ta đấu với các nước bằng cách nào? Thôi thì chờ cho các nước ấy xuất hết vụ cũ vậy. Vì vụ mới họ đầu tư mới(đồng tiền đã mất giá), nhập khẩu vật tư, phân bón, bvtv…đã có mặt bằng giá mới thì họ mới hết lợi thế cạnh tranh thôi! Dân mình thôi đành chờ thêm 10_15tháng nữa vậy! Thân mến.

  9. Phạm Vỹ

    Dear Bác Bình,

    ( cũng như các anh em khác).

    Thực tế việc ách tắc xuất khẩu ( hay bán cà phê) lúc này có 1 phần do ảnh hưởng tỷ giá .

    Định nghĩa cụm từ “lúc này” : Đó là sau khi FED tăng lãi xuất thì giá trị USD gần như ngay lập tức giảm giá so với tất cả các đồng bạc khác , tuy nhiên đồng VND không tăng mà lại giảm ( quý vị có thể tham chiếu trên sàn NYSE) , có nghĩa là tỷ giá hối đoái VND/USD đang đẩy nợ công của VN tăng cao nếu như đồng VND của VN cũng bị phá giá theo USD để cứu xuất khẩu. và theo quan điểm của riêng mình thì USD lúc này không ảnh hưởng gì đến việc VND đang bị mất giá cả . Trong các báo hay nói cụm từ ” nới rộng biên độ tỷ giá” hay gì gì đó là 1 cụm từ mà nếu dịch ra tiếng anh để dân tài chánh đọc thì không phải dịch ra làm sao bởi người ta chỉ có 1 cụm từ là ” phá giá tiền “. Thậm chí vài ngày gần đây còn có tin là bắt đầu nhập siêu nữa kìa !

    Từ đó có thể suy ra , dù USD tăng lãi suất thì VND vẫn không thể tữ nhiên mà phá giá tiền được .

    Vậy câu hỏi là VND sẽ phá giá khi nào? và tại sao ?

    Câu hỏi này thật ra rất khó trả lời nhưng nếu ai quan sát trong suốt năm 2015 sẽ nhìn ra 1 điểm rất thú vị là mỗi khi đồng nhân dân tệ ( kí hiệu là RMB trên các sàn quốc tế còn ở VN ta hay nhìn thấy kí hiệu là CNY) phá giá thì ngay lập tức VND cũng chao đảo và phá giá theo .

    Giờ USD tăng lãi suất, có nghĩa là dòng USD sẽ bị hút về Mỹ và dòng USD chảy ra khỏi Trung Quốc ( các báo đăng FDI chạy vào VN cũng 1 mớ và có xuất xứ là tháo chạy khỏi China) ! Việt Nam chắc chắn không thể làm ngơ dòng chảy này và nếu khi USD tăng lãi xuất mà VN cũng phá giá theo nó thì có lẽ dòng chảy này cũng sẽ “nắn dòng” sang ngay 1 nước khác …

    Không phải là các cán bộ điều phối của chính phủ không thấy điều này ( i guess) nhưng họ có lẽ đã phải cân nhắc trước những lựa chọn khó khăn này.

    Trước mắt mà mong phá giá VND để tăng xuất khẩu cà phê thì e rằng là điều không thể , theo tui chỉ khi CNY ( hay RMB) phá giá, lúc đó VND sẽ ” lọ mọ” phá giá theo mà thôi .

    Phạm Vỹ

  10. Phạm Vỹ

    Copy và Paste 1 đoạn bình luận của 1 người khác về tình hình Brazil khi ” cố tình ” phá giá đồng BRL so với USD. Copy và trích nguyên văn.

    ” Nền kinh tế Brazil, quốc gia có số dân đông nhất Nam Mỹ với 202,77 triệu dân, sở hữu diện tích rộng lớn đến 8.514.877 km², lớn gần gấp 26 lần lãnh thổ VN.

    Trong năm 2014, sản lượng kinh tế GDP của Brazil là 2.346,12 tỷ USD (sụt giảm 269 tỷ USD so với năm 2011), tức chiếm 3,78% sản lượng GDP của nền kinh tế thế giới. Dự kiến sản lượng GDP của Brazil trong năm 2015 chỉ vào khoảng 1,9 ngàn tỷ USD, điều đó có nghĩa là Brazil rơi xuống hạng 8, chỉ xếp trên Italy, Canada, nhưng đứng sau Mỹ, TQ, Nhật, Đức, Anh, Pháp, Ấn Độ.

    Vì năm 2011, sản lượng kinh tế của Brazil đạt 2.615,19 tỷ USD, khi giá dầu thô và giá hàng hóa tăng kỷ lục, đây cũng là mức cao nhất mà Brazil có được để vươn lên thứ hạng 6 các nền kinh tế lớn nhất thế giới chỉ xếp sau Mỹ, TQ, Nhật, Đức, Pháp, và đứng trước Anh, Ý, Nga, Ấn Độ.

