Giá cà phê trên sàn kỳ hạn robusta London tăng lại dù chỉ mới lấy gần 1/3 những gì đã mất cuối tuần qua. Giá sàn này “xì hơi” vào ngày thứ năm tuần trước (5-11) và thực sự bị kéo xuống sâu vào ngày thứ sáu sau đó. Người giao dịch trên sàn cho rằng do sức chốt bán mạnh vào ngày thứ năm từ phía Việt Nam nên giá London giảm nhiều, dĩ nhiên còn một số yếu tố khác như tiền tệ, thời tiết và vị thế kih doanh đầu tư trên sàn, họ muốn bán bớt khi đã mua khống nhiều trên sàn. Nói thật ra, lực lượng hàng giấy hình như đang làm chủ tình hình trên sàn, còn lượng hàng thực với giá nội địa mức 35 triệu đồng/tấn, thiết nghĩ sức bán không nhiều để nói giá xuống là “do bán nhiều”.
Theo dõi hai sàn cà phê ngày giao dịch đầu tuần hôm qua (09-11) mới thấy sàn robusta đang kéo sàn arabica đi. Chỉ khi robusta đóng cửa, sàn arabica mới yếu và trả hết những gì nhặt được đầu phiên.
Đóng cửa sàn kỳ hạn cà phê chè arabica New York chỉ dương 0.20 cts/lb ở mức 121.35 cts/lb trong khi sàn cà phê vối robusta London tăng 21 USD/tấn lên 1625 USD/tấn khi đóng cửa.
So sánh 2 sàn, giá cà phê chè arabica New York yếu mấy ngày nay nhờ nhiều yếu tố: giá xuống thấp, nước xuất khẩu số 1 robusta không bán ra vì đồng VND mạnh hơn nhiều, không bị phá giá như các đồng tiền khác. Mặt khác, tin lâm râm rằng các vùng robusta tại Brazil khô hạn, Brazil là nước sản xuất cà phê vối lớn thứ hai thế giới. Tuy nhiên, người viết vẫn chưa tin điều này vì Brazil vẫn xuất khẩu mạnh robusta ra thị trường thế giới nhờ giá cách biệt giữa hai loại làm người Brazil so sánh bán robusta lợi hơn vì giá được hơn, theo phép so sánh giá giữa hai loại cà phê arabica với robusta.
Mặt khác, khối các nước mới nổi BRICs (viết tắt của các tên nước Brazil, Russia-Nga, India-Ấn độ, Chiana-Trung quốc và South Arica-Nam Phi) xem như đã biến mất sau những đợt cọ xát với kinh tế thị trường nhờ lôi cuốn mạnh được đầu tư, nay mỗi nước sứt đầu mẽ trán mỗi nước một kiểu.
Dự kiến sàn robusta Ice robusta London tháng 1-2016 mở cửa chiều 10-11 giảm nhẹ.
Nguyễn Quang Bình