Giá cà phê: nạn nhân cuộc chiến tranh tiền tệ
Sẽ rất là thất vọng nếu như chăm chăm tin rằng cứ giá USD xuống là giá cà phê tăng. Cuối tuần trước (21-8) thị trường tài chính nói chung không đi theo quan niệm truyền thống. Giá cà phê giảm mạnh và chỉ số đồng USD cũng giảm rất mạnh, có lúc chỉ số đồng USD rớt 100 điểm chỉ còn 95,02 điểm.
Giá cà phê ngày cuối tuần 21-8 theo tiếng gọi của kỹ thuật. Giá arabica giảm mạnh vì vào ngày thông báo giao hàng đầu tiên. Sức ép bán ra không chỉ từ các quỹ đầu cơ mà còn do thấy giá cao khi chưa mở cửa, các nước sản xuất arabica vùng Nam Mỹ như Brazil, Colombia, Mexico và một số nước Mỹ La tinh đã bán mạnh, nhờ đồng bản tệ của họ rớt mạnh nên càng vững tay bán.
Giá cà phê arabica Colombia, là loại được yêu chuộng và chủ yếu là hàng tồn kho đạt chuẩn trên sàn arabica hiện nay, đang chào bán ở mức chênh lệch (trừ lùi cộng tới) thấp nhất tính từ 6 tháng nay. Lý do: Đồng peso rớt giá tự do so với USD nên kích nông dân bán mạnh. Giá arabica loại tốt COFCO-UGQ-NYC rớt từ cộng 17 cts/lb xuống 15 cts/lb trên giá niêm yết ICE arabica, là mức thấp nhất tính từ giữa tháng 2-2015 đến nay.
Mua bù mạnh robusta xóa giá vắt
Trên sàn robusta, giá rớt theo chân arabica nhưng lại còn do một yếu tố khác. Vài tay đầu nậu đang kiểm soát một lượng hàng cực lớn trên sàn kỳ hạn robusta bị “bắt bài”. Nhiều nhà kinh doanh đã mua thoát các lô bán khống nhanh chóng trong ngày 18-8 và nay lượng bán khống trên sàn không đủ túc số để siết giá kiếm lợi khủng lợi riêng. Ăn không được, quậy cho hôi…và lại bắt đầu xả ra để tạo cơ hội mới hay ta thường gọi là “xóa bài chia lại”.
Hôm cuối tuần 21-8 trước, giá trên sàn arabica đã vuột mất mức 130 cts/lb đóng cửa tháng 12-2015 chỉ còn 126.45 cts/lb, giảm 14.70 cts hay trên 10% và robusta tháng 9-2015 chốt mức 1619 USD/tấn giảm 94 USD/tấn sau một tuần. Đó là dấu hiệu xấu. Riêng về giá đóng cửa tháng 11-2015 sàn London chốt mức 1642 USD/tấn giảm 23 USD/tấn so với hôm trước và mất 84 USD/tấn sau 1 tuần.
Tại sao có dấu hiệu xấu? Thị trường vẫn tin sản lượng cà phê thế giới đủ cho tiêu thụ, còn những bàn tán râu ria bên ngoài để cho người kinh doanh hàng giấy làm ăn. Tuy nhiên, cũng nên hiểu rằng giá trên hai sàn cà phê phần nào xuất phát từ ảnh hưởng của thị trường hàng thực. Bán mạnh giá giảm. Vì sao bán mạnh? Các bạn hãy tìm câu trả lời. Ở đây xin đưa ra các gợi ý: nhịp độ thu hái cà phê Brazil năm nay chậm nên chưa chắc tin nói mất mùa là đúng, các nước sản xuất có đồng bản tệ phá giá bán mạnh, hoặc vừa thực bán vừa bán đón trước để mua hàng sau này rẻ hơn.