    Hãy nhớ rằng, kể từ năm 2006, Brazil mới chính thức lọt vào hạng thứ 10 của các nước có nền kinh tế lớn nhất thế giới, và dự báo của IMF thì Brazil sẽ là nền kinh tế xếp thứ 4, vượt qua Đức vào năm 2016. Bây giờ đồng Real giảm giá trị, nền kinh tế Brazil rơi cuống vực thẳm và chỉ xếp trước Ý và Canada, xếp sau Ấn Độ, sản lượng kinh tế của Brazil từ mức cao ngất ngưởng là 2.615,19 tỷ USD trong năm 2011, có lúc tưởng chừng năm 2015 sản lượng kinh tế của Brazil đã vượt Pháp với khoảng cách lớn lao thì dự báo năm 2015 chỉ còn 1,9 ngàn tỷ USD.

    Nguyên nhân vì đâu? Công thức đơn giản. Tổng sản phẩm trong nước (GDP) ở Brazil khả quan nhất là 2,60% trong quý thứ 2 của năm 2015, quý thứ 3 còn tồi tệ hơn âm -1,7%. Trong hơn 10 tháng đầu năm nay, đơn vị tiền tệ của Brazil (BRL) đã mất 37,2% trị giá so với đồng USD. Tính từ cuối năm 2012 cho đến hết tháng 11/2015, đồng nội tệ BRL của Brazil đã mất 60% giá trị của nó so với đồng USD. Nhưng cũng không cứu vãn được cho ngành xuất khẩu của Brazil nhờ đồng BRL rẻ.

    Vì sao vậy, công thức đơn giản, GDP bình quân đầu người được tính bằng cách chia tổng sản phẩm quốc nội của quốc gia này, nó được điều chỉnh bởi lạm phát, bởi dân số thì nó chốt ở mức 5.969,68 USD. Trong khi, GDP bình quân đầu người PPP thu được bằng cách chia tổng sản phẩm quốc nội của toàn quốc, được điều chỉnh bởi sức mua tương đương tính theo dân số lại lên mức khá cao là 15.412,29 USD (Nguồn WB thống kê).

    Thật không may, khi thu nhập của người dân đã tăng, nếu đồng nội tệ BRL của Brazil bị trượt giá, nhiều nhà phân tích kinh tế tại VN hay lý luận rằng một đồng tiền được định giá thấp sẽ nâng đỡ cho xuất khẩu. Đây là lý luận thiếu kinh nghiệm, nó chỉ là cái mớ lý thuyết kinh tế lạc hậu chỉ suốt ngày ôm tập tài liệu giáo trình cũ kỹ và lý thuyết vô dụng.

    Vì sao vậy, đó là các nhà kinh tế tại VN đã quên mất một điều, với một quốc gia như Brazil thu nhập trung bình với mức khá so với các nước láng giềng, khi bán hàng giá thấp nhờ đồng bạc bị trượt giá sẽ là rất tốn kém để duy trì một thời gian dài, các phí tổn chi phí của các khoản trợ cấp cho xuất khẩu của Brazil nếu càng kéo dài thì càng làm tăng thêm nợ quốc gia, và đây là công thức để thức đơn giản phá hủy sức tiêu dùng nội địa trong nước. Nếu cộng thêm sự phụ thuộc vào xuất khẩu yếu vì chi phí quá cao vì đồng nội tệ trượt giá quá nặng hậu quả cuối cùng kéo nền kinh tế rơi xuống vực thẳm, phải mất nhiều năm thì nền kinh tế Brazil mới lấy lại được con số GDP tạo ra 2.615,19 tỷ USD trong năm 2011 trước đây.

    Trong tháng 11/205, tỷ lệ lạm phát của Brazil lên đến 10,48%, lãi suất chỉ đạo, hay lãi suất cơ bản được thực hiện bởi Ngân hàng Trung ương của Ủy ban Chính sách Tiền tệ của Brazil (COPOM) lên đến 14,25%. Trong khi lãi suất các khoản vay của các ngân hàng thương mại cho các cá nhân và các công ty tư nhân, hộ gia đình vay lên đến 64,75%. Lợi suất trái phiếu chính phủ bằng ngoại tệ tăng lên đến 15,91%. Ngần ấy thống kê thôi đã cho thấy nền kinh tế Brazil đang rơi xuống vực vì đồng nội tệ trượt giá quá nặng.

    Cần biết rằng, năm 2014, nợ chính phủ như theo phần trăm của GDP của Brazil là 58,91%. Tuy nhiên đến hết tháng 11/2015, tỷ lệ nợ công của Brazil đã lên tới 67,30 % tổng sản phẩm nội địa GDP, gần mức trần nguy hiểm mà quốc tế ấn định là 70%, nó hoàn toàn giống những gì đang diễn ra ở VN, khi mức nợ công ngày càng gia tăng. Dự trữ ngoại hối của gần đây nhất là hết tháng 11/2015 đã giảm xuống còn 352 tỷ USD, sụt giảm 10 tỷ USD so với mức 362 tỷ USD trong tháng 10/2015, dự trữ vàng chỉ có 67,5 tấn vàng.

