Niên vụ cà phê 2008-2009 vừa qua, sản lượng cà phê thu được và xuất khẩu đều tăng so với niên vụ trước, nhưng lại là niên vụ thất bát đối với cả người trồng lẫn nhà xuất khẩu.
Xem thêm > Đắk Lắk: Dành 7.805 tỷ đồng cho vay thu mua cà phê trong vụ mới
Lỗ vì thiếu chuyên nghiệp
Niên vụ cà phê 2008 – 2009, toàn tỉnh Đắk Lắk có 173.233ha cà phê kinh doanh, sản lượng đạt 415.494 tấn, cao nhất trong vòng 5 năm trở lại đây, nhưng theo những người trồng cà phê lại là niên vụ thất bát vì giá bán chỉ đạt bình quân 25.000 đồng/kg, thấp hơn niên vụ trước trên 22%; sản lượng xuất khẩu đạt 326.738 tấn, tăng 6%, nhưng chỉ đạt kim ngạch gần 500 triệu USD, giảm hơn 21% so với niên vụ trước.
Có nhiều ý kiến cho rằng, do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế thế giới khiến sức mua nhiều mặt hàng giảm mạnh, trong đó có cà phê.
Điều này chỉ đúng một phần, bởi nguyên nhân làm cho giá cà phê giảm còn do cách làm thiếu khoa học, phân tán, không chuyên nghiệp của không ít người sản xuất và doanh nghiệp (DN) xuất khẩu. Đối với người sản xuất, việc thu hái, chế biến không khoa học đã làm ảnh hưởng đáng kể đến chất lượng cà phê.
Một cuộc điều tra, khảo sát tình hình sản xuất, chế biến cà phê của hơn 100 hộ dân (chọn ngẫu nhiên ở 4 huyện sản xuất cà phê lớn của Đắk Lắk là Krông Buk (cũ), Krông Pak, Cư M’gar và Krông Ana) do Tiến sĩ Nguyễn Văn Thường, Viện Khoa học Kỹ thuật Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên tiến hành mới đây cho thấy, trong khối quả thu hái của nông dân có gần 52% quả chín, hơn 32% quả xanh, khoảng 9% quả chín nẫu và 4,5% là quả khô.
Việc thu hái lẫn nhiều quả xanh cộng với thực trạng phần lớn nông dân sử dụng sân đất để phơi hoặc ủ lại thành đống sau khi thu hái là nguyên nhân làm gia tăng hạt đen, nâu sau này. Niên vụ 2008-2009, chất lượng cà phê giảm nghiêm trọng, tổng số điểm của các lỗi tăng rất nhiều, nhất là lỗi hạt đen, nâu và mốc. Cũng theo kết quả khảo sát trên, tổng số lỗi trong mẫu 300 gram nhân trung bình toàn tỉnh là 375, cao gấp 2,35 lần so với niên vụ trước.
Thực tế cho thấy, nếu không tái chế, cà phê của nông dân Đắk Lắk sẽ không đạt chuẩn hạng 1 và 2 theo TCVN 4193-2005 vì vượt quá 150 lỗi/300 gram. Đối với xuất khẩu, kim ngạch giảm không chỉ vì lý do cà phê kém chất lượng, nhu cầu tiêu thụ giảm mà còn vì cách làm ăn thiếu chuyên nghiệp, thiếu liên kết của các nhà xuất khẩu, trong đó, phần lớn DN xuất khẩu tự cập nhật thông tin thị trường nhưng không phải DN nào cũng biết sàng lọc thông tin.
Đây là nhược điểm mà giới đầu cơ nước ngoài khai thác để chi phối, đưa DN nước ta “vào tròng”.
Chẳng hạn, trong suốt tháng 5-2009, giới đầu cơ nước ngoài tung tin, giá cà phê sẽ tăng đột biến khiến nhiều DN Việt Nam đua nhau tích trữ, thậm chí có DN vay nóng tiền để mua cà phê. Đến tháng 6-2009, các quỹ đầu cơ trên sàn London ngừng mua để dìm giá xuống thấp và lại tung tin giá cà phê trong những tháng kế tiếp sẽ giảm mạnh khiến các DN nước ta bán tháo bán đổ, chịu lỗ vài ba triệu đồng/tấn.
Một thực trạng nữa là có quá nhiều DN xuất khẩu bán hàng giao xa (nhà nhập khẩu ứng trước một tỷ lệ lớn tiền hợp đồng cho nhà xuất khẩu, phần còn lại được tính toán khi giao hàng và chốt giá dựa vào giá cà phê giao dịch trên thị trường kỳ hạn London), DN Việt Nam chấp nhận mua hàng hóa trong nước với giá cao, chờ cơ hội chốt giá trên thị trường London cao hơn để kiếm lời nhưng giá này bị dìm liên tục, đến hạn giao hàng phải chấp nhận “mua đắt bán rẻ” hoặc thương thảo điều chỉnh lùi kỳ hạn giao hàng và chịu mất phí với mức vài chục USD/tấn, tuỳ theo thời gian điều chỉnh.
Ngoài ra, tình trạng DN Việt Nam đua nhau xuất khẩu đầu vụ khiến giá bị dìm xuống thấp, đến cuối vụ hàng khan hiếm, phải mua với giá cao mới có để giao cho khách hàng nên cũng bị thiệt hại đáng kể.
Lối ra nào cho hạt cà phê?
Thật ra cả người sản xuất lẫn nhà xuất khẩu đều biết rất rõ các hạn chế của mình nhưng chưa biết khắc phục bằng cách nào. Bởi, người sản xuất phải thu hái khi quả chưa chín đều vì sợ bị mất trộm, cứ “xanh nhà hơn già vườn” cho chắc ăn, vả lại giá bán giữa hái xanh hoặc chín chưa có sự khác biệt đáng kể nào nếu bán cho các tư thương.
Điều đáng quan tâm nữa là do thiếu vốn đầu tư, một số nông dân đã “bán lúa non” cà phê cho tư thương nên việc thu hái cà phê xanh, chín thế nào do tư thương quyết định. Có nông dân thì vướng vào kỳ hạn trả nợ ngân hàng, nếu xin gia hạn thì sợ ngân hàng sẽ gây khó khăn khi xem xét cho vay lại nên đành thu hái sớm để có tiền trang trải.
Riêng đối với các DN xuất khẩu cũng có khó khăn riêng. Sở dĩ họ đua nhau ký hợp đồng giao xa vào đầu vụ vì “đói” vốn nên phải ký hợp đồng xuất khẩu để bổ sung vào hồ sơ vay vốn ngân hàng hoặc ứng trước vốn của nhà nhập khẩu.
Theo các chuyên gia, để nâng cao chất lượng cà phê cần bắt đầu từ khâu sản xuất, nhất thiết phải có chính sách hỗ trợ, khuyến khích nông dân tham gia sản xuất cà phê bền vững (4C, Utz Certified, Rainforest Alliance, Fairtrade, Organic…), đồng thời mạnh tay xử lý kiểu làm “ăn xổi ở thì”, thiếu khoa học, gây giảm chất lượng cà phê; vận động thành lập các mô hình sản xuất tập trung để dễ quản lý.
Các DN xuất khẩu phải liên kết lại để xây dựng kế hoạch bán hàng phù hợp, không để nhà nhập khẩu thao túng. Bên cạnh đó, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ vốn để DN thu mua, tạm trữ hàng hóa và nếu cần, Nhà nước phải can thiệp, điều hành xuất khẩu cà phê như điều hành xuất khẩu gạo thì mới mong hạn chế được thiệt hại.