Tạo dựng thương hiệu hàng nông sản bền vững

phoi-ca-pheChúng ta tự hào về sản lượng hàng nông sản như cà phê, gạo, hạt điều, chè đều đứng “hàng top” cao thị trường xuất khẩu thế giới. Tuy nhiên, xét về mặt chất lượng và sự đa dạng hóa các sản phẩm xuất khẩu, đặc biệt là về thương hiệu thì không phải lúc nào cũng làm tốt, điều quan trọng là cần khẳng định thương hiệu hàng nông sản quốc gia bền vững từ những sản phẩm nông nghiệp chủ đạo ngay tại cơ sở.

Đơn cử, chè Thái Nguyên đã vang danh khắp trong Nam ngoài Bắc và cả bạn bè quốc tế nhưng nâng tầm giá trị của sản phẩm này ở tầm quốc gia thì chưa có văn bản nào công nhận. Chúng ta có quyền tự hàng về bưởi, chè, cà phê, gạo… và thương hiệu danh tiếng đó chỉ vang danh qua dân gian, qua những con số thành tích về sản lượng, chưa có một mặt hàng nông sản mang tính thương hiệu quốc gia. Điều mong mỏi đó không chỉ là mang lại giá trị kinh tế mà còn là niềm tự hào của mỗi người dân, đặc biệt là những người dân đang ngày đêm lao động để tạo ra những giá trị đó.

Chúng ta hoàn toàn tự hào về vựa lứa ở các tỉnh phía Nam, ở một góc độ nào đó có thể khẳng định nước ta là “kho lương thực” của thế giới, nếu làm tốt việc quảng bá, xây dựng thương hiệu mang tính chiến lược bằng chất xám thực sự thì giá trị hàng nông sản của Việt Nam sẽ có chỗ đứng vững chắc và hoàn toàn có thể cạnh tranh trên toàn cầu. Để thành công được điều đó, cần sự nỗ lực của rất nhiều người, phối hợp giữa các tổ chức, đặc biệt là ý thức về xây dựng thương hiệu của chính ngay các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu nông sản Việt Nam.

Ông Lê Đăng Doanh – chuyên viên kinh tế cao cấp – đã từng cho rằng, xây dựng chiến lược thương hiệu của doanh nghiệp Việt Nam rất kém, chỉ có 32% DN trong tổng số các DN xuất khẩu nông sản có chiến lược cụ thể, 45% không có chiến lược cụ thể, 49% không quan tâm với lý do hàng vẫn bán và doanh số vẫn tăng. Một điểm yếu nữa của doanh nghiệp Việt Nam là tính đoàn kết trong chia sẻ lợi nhuận yếu, vì thế không liên kết được với nhau trong xây dựng chiến lược tạo thương hiệu lâu dài. Điều này cũng lý giải cho câu hỏi chưa có lời giải: Vì sao thương hiệu nông sản Việt vẫn mờ nhạt?

Theo đánh giá của các chuyên gia xuất khẩu nông sản thì hiện nay, nước ta đang đứng thứ 5 thế giới về xuất khẩu chè và có tới 110 nước biết đến sản phẩm này của Việt Nam. Tuy nhiên, tại buổi họp báo hội nghị Xúc tiến Đầu tư và thương mại ngành chè năm 2009, Hiệp hội Chè cho biết, giá chè của Việt Nam chỉ bằng 1/2 giá chè bình quân trên thế giới, 98% lượng chè xuất khẩu là ở dạng nguyên liệu thô. Hiện nay, giá chè xuất khẩu bình quân của Việt Nam chỉ ở mức khoảng 1.100 USD/tấn, trong khi giá bình quân trên thị trường thế giới là 2.200 USD/tấn. Chưa kể, một số khách hàng của ngành chè Việt Nam tại Anh, sau khi mua chè nguyên liệu về chế biến đã bán ra với giá khoảng 9.800 USD/tấn.