Con số sản lượng cà phê Brazil bất nhất
Hãng tư vấn nông nghiệp có trụ sở tại Brazil tên là Safras&Mercado dự đoán tỷ lệ thu hái đến 19-8 trên toàn Brazil đạt 78% so với năm trước 90%. Tin khí tượng thủy văn hai ba tuần trước đây cho rằng thời tiết Brazil khô hạn sẽ thúc đẩy nhịp độ thu hái. Dù vậy, đến nay tỷ lệ thu hái vẫn chậm. Hãng này ước sản lượng cà phê Brazil năm nay đạt 50,4 triệu bao (bằng con số ước báo gần nhất vào giữa tháng 5-2015). Đấy là ước báo trong nhóm có con số cao, con số thấp là 40-42 triệu bao.
Giá cà phê đi trước thời cuộc?
Giá nhiều thị trường chứng khoán và hàng hóa trên thế giới đều giảm trong tuần qua. Thị trường đang “đón gió” cơn bão sắp tới hơn là cơn bão đã đi qua. Cơn bão đi qua là đợt Trung quốc phá giá đồng Nhân dân tệ một cách nhanh chóng và kết quả tệ hại cho các nước mới nổi và xuất khẩu hàng nguyên liệu. Từ Brazil, Colombia và các nước Nam Mỹ, đến Nam Phi, Kazakhstan, đến Việt Nam…nhưng cơn bão sắp tới nhiều người tin vào tháng 9-2015 khi ấy FED sẽ công bố tăng lãi suất đồng USD. Nếu thật như vậy, tính từ năm 2006 đến nay, đây là lần đầu tiên FED nâng lãi suất đồng USD.
Thị trường robusta các nước cạnh tranh
Tại Indonesia hàng robusta ra chậm do giá thấp. Thị trường xuất khẩu không mấy nhộn nhịp do người bán khống trước đây cực nhọc mua hàng. Thời tiết vẫn khá khô hạn.
Ở Ấn độ nhịp độ mua bán không khá hơn Indonesia. Các vùng trồng cà phê thiếu mưa nhưng nông dân chẳng cần quan tâm vì lo cho giá mùa này đang thấp trên thị trường. Ước Ấn độ đã bán ra chừng 80% tổng lượng robusta của vụ này.
Thị trường cà phê nội địa Việt Nam cũng khá yên ắng dù ngân hàng nhà nước đã giãn biên độ giao dịch USD lên 3% và 1 USD nay đã ăn trên chừng 22.500 VND. Tuy nhiên mức ấy vẫn chưa đủ kích để mua giá 39-40 triệu đồng, theo giá mua vào trước đây. Giá xuất khẩu hai bên mua/bán chưa gặp nhau, bên mua đang chờ giá trừ và bên bán đang chào giá cộng so với giá niêm yết của sàn London.
Các nước sản xuất thực bán không mạnh, nhưng có thể lượng bán đón của các hãng kinh doanh và các nhà kinh doanh hàng giấy trước các đồng tiền phá giá và lo sợ đồng USD tăng lãi suất đã nhấm chìn giá hai sàn kỳ hạn trong những ngày cuối tuần. Đồng real Brazil sau một ngày thứ Năm tăng 0.5% thì sang ngày cuối tuần giảm 1%. Tình trạng bấp bênh này làm thị trường hàng nông sản càng lo ngại.
Khuynh hướng chung tuần 35: Yếu
Nguyễn Quang Bình
Thông thường Việt Nam ta cứ vào cuối tháng 9 đầu tháng 10 là bắt đầu có cà thu hoạch lai rai, nhưng có những năm do tình hình thời tiết hạn hán hoặc do mưa đến trễ nên việc ra hoa kết trái bị chậm lại so với những năm khác là cũng chuyện thường thấy cụ thể như năm 2014 chúng ta cũng phải thu hoạch trễ hơn cả tháng. Vì vậy tôi nghĩ Brazil năm vừa rồi bị hạn hán, mưa trễ nên theo chu kỳ sinh trưởng từ lúc ra hoa đến kết trái nên có những vùng bây giờ vẫn chưa thu hoạch xong bởi mưa trễ, ra hoa trễ chứ không nghĩ là họ được mùa đến mức nhiều quá nên thu hái chưa xong.