Liệu Hy Lạp phải rời khỏi khu vực đồng euro? Kịch bản Hy Lạp rời khối eurozone hay thường được gọi là Grexit dường như là có thể, mặc dù còn cách tránh được. Tối thứ Sáu vừa rồi (24-6), Alexis Tsipras và chính phủ liên mình của ông công bố một cuộc trưng cầu dân ý. Thủ tướng Hy Lạp từ chối các đề xuất cải cách và củng cố ngân sách theo ý của chủ nợ (Ủy ban châu Âu EC, ECB, IMF) để tiếp tục hỗ trợ tài chính cho đất nước mình. Lịch bỏ phiếu được tổ chức vào ngày 05 tháng 7, nhưng phía Hy Lạp vẫn chưa đưa ra điều gì chắc chắn. Hy Lạp bỏ phiếu quyết định ở lại hay đi khỏi eurozone? Bỏ phiếu chấp nhận các yêu cầu của chủ nợ? Đến nay chẳng ai biết gì cả.
Tất cả đều lấp lững
Đến thứ Bảy 27-6 chưa thấy chuyện gì ra chuyện gì. Sửng sốt bởi thay đổi 180 độ của Hy Lạp, các bộ trưởng tài chính eurozone công bố một cách bất ngờ sẽ không cấp thêm cứu trợ gói thứ hai cho Hy Lạp như đã nhất trí vào năm 2012 sau ngày 30-6-2015 này. Có nghĩa là ngày chủ nhật tới nhân dân Hy Lạp sẽ bỏ phiếu trên cơ sở một kế hoạch hỗ trợ không còn hiệu lực!
Tình hình căng thẳng thực sự. Athens không thể trả được 1,6 tỷ nợ cho IMF đáo hạn vào thứ ba 30-6, như vậy Hy Lạp sẽ bị theo dõi bởi các cơ quan thừa phát lại trong tình trạng phá sản từng phần. ECB ở vị trí tiên phong. Liệu ngân hàng trung ương châu Âu có giúp tiếp cho các ngân hàng sở tại để điều tiết lượng euro rút ra ồ ạt khỏi các cơ sở gởi tiền trong cuộc khủng hoảng về thanh khoản được dự báo trước? Chắc chắn là thế. Nhưng chẳng có chuyên gia nào dám có một câu giải thích nào dứt khoát chuyện sẽ ra sao. Trong tình hình ấy, có điều chắc chắn là lượng thanh khoản trong nước của đồng euro nhanh chóng cạn kiệt khi xảy ra Grexit. Hệ quả là chính phủ Hy Lạp bấy giờ phải đưa ra một loại đồng tiền riêng để vận hành nền kinh tế.
Chuẩn bị cho Grexit?
Cứ mường tượng ECB khóa vòi không rót tiền cho các ngân hàng Hy Lạp nhưng chẳng vị đứng đầu một nước nào ở eurozone dám đứng ra chịu trách nhiệm. Nên cuối chiều hôm qua thứ bảy 27-6 các bộ trưởng tài chính eurozone phải họp mà không mời đồng nhiệm Hy Lạp tới dự. Khi từ chối tiếp tục viện trợ đến ngày trưng cầu dân ý, hình như eurozone đã chuẩn bị kịch bản Hy lạp rời eurozone Grexit. Hình như chẳng ai muốn nhượng bộ thêm vì họ nghĩ rằng Hy Lạp tìm cách lần lữa năm lần bảy lượt rồi.
Các bộ trưởng tài chính eurozone cũng nêu vấn đề làm sao phải kiểm soát được vốn bằng không tiền sẽ “chảy máu” rất đậm. Thậm chí có vị đề nghị phải đóng cửa các ngân hàng trong những ngày đầu Grexit mới có thể ổn định tình hình tiền vốn và tài chính, dù chuyện đó thuộc quyền quyết định của chính phủ Hy Lạp.
Hy Lạp chọn lựa gì?
Trong tình huống khẩn cấp như vậy, nhiều nhà phân tích dự đoán sự sụp đổ của nền kinh tế do bất ổn chính trị và kinh tế sẽ tạo ra. Tiền mới phát hành chưa chắc sẽ mất giá nhanh. Nhưng ở một đất nước mà sản xuất công nghiệp đã sụp đổ, phục hồi xuất khẩu không phải dễ dàng. Khi xuất khẩu chưa hoàn lai, nhập khẩu tăng mạnh, lạm phát có cơ hội bộc phát, người nghèo Hy Lạp bấy giờ là người thấm thía trước tiên và nhiều nhất.
Phạm Kỳ Anh, theo Le Point 27-6-2015