Xảy ra tình trạng trên là do 98% lượng chè xuất khẩu của nước ta đều ở dạng nguyên liệu thô, đóng bao 50 kg. Chúng ta cũng có tới 635 nhà máy chế biến nhưng vùng nguyên liệu có nơi chỉ đáp ứng được 40% nên đã dẫn tới tình trạng tranh mua, tranh bán nguyên liệu. Một điều đáng nói nữa là chất lượng sản phẩm không đồng đều, kéo giá bán xuống thấp. Giá trị sản lượng thì cao, nhưng giá trị thương mại lại thấp, dẫn đến hiệu quả của các mặt hàng nông sản xuất khẩu cao.

Những người dân ở các tỉnh miền núi chỉ mong chờ vào những loại cây có giá trị xuất khẩu cao như cây chè những mong xóa đói, giảm nghèo, cải thiện cuộc sống nhưng nếu cứ xuất khẩu thô và bị cạnh tranh ép giá … thì quả là những lãng phí không đáng có. Hiện này, cây chè đã được phát triển ở 34 tỉnh, với khoảng 6 triệu lao động tham gia. Kim ngạch xuất khẩu mỗi năm ngành chè thu về khoảng 130-140 triệu USD. Năm 2008, số liệu thống kê diện tích trồng chè của cả nước là 131 nghìn ha.

Theo kế hoạch đến 2015 sẽ nâng diện tích này lên 150 nghìn ha. Nếu phát triển được những giống chè mới đạt năng suất khoảng 12 tấn búp tươi /ha tương đương với 2,5 tấn khô/ha và giá xuất khẩu đạt mức 3.000 USD/tấn, thì chè hoàn toàn có thể trở thành cây xoá đói giảm nghèo. Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Đắk Lắk, niên vụ cà phê 2009-2010, Đắk Lắk chỉ đạt năng suất từ 22 đến 23 tạ cà phê nhân/ha, sản lượng cà phê nhân đạt 400.000 tấn. Đây cũng là sản phẩm thế mạnh, tạo công việc làm, xóa đói giảm nghèo đối với đồng bào các tỉnh Tây Nguyên cần được khẳng định thương hiệu bền vững.

Để phát huy được giá trị hàng nông sản Việt Nam trên trường quốc tế rất cần sự tham gia của các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Về lâu dài, người nông dân rất cần được hỗ trợ vốn, thiết bị kỹ thuật hiện đại để phục vụ cho sản xuất, chế biến, ngoài ra còn cần được tư vấn chuyển giao khoa học kỹ thuật… Thêm vào đó, bản thân người nông dân cũng cần có ý thức trong việc tạo ra những sản phẩm có chất lượng cao.

Trong tương lai, mỗi hỗ nông dân cần làm chủ máy móc, công nghệ, có ý thức cao hơn trong việc xây dựng uy tín thương hiệu cho các sản phẩm. Bên cạnh đó, các nhà xuất khẩu cũng cần đa dạng hóa các mặt hàng xuất khẩu, cải tiến bao bì, nhãn mác… nâng cao chất lượng hàng hóa, khẳng định thương hiệu danh tiếng cho sản phẩm nông sản.

Trong tương lai gần, nhà quản lý, doanh nghiệp và người nông dân cần kết hợp chặt chẽ hơn trong việc xây dựng thương hiệu hòa hóa xuất khẩu, việc khẳng định thương hiệu phải bắt nguồi từ cơ sở, từ chính những người nông dân làm ra sản phẩm đến các doanh nghiệp xuất khẩu… Để xây dựng được thương hiệu nông sản, các doanh nghiệp Việt Nam phải chế biến sâu hơn, huy động trí sáng tạo của người dân. Các doanh nghiệp cần bỏ quan niệm cạnh tranh bằng cách hạ giá thành, mà phải xây dựng thương hiệu và cạnh tranh bằng các dịch vụ kèm theo.

Đã đến lúc các doanh nghiệp cần xây dựng thương hiệu bằng chất xám, trước hết phải xây dựng lực lượng lao động kỹ thuật cao. Có như vậy, chúng ta mới khẳng định giá trị hàng hóa mỗi khi xuất khẩu. Khi đó, thương hiệu sản vật quốc gia sẽ được khẳng định trên thị trường quốc tế.

Theo Báo ĐCSVN

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Tin đã đăng