Giá cà phê tăng: Có chút hy vọng nào? (ngày 17/07/2015)

Giá cà phê trên hai sàn kỳ hạn có phiên giảm điểm với cà phê robusta London âm 20 USD đạt 1705 USD/tấn sau khi rớt sâu xuống 1695 USD/tấn; arabica New York quay về 128.85 cts/lb rớt 0.95 cts/lb trong khung cảnh một đồng USD mạnh do sợ FED tăng lãi suất sắp tới.

Ngân hàng thương mại Commerzbank (Đức), một ngân hàng kinh doanh và cung cấp tín dụng cho các nhà kinh doanh hàng hóa nguyên liệu, trong đó có cà phê tuần này đã đưa ra dự báo xanh rờn làm dịu lòng các nhà sản xuất giữa lúc giá xuống.

Commerzbank dự báo rằng giá cà phê hai sàn kỳ hạn sẽ tăng trong nửa cuối năm 2015 dù cho đồng bản tệ Real Brazil mất giá.

Dĩ nhiên dự đoán cũng chỉ là dự đoán. Khi nghe dự đoán, người kinh doanh cà phê cần nghiên cứu xem cơ sở nào họ xây dựng kỳ vọng như thế.

Vào ngày thứ Ba 14-07, báo cáo của Commerzbank dự đoán rằng giá cà phê Ice New York arabica có thể đạt 150 cts/lb trong quý 4 năm 2015.

Hợp đồng arabica Ice New York giao tháng 12-2015 hiện đang được giao dịch quanh mức 134 cts/lb.

Họ cũng dự đoán giá kỳ hạn robusta từ đây đến cuối quý 4-2015 cũng tăng nhưng không nhiều, chỉ lên quanh mức 1800 USD/tấn.

Các hợp đồng tháng 11- 2015 cho robusta hiện  đang giao dịch quanh 1.735 tấn, với tháng 01-2016 vào khoảng 1.745 tấn.

Sở dĩ ngân hàng nầy dự báo tăng vì họ chưa tin lắm cây cà phê tại Brazil đã phục hồi sau đợt hạn tháng năm vừa qua. Nên niên vụ 2015-16 của Brazil vừa mới vào từ ngày 1-7-2015 theo họ vẫn mất mùa.

Tuy vậy, báo cáo lần này của ngân hàng đều ghi nhận tất cả các ước báo sản lượng quan trọng hiện có trên thị trường cho vụ 2014-15 của Brazil.

Brazil là nước trồng cà phê arabica lớn nhất thế giới, và cũng là một nước có diện tích cà phê robusta nhiều.

“Khung dao động của các dự báo sản lượng Brazil hiện nay là rất rộng: trong khoảng từ 49 đến dưới 52 triệu bao”, Commerzbank cho biết.

Bộ Nông nghiệp Mỹ có văn phòng ở Brasilia phát hành dự báo với con số cao nhất 52,4 triệu bao vì cơ quan này tin cây cà phê đã phục sức sau hạn hán.

Trong khi đó Hội đồng Cà phê Quốc gia của Brazil lại phản pháo con số cao như thế để cho rằng sản lượng cà phê của nước họ chỉ 43,3 triệu bao là quá.

Cơ sở để Commerzbank dự báo giá hai sàn cà phê tăng thực ra không phụ thuộc lắm vào con số sản lượng như họ trưng dẫn khá đầy đủ mà nghiên về vị thế kinh doanh của các quỹ đầu cơ trên hai sàn kỳ hạn.

Tính đến hết ngày 07-07, vị thế kinh doanh tổng hợp gồm cả kỳ hạn và quyền chọn của các quỹ đầu cơ trên hai sàn kỳ hạn như sau:

Sàn Ice New York cho arabica đã bán khống 20.996 lô, là mức bán khống cao nhất tính từ đầu năm 2013 đến nay, tương đương với 5.962.864 bao.

Sàn Ice London cho robusta đã mua khống 20.554 lô hay tương đương với 3.424.000 bao.

Trên sàn arabica, do bán khống đã khá mạnh, đầu cơ đến lúc phải mua để thoát vị thế. Giao dịch mua sẽ giúp cho giá tăng, là chuyện đương nhiên (nhưng chẳng mấy ai ở các nước sản xuất để ý, cứ tưởng do cung cầu).

Ngân hàng này cũng nói robusta Ice London do giá vừa qua vững, nhưng vững là do lượng mua khống nhiều nên giá vững. Rồi các quỹ đầu cơ lại phải bán thoát vụ thế. Ai chả hiểu bán sẽ cản giá tăng?

Tuy nhiên, ngân hàng này đã lưu ý thị trường yếu tố tiền tệ, đồng real Brazil sẽ còn giảm giá để cản trở giá tăng của sàn arabica. “Một đồng tiền Brazil rẻ sẽ khuyến khích nông dân Brazil bán mạnh và có thể sẽ ảnh hưởng đến giá trên sàn kỳ hạn”, báo cáo nói thế.

Ngoài ra, còn có một yếu tố khác có thể tạo nên tiêu cực cho thị trường đó là Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đòi tăng lãi suất ngân hàng. Đây sẽ là một trong các yếu tố then chốt ảnh hưởng đến giá hàng hóa, trong đó có cà phê.

Nếu nhìn khối lượng bán khống là “một cục bất biến” thì khả năng giá tăng cho sàn arabica là rõ. Nhưng biết đâu các quỹ đầu cơ khi thoát ra, khi nhảy vào và kéo dài tình hình làm giá cứ lình xình không tăng nhưng cũng không giảm mạnh.

Mặt khác, người giữ cà phê có chứng nhận đạt chuẩn trên sàn (certs) nay chỉ có một vài tay, nên việc mua bên này bán bên kia được sử dụng nhuần nhuyễn và có lợi cho đồng vốn của mình.

Nên kinh doanh hàng hóa nguyên liệu thời nay đầy cả rủi ro.

 Dự kiến sàn robusta Ice robusta London mở cửa chiều 17-7 từ giảm nhẹ đến không đổi.

Khuynh hướng chung:

  • ICE London: Tiêu cực
  • ICE New York: Trung tính/Tiêu cực

Nguyễn Quang Bình

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

  1. ĐUC KON TUM

    TRỮ CÀ

    Trữ cà ơi hỡi trữ cà…
    Một năm thất bại bằng ba năm… cày…
    Chín tháng trông đợi rủi may…
    Xanh đâu chẳng thấy đắng cay trăm phần.

  2. hoangmanh

    trên diễn đàn dạo này ít người xem, hình như các bác bán hết cà rồi phải,buồn cho diễn đàn mong BBT có phương hướng khắc phục tình trạng này để cho diễn đàn ngày càng sôi nổi và có những bài thơ hay để cho bà con có tinh thần tiếp tục trồng cà phê để đạt kết quả cao hơn. mong tuần sau giá lên như ngân hàng đức cung cấp.

    1. Đông ky Sốt

      Vì một lý do nữa đó là…do bài viết bị khoá với những người không có hoặc chưa có tài khoản và cả những người có tài khoản nhưng không có hoặc không nộp tiền nên không đọc được bài viết , mà không đọc được thì…không biết bình luận sao đó bạn.

Tin đã đăng