Trong một bản tin đưa đi cuối tuần trước (29-10-2015), hãng tin Reuters báo rằng khối lượng cà phê vối robusta hay “conillon” như người Brazil thường gọi được Brazil xuất bán rất nhiều qua sàn kỳ hạn. Tuy nhiên, một số hãng rang xay vẫn còn khá ngần ngại khi phải thay đổi công thức phối trộn từ cà phê vối robusta của Việt Nam sang dùng cà phê conillon của Brazil.
Bản tin lấy lời nhận định của nhiều hãng kinh doanh châu Âu và nhấn mạnh rằng xuất khẩu cà phê vối robusta Brazil sang châu Âu tăng mạnh nhờ kỹ thuật sản xuất hiệu quả hơn, thay đổi công thức trộn cà phê ở Brazil và đồng nội tệ Real Brazil yếu.
Bình thường, các hãng rang xay tại châu Âu vẫn sử dụng nhiều cà phê vối robusta Việt Nam, nhưng nay do năng suất cà phê vối robusta của Brazil tăng, cộng với chuyện ngay tại Brazil các hãng rang xay chuyển sang dùng cà phê arabica chất lượng cấp thấp để trộn, gặp lúc đồng nội tệ Real Brazil phá giá mạnh so với đồng USD có lợi cho xuất khẩu, đã kích một lượng lớn hàng cà phê vối robusta Brazil bán sang châu Âu.
“Brazil đang trở thành một nước sản xuất cà phê vối robusta có hiệu quả hơn. Nhiều hãng rang xay đang tìm cách sử dụng cà phê vối robusta của nước này,” Reuters dẫn ý kiến của một nhà kinh doanh nói như thế.
Trong 9 tháng đầu năm 2015, xuất khẩu robusta từ Brazil sang châu Âu đạt chừng 1,4 triệu bao, dữ liệu xuất khẩu cà phê Brazil cho biết.
Cách đây 10 năm, xuất khẩu loại cà phê này sang châu Âu của Brazil chỉ chừng 400.000 bao, nhưng nhiều nhà phân tích cho rằng khối lượng tăng khá vững từ cách nay 18 tháng.
Hầu hết cà phê vối robusta của Brazil đều được chuyển qua sàn kỳ hạn để được cấp chứng nhận đạt chuẩn để có thể đấu giá trên sàn kỳ hạn Ice châu Âu, còn vài người khác phát hiện một lượng hàng robusta Brazil nữa bán trực tiếp cho các hãng rang xay Italia, các nhà kinh doanh nói thế.
Có một nhà kinh doanh đưa lời thế này: “Nếu tôi là một nhà rang xay, chắc tôi sẽ phải dùng hàng xuất xứ Brazil như là một hướng chọn lựa thay thế hàng từ Việt Nam”.
Anh ta nói tiếp: “Có lý chứ không phải không đâu, các hãng rang xay nên tìm cà phê robusta xuất xứ khác để chia sẻ rủi ro, nhỡ như trường hợp có chuyện gì đó Việt Nam không cung cấp được thì sao”.
Tuy nhiên, nhiều nhà kinh doanh khác thì cho rằng một số hãng rang xay vẫn tỏ ra thận trọng khi dùng nhiều robusta Brazil để phối trộn vì sợ ảnh hưởng đến vị nếm của tách cà phê vốn khách tiêu thụ đã xài quen hàng Việt Nam.
Cà phê vối robusta Brazil có thị trường tiêu thụ lớn ở ngay tại nội địa nước Brazil và Mỹ.
Tuần trước, các hãng kinh doanh châu Âu chào bán robusta Brazil tương đương với loại 2 tối đa 5% hạt đen vỡ của Việt Nam ở mức cộng 70 USD/tấn FOB và hàng từ Việt Nam ở mức từ cộng 30-70 USD/tấn FOB trên giá niêm yết sàn kỳ hạn London. FOB là điều kiện giao hàng qua lan can tàu, tiền chuyên chở do người mua chịu.
Các nhà kinh doanh ở châu Âu đoán rằng lượng robusta từ Brazil sang châu Âu sẽ chậm lại trong năm tới vì thời tiết khô hạn kéo dài tại các vùng trồng robusta Brazil làm giảm sản lượng loại này.
Phạm Kỳ Anh, theo Reuters
Mất thị phần vào tay Brazil rồi .
“Trong 9 tháng đầu năm 2015, xuất khẩu robusta từ Brazil sang châu Âu đạt chừng 1,4 triệu bao, dữ liệu xuất khẩu cà phê Brazil cho biết.
Cách đây 10 năm, xuất khẩu loại cà phê này sang châu Âu của Brazil chỉ chừng 400.000 bao, nhưng nhiều nhà phân tích cho rằng khối lượng tăng khá vững từ cách nay 18 tháng.”
Trong 10 năm mà xuất khẩu loại này chỉ tăng có 1 triệu bao ( khoảng 60.000 tấn) khi Việt Nam kháng giá thì đâu có gì là ghê gớm đâu.
Giá cà Conilon của họ đang chào có chất lượng tương đương cà R 2% đen bể của chúng ta nhưng mức cộng 70 còn chúng ta từ cộng 30-70 vậy thì còn muốn gì nữa? Khi bán hết cà Conilon rồi thì sắp tới có cộng 100 thì Brazil cũng chẳng có đâu mà bán. Lo mất thị phần thì hạ xuống bán bằng 0 hay trừ lùi cho khỏi mất đây?
Theo quan điểm của mình thì người sản xuất , sản xuất ra sản phẩm thì nên tìm cách bán ra . Chứ không nên mua vào trữ , cũng ko nên kỳ vọng nhiều . Cứ có lời là phải bán dần ra .
Tránh tính trạng như năm nay .