    Đây là tài sản quốc gia duy nhất mà Brazil còn có để cầm cự, để thị trường tài chính còn tín nhiệm là rổ tiền duy nhất để trấn an giới đầu tư và để chống chọi khó khăn của quốc gia này, nhưng đáng ngại, các khoản nợ nước ngoài ở Brazil đến hết tháng 11/2015 này đã tăng lên 350 tỷ USD vì đồng đồng Real giảm giá trị quá nặng. Xuất khẩu giá rẻ không bù được phí tổn trả lương, và phí tổn trả nợ vì đồng bạc mất giá tồi tệ.

    Đối với VN, sắp tới, nếu như đơn vị tiền tệ VND của VN bị phá giá thì nó cũng bình thường, nhưng hãy mỉa mai những kẻ mang mác “tiến sĩ” đăng đàn giải thích rằng, đồng nội tệ VND bị phá giá là có lợi cho xuất khẩu. Đó là cách giải thích thiếu suy nghĩ, cần hạn chế những chuyên gia kinh tế kiểu này đăng đàn.

    Cụm từ “điều chỉnh tỷ giá” có lẽ là phát minh vĩ đại nhất trong lịch sử kinh tế thế giới, cũng như thị trường tài chính. Đơn giản, nếu nói “điều chỉnh tỷ giá” có lẽ các tay đầu cơ tài chính giỏi nhất Phố Wall nên sang VN học tập, và khỏi cần lập mô hình phân tích các nền kinh tế, hay phân tích thị trường tài chính để biết khi nào mua vào đồng tiền kia, hay bán đồng tiền đó để kiếm lời nhờ tỷ giá tăng hay giảm.

    (*) Tỷ giá đồng USD/BRL cho thấy, đồng BRL trượt giá tồi tệ một giai đoạn ngắn, đồng BRL trượt giá không kém gì đồng nội tệ VND của VN, và hiện nay còn khoảng 3,8873 BRL mới đổi ra được 1 USD, ta xem như 3,89 BRL đổi ra 1 USD. Khi nền kinh tế phồn thịnh năm 2011, thì giá trị đồng BRL xê dịch trung bình chỉ 1,67 BRL đổi ra 1 USD. Tại VN, trong thời gian tới chúng ta sẽ thấy những như luận viên “chuyên gia kinh tế cao cấp” sẽ lý luận đồng nội tệ VND cần được “điều chỉnh” hay cần phá giá để điều chỉnh thích ứng nhằm dành lợi thế cạnh tranh trong xuất khẩu.

  11. Nguyễn Quang Bình

    Chính sách tiền tệ của NHNN ta hiện nay không ủng hộ xuất khẩu dù nhiều mặt hàng nông sản hàng hóa sản xuất ra đều định hướng xuất khẩu. Đó là một nghịch lý mà các hiệp hội ngành hàng cùng với NHNN cần tìm biện pháp thỏa đáng. Điều này bản thân doanh nghiệp và nông dân cà phê (chẳng hạn) không thể tự giải quyết. Câu này để trả lời cho phản hồi của bạn “nvh” phía trên.
    Vừa qua thống đốc NHNN đòi đưa lãi suất đồng USD về 0. Có thể ý là tốt vì hạn chế lưu thông USD trong nền kinh tế. Nhưng tình hình chung phá giá tiền tệ khắp nơi, chắc gì VND sẽ không phá giá? Như vậy, ai dại bán đồng USD trong lúc này để lấy tiền VND bỏ vào ngân hàng kiếm lời?
    Nhưng với con mắt của nhà kinh doanh hàng hóa, khi ủng hộ giảm lãi suất USD NHNN chắc sẽ tăng lãi suất huy động VND để mong người có USD thả ra để với vào tiền VND. Liệu lãi suất cho vay sẽ tăng? Đây là điều mà doanh nghiệp đang lo ngại trong khi họ đang cực kỳ khó khăn vì hệ lụy lãi suất trên trời của các năm trước.
    Trong bài, tôi có nói nông dân ta giỏi nhất thế giới trong sản xuất, thị trường cũng không còn phải lọ mọ đi tìm vì đã có sẵn, cái thiếu nhất là cùng tìm biện pháp để ngưng đà giảm thị phần xuất khẩu. Thị phần không đợi ta mà ta phải tự chủ giành thị phần.

  12. thaonguyen

    Thực tế thì không phải tới khi chính phủ kêu gọi hoặc có biện pháp ngăn chặn thì mới gọi là giữ hạt cà phê mà trong lĩnh vực XNK thì vấn đề tỷ giá vô cùng quan trọng.
    Chính sách tỷ giá nó có thể khuyến khích XK hoặc làm hạn chế XK. Trong năm 2015 khi hầu hết các nước trên thế giới đều phá giá đồng tiền của họ từ đồng EURO, Yen Nhật, hay CNY cùng nhiều nước khác đều phá giá so với USD thì việc Việt Nam chúng ta chỉ điều chỉnh 3% trong năm 2015 làm rất khó khăn cho các DN xuất khẩu Việt Nam chúng ta cạnh tranh với các DN ở các nước khác trong đó có mặt hàng cà phê. Điều này lý giải cho tại sao Brazil vẫn xuất mạnh trong khi Việt Nam chúng ta lại phải kháng giá do giá quá thấp.

Tin đã đăng