(25-11-2015) Giá robusta tăng nhờ arabica ứng cứu

Giá cà phê vối robusta trên thị trường nội địa tăng lại 200.000 đồng/tấn so với hôm qua tiếp sau khi giá cà phê trên các sàn kỳ hạn đóng cửa tăng. Sáng nay 25-11, giá giao dịch nhiều nơi trên thị trường nội địa quanh mức 34,2-34,7 triệu đồng/tấn.

Giá kỳ hạn cà phê chè arabica New York đã giữ vững và tăng khá, giúp sàn kỳ hạn cà phê vối robusta vượt qua vùng dương ngoạn mục. Trước đó, giá robusta rớt trên 20 USD/tấn khi có tin sàn kỳ hạn robusta London sẽ áp dụng mức phạt lưu kho lâu cho hàng trên 1 năm với mức 5 USD/tháng/tấn và hàng trên 3 năm với 10 USD/tháng/tấn kể từ quý 2-2016.

Giá chứng khoán tại châu Âu lảo đảo ngày hôm qua khi có tin Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ chiếc máy bay chiến đấu của Nga, tạo căng thẳng giữa các bên. Đây cũng là yếu tố giúp một số sàn kỳ hạn hàng hóa hứng vốn từ các sàn chứng khoán.

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 24-11, sàn arabica đạt 124.50 cts/lb, tăng 2.05 cts/lb và sàn robusta mở cửa tăng như dự kiến, tiếp theo là một đợt giảm mạnh để rồi cuối cùng tăng 13 USD đạt 1579 USD/tấn trong khung dao động 1584/1543.

Dù arabica tăng kéo robusta lên, giá đóng cửa sàn arabica vẫn chưa đủ mạnh để tăng lâu bền trong giai đoạn này.

Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) trong báo cáo mới nhất đã ước báo rằng sản lượng cà phê của Việt Nam niên vụ 2015-2016 đạt 29,3 triệu bao, cao hơn mức ước báo cũ là 28,6 triệu bao. Lý do: nước phục vụ cho vụ mùa khá ổn thỏa nhờ nông dân ứng dụng cách tưới tiêu tiết kiệm và mưa hợp lý ở những giai đoạn quan trọng trong thời gian hoa và trái sinh trưởng.

USDA cũng cho rằng xuất khẩu cà phê Việt Nam sẽ tăng lại chừng 30% trong niên vụ này do được mùa và hàng trước đây được giữ lại do giá thấp trên sàn kỳ hạn chưa muốn bán. Như vậy, theo USDA, nếu như xuất khẩu cà phê Việt Nam năm ngoái chỉ đạt 22,1 triệu bao giảm 22% thì khả năng năm nay lên 28,7 triệu bao.

Dự kiến sàn robusta Ice robusta London tháng 1-2016  mở cửa chiều 25-11  tăng nhẹ.

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

  1. Trần Kiên

    Tình hình giá Cà phê như thế này chắc hái xong, ra năm không có nước tưới nữa là chặt hết. Chuyển đổi cây trồng thôi, theo mãi như thế này đuối lắm rồi. Cà thì mất mùa, mất giá 2 năm liên tiếp không còn niềm tin để đầu tư nữa.

  2. Ngọc nguyễn

    Tôi năm nay chuyển 1ha sang tiêu để lại 1ha cafe cho chắc . Chứ giá này thì quá bèo rồi .Theo mình thì còn phải 2 năm -> 4 năm nữa may chăng mới có giá tốt . Vậy bà con mình cố mà chịu thắt lưng heng .

  3. manh tuan

    Theo mình thì bà con nên đa dạng cây trồng lên để ko bị lệ thuộc .

    Sen canh tiêu , sầu riêng , bơ trong vườn cà phê rất hay đấy .

  4. Phí Luật Tân

    Ở đời, cái gì hiếm thì mới quý thì mới có giá hời. Việt Nam ta trồng quá nhiều cà phê, hút bao dưỡng chất và nước từ đất mẹ, hứng bao mưa rơi từ cha trời, nhưng người được hưởng lợi là các công ty đa quốc gia ở các nước nhập khẩu, và người tiêu dung ở bển được hưởng lợi nhờ giảm giá hàng tiêu dùng, còn nông dân ta thì càng ngày càng kiệt quệ. Bà con muốn chuyển đổi cây trồng lắm nhưng không có vốn. Nếu các bác VinGroup, TH true milk, Bầu Đức, … hỗ trợ bà con trồng cỏ nuôi bò sữa thì ta đỡ phải nhập khẩu sữa bột về uống, uống sữa hơn uống cà phê các bác ạ.

    1. Trần Quốc Cường

      Bác này nói có lý, nếu chuyển đổi một phần diện tích trồng cà phê không có năng suất cao, chất lượng cao, giá trị cao, … sang trồng cỏ nuôi bò thì vừa được bò vừa góp phần tăng giá cho phần cà phê còn lại, vì khi cà phê it đi thì giá sẽ tăng lên thôi mà, thật là nhất cử lưỡng tiện.

Tin đã đăng