(01-07-2015) Khủng hoảng eurozone ảnh hưởng gì đến mua bán nông sản Việt Nam?

Không trả nổi nợ và lãi vay đáo hạn ngày 30-6 cho IMF, Hy Lạp xem như vỡ nợ. Nhưng, nhiều nhà lãnh đạo EU và ngân hàng trung ương tránh sử dụng từ này vì sợ thị trường tài chính nhạy cảm, biến động không lường được.

Đến nay, Hy Lạp đang gánh khoản nợ công khổng lồ 323 tỉ euro.

Cũng trong sáng 1-7, các ngân hàng Hy Lạp được phép mở cửa lại nhưng chỉ giao dịch trả các khoản lương hưu với số tiền rút hàng ngày không quá 120 euro/ngày/người.

Thủ tướng Hy Lạp Tsipras cố kêu gọi eurozone giúp gói cứu trợ thứ ba kéo dài trong 2 năm với chừng 29,1 tỉ euro. Song, đề nghị này bị từ khước và phải đợi tới kết quả trưng cầu dân ý vào ngày 5-7 tới đây.

Có người hỏi khủng hoảng nợ Hy Lạp có ảnh hưởng gì đến nước ta? Một số nhận định trên báo chí hôm nay tại nước ta đưa ra một số ý kiến như sau:

Theo ông Lương Văn Khôi – Trưởng ban Kinh tế thế giới thuộc Trung tâm Thông tin và dự báo kinh tế – xã hội Quốc gia (Bộ Kế hoạch & Đầu tư) cho hay Hy Lạp hiện là thành viên của liên minh châu Âu – một trong những đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam, do đó, khi quốc gia này lâm vào khủng hoảng, thương mại và đầu tư của khu vực này với Việt Nam có thể bị tác động.

“Hy Lạp tuy là nền kinh tế nhỏ trong châu Âu nhưng là thành viên của khu vực đồng tiền chung trong khối. Khi nền kinh tế này vỡ nợ, chắc chắn châu Âu sẽ bị ảnh hưởng, tác động lên nhu cầu hàng hóa từ Việt Nam cũng như dòng vốn đầu tư vào trong nước”, ông Khôi nói.

Trong khi đó, ông Trương Văn Phước – Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia tin tưởng Việt Nam không chịu tác động nhiều, bởi với những kinh nghiệm về kiểm soát dòng vốn, ngăn ngừa lây nhiễm từ các cuộc khủng hoảng, sẽ không có một cú sốc nào xảy ra trên thị trường tài chính.

Thị trường tài chính sẽ không có cú sốc lớn như cuộc khủng hoảng 2007 – 2008 ở Mỹ”, ông nhấn mạnh. Tuy nhiên, theo ông, tấm gương về Hy Lạp cũng là bài học lớn cho Việt Nam trong việc sử dụng các nguồn vốn đầu tư.

Đó là ý kiến của hai chuyên gia trên trang “vnexpress.net” ngày hôm nay 1-7-2015.

Đối với thị trường tài chính, mức độ liên thông giữa thị trường tài chính nước ta và EU là rất có hạn, nên đúng là nếu có ảnh hưởng cũng ở mức rất thấp và có thể kiểm soát được. Cái lợi là nếu như vì khủng hoảng, đồng euro mất giá tiếp và rẻ, trả nợ vay nếu có trước đây sẽ nhẹ nhàng hơn. Tuy nhiên, do hệ thống tiền tệ và ngân hàng biến động tiêu cực, chắc chắn những món vay mới sẽ không dễ tiếp cận.

Đứng về phía nước xuất khẩu nguyên liệu hàng hóa, ảnh hưởng tiêu cực sẽ rất rõ ràng và trực tiếp. Có phải do khó khăn mấy năm nay tại vùng eurozone, xuất khẩu nguyên liệu hàng hóa nông sản càng khó khăn và có thể nói thị trường xuất khẩu bị thu hẹp dần?

Với khách hàng nhập khẩu từ vùng eurozone, các ngân hàng cấp vốn kinh doanh thu hẹp tín dụng nhập khẩu nên sức mua của bạn hàng giảm là chắc. Đó là chưa nói tới hiệu ứng đồng tiền euro mất giá, nếu giá hàng hóa ta xuất khẩu qua thị trường ấy không cạnh tranh, sẽ khó mà giữ được thị trường. Châu Âu vốn là một thị trường lớn cho nhiều mặt hàng nông sản nước ta như cà phê, điều, tiêu, gạo, thủy sản và nhiều loại rau củ quả.

Trao đổi hàng hóa hạn chế một mặt, mặt khác rủi ro về thanh toán cũng cần được nhắc đến. Nhiều nhà xuất khẩu đã gặp khó từ phía nhà nhập khẩu bấy nay trong thanh toán do các điều kiện thanh toán rất sơ suất. Có bạn hàng nhận hàng rồi nhưng không thanh toán hay để hàng bơi trên biển mà không thể nhận hàng do khó khăn tài chính. Hãy tìm một cách mua bán an toàn, chẳng bằng bán ít mà an toàn trong thanh toán còn hơn ký các hợp đồng cực lớn để rồi giao hàng không có tiền về.

Một mặt quan trọng khác nữa là trong khi các nhà nhập khẩu vốn tầm nhỏ và trung khó khăn, các nhà nhập khẩu lớn tìm cách tranh thủ đầu cơ để hưởng lợi. Tuy nhiên, cần nghĩ rằng thương vụ là nhất thời, giữ một nền sản xuất lâu bền, chọn đối tác là người chuyên nghiệp như các hãng rang xay cho mặt hàng cà phê…, chọn đúng đối tượng trong chuỗi cung ứng là rất cần thiết trong giai đoạn khủng hoảng hiện nay.

Nguyễn Quang Bình

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Tin đã đăng